Tháng Tám 4, 2009 bởi khanhhoathuynga
II.- Truy lại cội nguồn nền văn hóa trà
Khởi đầu câu chuyện này xin nói về nước Đại Lý, lãnh thổ bao gồm tỉnh Vân Nam, Quý Châu và tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Nước này còn chiếm một phần vùng thượng du miền Bắc Việt Nam và một phần lãnh thổ của Myanmar ngày nay. Trước khi thành lập nước Đại Lý, vùng đất này là của người Bạch và người Di, gồm 6 bộ tộc (gọi là chiếu) Mông Huề, Việt Thác, Lãng Khung, Đằng Đạm, Thi Lãng, Mông Xá, trong số đó Mông Xá là bộ tộc mạnh nhất nằm ở phía nam nên thường gọi là Nam Chiếu. Năm 737, thủ lãnh của Mông Xá là Bì La Cáp mượn thế lực của Đường Huyền Tông thống nhất các chiếu khác thành lập ra nước Nam Chiếu. Điều này có ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Trong khoảng năm Khai Nguyên (713-742) đời vua Huyền Tông nhà Đường, Nam Chiếu là Bì La Cáp cường thịnh lên, mà 5 chiếu kia suy hèn đi. Bì La Cáp mới đút lót cho quan tiết độ sứ đạo Kiếm Nam là Vương Dục để xin hợp cả 6 chiếu lại làm một. Triều đình nhà Đường thuận cho, và đặt tên là Qui Nghĩa. Từ đó Nam Chiếu càng ngày càng thịnh lên, đem quân đi đánh Thổ Phồn (Tây Tạng)… Bấy giờ Nam Chiếu đã mạnh lắm, bèn xưng đế và đặt quốc hiệu là Đại Mông rồi lại đổi là Đại Lễ…” Triều đại này tồn tại đến năm 902, Đoàn Tư Bình nổi lên thành lập nước Đại Lý. Trong thời kỳ này nhà Đường có hai lần cử quân xâm chiếm 750 và lần sau vào năm 754, nhưng đều thất bại nặng nề để lại hai địa danh “Mồ Tướng” và “Mã vạn binh” vùng Vân Nam. Đại Việt Sử Ký nhiều đoạn cũng chép rằng vào thời kỳ này quân Nam Chiếu rất mạnh, nhiều lần xâm phạm Giao Châu[1] đang bị nhà Đường đô hộ, đánh qua Miến Điện (nay là Myanmar) và Tây Tạng; tứng chiếm Thành Đô của Trung Hoa.
Vương Quốc Đại Lý tồn tại trên vùng đất này từ năm 937 cho đến năm 1253; kế tiếp nhau bởi 22 đời xưng đế, trong đó có nhân vật Đoàn Chính Thuần được Kim Dung hư cấu vào tiểu thuyết võ hiệp của mình. Sau năm 1253, Đại Lý mất vào tay Nguyên Mông nhưng dòng họ Đoàn vẫn cai trị vùng đất này với tước danh Tổng quản đến tận năm 1387 (vị tổng quản cuối cùng là Đoàn Thế) bị diệt dưới tay Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Nước Đại Lý đổi thành phủ Đại Lý, người Bạch và người Di nước lưu lạc xuống phương Nam. Một số thành các dân tộc người ở Việt Nam, Lào và Myanmar (như Thái Trắng, Thái Đen, Thái Đỏ, Lô lô, Nùng); một nhóm đông hơn di chuyển sâu về hướng Nam thành lập nước Thái Lan ngày nay. Bản đồ nhà Hán, nhà Đường và nhà Tống chưa hề nắm giữ vùng Tây Nam trung Quốc hiện nay, do vậy nói trà phát triển vào ba triều đại này chưa chính xác. Có một điểm như đã chứng minh trong sách này, người Trung Hoa thời xưa thường hay đi đó đi đây và ghi chép thành sách nên trà có thể biết đến nhưng chưa thành một văn hóa như thư tịch Trung Hoa đã nêu (không loại trừ huyền thoại hóa một số vấn đề).
Ngôn ngữ dân tộc này dung là ngôn ngữ Tạng Miến, chứng tỏ họ có mối giao lưu lâu đời và gắn bó với Tây Tạng và Mieến điện (nay là Myanmar)
- Truy về nguoồn gốc tập quán uống trà
Câu chuyện này chỉ là cơ sở truy về nguồn gốc nền văn hóa trà.
- Thứ nhất, như đã trình bày ở trên: ba triều đại Hán, Đường và Tống chưa hề nắm nguồn nguyên liệu trà là vùng Tây-Nam Trung Hoa hiện nay. Vùng lãnh thổ này là vương quốc Nam Chiếu – Đại Lý và phía tây vuơng quốc này là Đế quốc Tây Tạng còn hùng mạnh hơn.
Đây lại là vùng núi non, thổ nghi thích hợp cho cây trà nhưng lại khó giao thông. Thêm nữa, lịch sử ba triều đại Hán-Đường và Tống không êm thắm với các bộ lạc và quốc gia vùng này nên việc người dân dùng la chuyển tải trà theo đường mòn trên núi (Trà Mã Cổ Đạo – 茶馬古道 – 618-907) là điều dễ hiểu. Sự kết thúc của con đường này vào năm 907 là điều tất yếu do sự sụp đổ của Nam Chiếu và hình thành Đại Lý hùng mạnh hơn, luôn đối đầu với Trung Hoa. Điều cho thấy người Trung Hoa thời đó chưa nắm được sản phẩm trà nên chưa hẳn đã hình thành văn hóa trà; và sự vận chuyển như thế chỉ đủ cung ứng cho vùng Hoa Nam ngày nay cũng khá rộng lớn và một lượng nhỏ cho triều đình. Cho nên văn hóa trà khởi nguồn có thể từ vùng Vân Nam – Tứ Xuyên ngày nay, lúc đó thuộc về Nam Chiếu – Đại Lý của hai dân tộc Bạch và Di. Vùng Hoa Nam được thừa hưởng nền văn hóa đó mà chủ yếu là giới thiền sư, đến đời Minh mới tràn về Hoa Bắc. Thời gian lan truyền trà vào Hoa Nam có thể vào thế kỷ thứ 7, cùng sự ra đời của Trà Mã Cổ Đạo, hay có thể sớm hơn khoảng 1-2 thế kỷ theo lối trao đổi hàng nhỏ lẻ.
Nhà đường và nhà Tống cũng vươn về phía Nam nhưng theo hướng Đông, do đó cũng có thể tiếp xúc với trà. Tuy nhiên với sự tiếp xúc như vậy cho kết quả trà chỉ mới là mốt thời thượng của triều đình đóng kinh đô ở vùng Hoa Bắc, chứ chưa phổ cập trở thành nền văn hóa trà. Đó cũng là điều lý giải vì sao trà là món quà quí được hoàng đế Đường-Tống dùng để ban thưởng cho các sứ thần (như ban cho triều đình Nhật Bản, xem chương 1 “Trà nghi Nhật Bản”, quyển 3) và cũng chính vì sự ban thưởng đó trà lan qua Nhật và Hàn Quốc.
- Thứ nhì, tư liệu về văn hóa trà Trung Hoa, tức khi trà thực sự trở thành một thành tố xã hội, có lẽ chỉ nên tính từ đời nhà Đường như nhiều chỗ trong cuốn sách này chứng minh. Tài liệu sớm nhất là cuốn Trà Kinh.
Lục Vũ (733–804), tác giả cuốn Trà Kinh, người đất Cảnh Lăng, Hồ Bắc; theo bản đồ thì cặp sát Tứ Xuyên và Quý Châu (lúc đó thuộc Nam Chiếu). Vùng này giao lưu văn hóa nhiều đời với hai dân tộc Bạch và Di nên thiền sư cha nuôi của Lục Vũ là một trà nhân không phải là lạ, nhưng nói vin vào đó nói cả triều nhà Đường có văn hóa trà từ thời này là điều cần xét lại theo luận cứ lãnh thổ đã nêu ở trên. Lại nữa, tài liệu chép: ông viết cuốn Trà Kinh vào cuối đời (khoảng năm 780). Nhưng đó lại là cơ sở chứng tỏ các thiền sư miền Hoa Nam đã quen dùng trà như món nước uống trợ giúp khi thiền tập. Thiền sử Trung Hoa cũng cho thấy từ đời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trở về trước (đa số các tổ này người Hoa Bắc) không thấy nói gì về trà, nhưng đến đời Lục Tổ Huệ Năng (638-713), vốn người Lĩnh Nam – Hoa Nam, phát sinh ra nghi thức thiền sinh mỗi sáng uống trà trước bàn thờ Đạt Ma Tổ Sư. Từ đó sinh ra cái gọi là huyền thoại Sơ tổ Đạt Ma cắt mi mắt thành cây trà để người Trung Hoa xác tín với thế giới nước mình là cái nôi của văn hóa trà. Xét về niên đại, Lục Tổ Huệ Năng và Lục Vũ gần như sống cùng thời với nhau; càng cho thấy trà và Thiền Nam Tông đã gắn bó với nhau từ trước đó rồi, nhưng chỉ mới xâm nhập một ít vào triều đình nhà Đường và một số ít thiền sư Hoa Bắc (do mâu thuẩn giữa dòng Thiền Nam Tông của Huệ Năng và dòng Thiền Bắc Tông của Thần Tú).
Thêm nữa, khi viết Trà Kinh Lục Vũ đã chán cảnh quan trường nên lui về Hoa Nam (Hồ Châu, Chiết Giang) ẩn cư cùng một số tao nhân mặc khách, nơi đây là một nơi xuất xứ của Trà. Các trước tác đời sau còn nói ông thường lui tới nông dân và những nhà làm trà để ghi chép. Trong cuốn sách này Lục Vũ có mô tả lối uống trà pha trộn nhiều phụ liệu như sữa, gừng, trần bì, hành, tỏi, … và muối. Đó là lối uống trà của người Bạch và người Di vùng Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên. Sau đò Lục Vũ cách tân chỉ giữ lại có muối vì một lẽ dễ hiểu các thứ kia không hợp với khẩu vị của thiền sư chúng có tính kích thích và hưng phấn (hành tỏi là thứ kiêng kỵ của thiền gia, gọi là ngũ vị tân). Sự cách tân cho phù hợp với Thiền Nam tông này mau chóng được vùng Hoa Nam tán thưởng và lan truyền đi. Dòng trà này theo thời gian ngược lên hướng bắc, còn dòng trà Đại Lý lan truyền quanh vùng mà chúng ta sẽ gặp ở các phong tục uống trà ở Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng, … được thuật lại ở chương 5 “Tập quán uống trà ở một số nước khác” của Quyển 3. Còn món trà sữa của Mông Cổ không phải do Trung Hoa truyền qua mà do các vua chúa Nguyên tôn sùng Mật tông Tây Tạng nên trà theo đường đó đi vào văn hóa Mông Cổ.
Chúng ta ngày nay cũng có thể tìm ra dấu vết dòng trà Đại Lý qua tập quán uống trà cũa các dân tộc ít người ở miền Thượng Du Bắc Bộ Việt Nam, Thái Lan, Lào, Myanmar, Vân Nam, Tứ Xuyên, … sẽ tìm ra nhiều chứng minh bổ ích cho luận thuyết này.
Chẳng hạn dân tộc Bạch vùng Vân Nam có tập tục gọi là “Bạch tộc tam đạo trà“: sau một tiết mục hát, múa truyền thống dân tộc là một tuần trà mời khách. Chén trà đầu (tuần trà thứ nhất) có vị thật đắng biểu trưng nỗi cay đắng, gian khổ trong cuộc sống; chén trà thứ hai lại thật ngọt tượng trưng cho thành công và hạnh phúc; chén trà thứ ba không đắng, không ngọt được gọi là chén trà “hồi quy” để hồi tưởng lại những gian khổ, vất vả cũng như hạnh phúc trong cuộc đời. Cách pha trà của họ cũng đặc trưng: lá trà non được hơ trên ngọn lửa cho đến khi biến thành màu vàng và tỏa hương thơm mới được cho vào ấm pha nước sôi để thật lâu cho ngấm trà, khi lá trà chìm hết mới rót ra thưởng thức. Khi uống trà họ còn lấy lá trà ra nhâm nhi, nếu thiếu điều này coi như vô lễ với khách (hoàn toàn trái ngược với văn hóa Hoa Bắc).
Dĩ nhiên có người sẽ đặt vấn đề: đời Đường-Tống trà chưa phổ biến sao lại có nhiều sách viết về trà ra đời vào thời kỳ này. Rất có thể đây là một đặc điểm của Trung Hoa; nhiều nghiên cứu cho thấy rất nhiều kinh sách của Trung Hoa do người đời sau viết nhưng thác danh một nhân vật tên tuổi nào đó vào thời trước. Thần Nông Bản Thảo là một ví dụ. Cho nên, không thể không xem xét các tác phẩm viết về trà ghi niên đại Đường-Tống có phải viết vào đời nhà Minh không!? Câu hỏi này đặt ra vì ở quyển 3 tôi có chứng minh trong Đường Thi rất ít nói về trà so với rượu, trong khi các bộ tiểu thuyết đời Minh nói về trà thường hơn. Đời Đường-Tống khó tìm được một câu tha thiết với trà như câu của Tạ Triệu Triết đời Minh: “Ở trên đời có đói ăn thiếu mặc thì còn chịu nổi nhưng mà thiếu nước uống trà thì không sao chịu được“. Vấn đề là chỗ này.
Tuy nhiên đứng về góc độ lịch sử, khi nhà Tống suy yếu rút về phía nam để phân tách Trung Hoa ra thành Bắc Kim và Nam Tống, thì nhà Nam Tống (1142-1279)[2] có thể tính là lúc khởi điểm của trà trong tầng lớp nho sĩ trí thức Trung Hoa (chứ không phải giới hạn trong một số trí thức quý tộc cung đình như trước kia). Một số tác phẩm chuyên khảo về trà có thể được viết từ thời Nam Tống nhưng gán ghép cho thời Bắc Tống (chẳng hạn tác phẩm Đại Quan Trà Luận đề danh Tống Huy Tông[3]).
Giai đoạn này nhà Tống rời bỏ kinh đô ở Khai Phong cho nhà Kim và lui về nam lập kinh đô Nam Tống tại Hàng Châu[4], một vùng trà. Từ đây xuất hiện nhân vật Chu Hy, đã nâng lên hàng văn hóa như đã trình bày bài thơ của ông ở chương 5 “Thú chơi trà”, quyển 1. Do vậy cũng có thể nói văn hóa trà Trung Hoa bắt đầu manh nha từ đời Nam Tống nhờ có sự cọ sát và hỗn giao thực tiễn hai luồng tư tưởng triết học Bắc-Nam do sự di dời trung tâm tư tưởng và học thuật về Hàng Châu.
Nhưng trà chỉ thật sự phổ cập ở khắp Trung Hoa bắt đầu từ thời Nguyên khi Đại Lý bị diệt và dòng họ Đoàn quy thuận, trà mới có cơ sở thông thương rộng hơn. Qua đời Minh (1368-1644), việc buôn bán trà trở nên rất thịnh vượng nên triều đình lập ra “Bộ Trà Mã” để quản lý và thu thuế, kết quả tất yếu của việc sáp nhập nước Đại Lý vào Đại Minh[5]. Trong bối cảnh đó nhiều tay bút bàn về trà sinh sôi nảy nở là điều tất yếu, và thường hay đề danh tính người đời trước để dễ thuyết phục người đọc (đời nhà Minh nổi tiếng nhiều ngụy tác). Tuy vậy để xuất khẩu trà quy mô phải đợi đến khi kỹ thuật canh tác phát triển và trà được trồng nhiều ở các vùng như Hồ Nam, Hồ Bắc, Chiết Giang, Giang Tô, Lãnh Nam, Kinh Tương, Phúc Kiến, nghĩa là khó sớm hơn thế kỷ 14[6]. Như vậy, Con Đường Tơ Lụa mà người Trung Hoa thường nêu ra để chứng minh trà từ Trung Hoa truyền sang các nước phía tây thiếu luận cứ chính xác. Ở chương 5 “Tập quán uống trà ở một số nước khác”, quyển 3, cho thấy con đường du nhập trà vào các nước phía tây Trung Hoa không như tài liệu xưa nay chúng ta lầm tưởng và dấu ấn văn hóa trà của Trung Hoa ở đó rất mờ nhạt, nếu không muốn nói không có.
Nếu Trung Hoa cho rằng Vân Nam – Tứ Xuyên ngày nay là của Trung Quốc nên nguồn gốc từ Trung Quốc mà ra; chúng ta cũng có thể nói vùng Thượng Du Bắc Việt Nam ngày nay của Việt Nam xưa thuộc Đại Lý, vậy Việt Nam cũng là cái nôi của thế giới. Theo tôi điều này không hay ho chút nào. Hãy như người Việt, cứ để nền văn hóa Óc Eo là tài sản của vương quốc Phù Nam, Tháp Chàm của người Chăm, … chứ không nhận bừa của người Việt. Tương tự, cội nguồn của trà là người Đại Lý, một vương quốc cổ nay không còn nữa. Và có thể các nhóm dân tộc dùng ngôn ngữ Tạng-Miến như người Thái vùng Tây-Bắc miền Bắc Việt Nam là một thành tố đại diện còn tồn tại đến ngày nay.
Nghiên cứu về văn hóa nên lấy mốc từ khi một sự kiện trở nên phổ quát và đi vào tư tưởng, chứ không nên vin vào một vài chứng cứ vật thể nhỏ để khẳng định đã có một nền văn hóa. Cũng như khi cắm ngọn cờ trên mặt trăng không thể khẳng định con người đã sống trên mặt trăng vào thời điểm đó. Chính trị và văn hóa khác biệt nhau ở chỗ này.
- Văn hóa trà Việt Nam xuất phát từ vùng Tây-Bắc miền Bắc Việt Nam
Còn đối với Việt Nam, các chứng cứ cho thấy trà là cây bản địa, nhưng chứng minh người Việt biết uống trà từ bao giờ và phong cách uống trà của người Việt hình thành từ bao giờ quả là câu hỏi hóc búa. Nhiều khả năng tập quán uống trà của người Việt là tự có hay khởi sinh từ sự giao lưu giữa người Việt với các dân tộc thuộc Nam Chiếu – Đại Lý xưa kia. Ở đây muốn nhấn mạnh là sử liệu không có dấu vết gì chứng minh tập quán uống trà và giống trà do người Trung Hoa đem qua Việt Nam cả. Nếu có chắc hẳn sử Trung Hoa đã có ghi như từng ghi những kỹ thuật truyền bá qua Việt Nam.
Một số cơ sở cho thấy có sự giao lưu văn hóa trà và các dân tộc này như sau:
- Một phần lãnh thổ miền Bắc Việt Nam ngày nay (vùng thượng du) xưa kia là lãnh thổ nước Đại Lý[7], sự giao lưu giữa các dân tộc hẳn nhiên là có. Như trên đã nói nước này theo Phật giáo Mật tông; và các thiền sư Việt Nam thời đầu Công nguyên đều có dấu ấn Mật tông hơn là Thiền Nam Tông. Như truyện Từ Đạo Hạnh đi đến xứ Kim Xỉ Man (mọi răng vàng) để học phép thuật về trả thù cho cha; tiến sĩ thiền sư Lê Mạnh Thát chú: “phần đất ấy thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Xem Nguyên sử 16 tờ 8a4. Gọi là Mọi Răng Vàng vì dân tộc ấy dùng vàng lá mà trang sức răng mình, “khi ăn thì lấy ra”. Họ có nhiều giống, mà Tân Đường Thư 222 hạ tờ 15b-16a liệt ra như giống Tú Cước, giống Tú Diện, giống Điêu Đề, giống Xuyên Tỷ. An Nam Chí Lược 1 tờ 19 nói: “Đà Giang Lộ tiếp giáp với Kim Xỉ”. Kim Xỉ đây đương nhiên là Kim Xỉ Man.”. Trong bài viết tựa đề “4.000 năm Văn hiến” giáo sư Nguyễn Đăng Thục có trích dẫn sách “Hoa Dương Quốc Chí, q.3 Thục Chí” của Trung Hoa rồi diễn giải: “Vân Nam với Bắc Việt liền tiếp với nhau, từ thời cổ xưa hai miền giao thông rất thịnh, cho nên thời cổ sự giao thông giữa Tứ Xuyên với Bắc Việt chắc hẳn là tấp nập.”
- Lối nấu trà xanh Việt Nam (trà tươi) có thêm gừng đã nói ở chương 3 “Danh trà” là dấu vết của giao lưu văn hóa trà này. Vùng Thanh Hóa[8] xưa kia có loại trà Bạng với cách chế biến gần giống trà bánh của vùng Vân Nam. Đến đầu thế kỷ 20, trà nổi danh vẫn là trà Mạn Hảo (một địa danh ở Vân Nam) cho thấy một mối giao lưu trà và “gu” uồng trà với vùng này và Việt Nam có truyền thống lâu đời.
Nhìn theo góc độ này dòng trà Việt Nam kết tinh từ sự giao lưu với vùng Tây-Nam Trung Hoa (nói cụ thể là với Nam Chiếu – Đại Lý), và có thể cùng vùng này là nơi khởi sinh nền văn hóa trà đầu tiên trên thế giới ở Tây Bắc miền Bắc Việt Nam. Cũng có thể nói người Việt ít nhất biết dùng trà trễ nhất là thế kỷ thứ 4-5 hình thành nền văn hóa trà hoàn thiện và rực rỡ vào thế kỷ 10-12 (đời Lý-Trần).
Đứng trên góc độ lịch sử, người Bạch và người Di từ vùng Vân Nam di cư vào vùng Tây-Bắc Việt Nam cũng có những cứ liệu khá chính xác. Trong tác phẩm “Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam” Cẩm Trọng viết: “Từ những tư liệu trên có thể nhận định tổng quát về nhóm Thái Trắng ở Miền Bắc – Tây Bắc là một nhóm người Thái sau khi tách khỏi nhóm tộc gốc (người Tày cổ) đã gia nhập nhóm ‘Bạch’ gồm các tộc thiểu số, đặc biệt là các tộc người trong nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến cư trú ở miền thượng Sông Đà, sông Nậm Na. Quá trình họ gia nhập nhóm ‘Bạch’ cũng là quá trình tổ tiên họ di cư đến ở caá thung lũng Mường Lay, Mường Tè và Phong Thổ trong khoảng những năm đầu thiên niên kỷ I Công Nguyên. Sau khi đã ổn định nơi cư trú ở các vùng thung lũng đó, có những bộ phận họ lại chuyển dịch theo các con suối và sông Đà tiến sâu hơn nữa xuống phía nam Tây-Bắc và các vùng lân cận khác ở nước ta ” và nêu luận điểm các dân tộc này vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8 đã hùng cứ vùng Lai Châu và Vân Nam, thời điểm cực thịnh của nước Nam Chiếu. Và viết trước đó có giới thiệu: “Đời Trần, toàn vùng tây Bắc là lộ Quy Hóa, lộ Đà Giang. Quê hương của người Thái chủ yếu nằm ở lộ Đà Giang. Đến đời Hồ thì đổi thành trấn Thiên Hưng. …. Từ đời Lê (Hậu Lê) về sau, Tây Bắc được gọi là Hưng Hóa”
Nhưng trước khi Việt Nam giành được độc lập đối với Phương Bắc, người Thái ở vùng Tây Bắc đã hình thành và tương đối có quyền tự trị so với Trung Hoa, Cẩm Trọng viết: “Thời kỳ nước ta bị phong kiến Phương Bắc thống trị, miền Tây-Bắc sẵn vị trí vô cùng hiểm trở, con người ở đây dũng cảm, bất khuất, kẻ thù đã nhiều lần dùng vũ lực đàn áp, khuất phục, nhưng rốt cuộc vẫn nằm ngoài vòng cương tỏa của chúng. Điều phán đoán này đã chứng tỏ qua sự thú nhận của viên thái thú Đào Hoàng (thời Tam Quốc): ‘Đất ấy là đất hiểm trở, người Di, Lảo[9] hung bạo trải nhiều đời không phục”
Đến đời nhà Trần tuy quy thuận Việt Nam nhưng thực sự các vua Trần vẫn để tự trị và nhiều lần gã công chúa để kết tình giao hảo. Trong cuốn Dư Địa Chí[10] phần chú của Lý thị có viết: “Tuyên, Hưng, Lạng, Thái, Cao Bằng là 5 lộ ở miền Thượng Du, hiểm trở đảng cậy, rắn rết, ma quỷ thường làm tai quái cho người, thủy thổ độc dữ hay làm bệnh tật cho người; thế mà nam tử phụ đạo vẫn không bỏ lễ phiên thần” cho thấy một khoảng thời gian dài trong lịch sử vùng đất này là phiên thuộc chứ không là châu huyện của Việt Nam. Qua đến đời Lê quan lại Việt Nam mới từng bước cai quản miền đất này, nhưng vẫn chưa hoàn toàn cai trị vì trong Dư Địa Chí Nguyễn Trải từng viết: “…đó là phên giậu thứ hai ở phía tây.” Đến thời Nguyễn mới thực sự trực thuộc Triều Đình Huế, nhưng ngay sau đó trao cho Pháp quyền bảo hộ.
Cuộc di cư này chắc chắn du nhập vào vùng đất mới phong tục tập quán của họ, trong đó có tập quán uống trà.
*****
Vậy tại sao ngày nay khi nói đến trà người ta nghĩ ngay đến Trung Hoa và Nhật Bản. Đó là vì họ có phương thức truyền bá tư tưởng tốt: người Trung Hoa bằng các huyền thoại và cửa miệng các Hoa Kiều (chưa kể ngụy thư đời sau viết gán cho người đời trước để làm chứng cứ giả tạo); người Nhật có tác phầm Book of the Tea[11] của Okakura Kakuzo gây tiếng vang trên thế giới và gây tò mò người Phương Tây nơi nghi thức trà của họ vừa cầu kỳ vừa thoang thoảng kỳ bí.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỹ nói về cuộc tranh luận về quê hương cây trà đã kéo dài trên hai thế kỷ: Năm 1951 Đào Thừa Trân, một học giả Trung Quốc, đã sắp xếp các cuộc tranh luận đó thành 4 học thuyết: thuyết Trung Quốc, thuyết ấn Độ, thuyết hai nguồn gốc và thuyết chiết trung (đứng giữa). [Khanhhoathuyngashop’s blog]. Ở đây cũng vậy, xin nhấn mạnh chỉ là một giả thuyết chứ không mang tính khẳng định. Nhưng nếu đúng thì cội nguồn văn hóa trà là của người Bạch và người Di, tổ tiên của người Thái ngày nay. Văn hóa trà của Trung Hoa là sự vay mượn rồi thôn tính luôn.
[1] Theo nhận định của Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời(NXB Văn hóa Thông tin, 2005) dựa vào các sách cổ thì Giao Châu phủ kín đất Bắc Bộ ngày nay, trừ vùng thượng lưu sông Đà và thượng lưu sông Mã, đồng thời ăn sang cả vùng tây nam Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Do vậy giả thuyết Đại Lý bao gồm cả vùng thượng du Bắc Việt không phải thiếu cơ sở.
[2] Trước đó Đinh Liễn còn cống trà như món hang hoá quý.
[3] Chính sử chỉ ghi chép vua Huy tông thích uống trà và thường mở tiệc trà thưởng quần thần hay ban trà cho sứ thần. Nhờ vậy trà lan truyền qua Nhật Bản và Hàn Quốc bằng con đường ngoại giao, cũng chứng tỏ trà vào thời này là thức uống quý hiếm. Nhưng chúng minh Tống Huy Tông là người sành điệu trà viết thành cuốn Đại Quan Trà Luận còn cần nhiều dữ liệu thuyết phục hơn vì sử chẳng hề ghi chính tay vua pha trà. Có thể trong triều có một vị quan giỏi về pha trà.
[4] Phái lý học Tống Nho ra đời một phần do hoàn cảnh lịch sử dời kinh đô về phía nam của nhà Nam Tống, có dịp cho trí thức Nho giáo cọ sát với dòng tư tưởng Lão Trang của Hoa Nam. Tống Nho hay gọi theo phương tây là Tân Nho giáo mang một sắc thái dân chủ và phóng khoáng hơn Hán Nho.
[5] Lấy làm quận huyện chgu71 không còn cho tự trị như nhà Nguyên nữa.
[6] Cuối đời Nam Tống, tức sắp bước qua nhà Nguyên, giới trí thức Trung Hoa mới xuất hiện một danh nho tự lấy hiệu là Trà Tiên (茶仙) khi đã xế chiều, người đó là Chu Hy. Truy cho tường Tận, Chu Hy tuy người quê quán Vụ Nguyên nhưng sinh đẻ ở Phúc Kiến (Hoa Nam), ông sống gần 40 ở vùng trà Vũ Di Sơn, lý học của ông in đậm dấu vết của Lão Giáo và Phật Giáo. Như vậy đến cuối đời Năm Tống trà vẫn là nền văn hóa riêng của vùng Bách việt Hoa Nam.
[7] Dư Địa Chí của Nguyễn Trải cũng viết: Hưng Hóa xưa thuộc bộ Tân Hưng, ở thời Hán là Nam Trung. Mạnh Hoạch chống cự với Khổng minh ở đấy. Phía Tây giáp Vân Nam, phía Tây giáp Sơn Tây, phía Bắc và phía Nam giáp Tuyên, Nghệ. [Nguyễn Trải Toàn Tập – NXB Khoa Học Xã Hội 1978 – Trg 227]. Chứng tỏ vào thời Tam Quốc đất nước chúng ta không rộng về phía Thượng Du bắc Việt, vì lúc đó chúng ta thuộc Đông Ngô và Mạnh Hoạch không là người Việt.
[8] Trong bài Giới thiệu đề tháng 1-1978 in trong cuốn “Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam”, Bế Viết Đằng (lúc đó là Viện phó Viện Dân Tộc Học) có viết: “…; chính từ đó xưa kia một bộ phận họ (tức người Thái) đã đến các vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh làm ăn sinh sống …” Truyền thống trà truyền vào vùng Thanh Hóa cũng có thể do dòng di cư này.
[9] Người Hán vùng cận Vân Nam quen gọo caá dân tộc Hà Nhì, Lô-lô (nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến) là người Di và gọi người Thái (cũng nói ngôn ngữ Tạng Miến) là là người Lảo (nói chệch từ người Lự) và nay gọi là ngừơi Bạch hay Bạch y (Thái trắng). Di vào Bạch là hai dân tộc hiện sống ở Vân Nam.
[10] Sách này còn có tên là An Nam Vũ Cống. Tài liệu sử dụng trích từ cuốn Nguyễn Trải Toàn Tập. Trích dẫn này nằm ở trang 228.
[11] Tương tự cuốn Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki, qua tác phẩm này thế giới dùng chữ “zen” của Nhật để dịch chữ thiền
Trà thư – Đức Chính biên soạn
Các bài đã đăng :
QUYỂN MỘT: TRÀ THƯ
QUYỂN HAI : TRÀ ĐẠO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét