Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

5 bài học cho cuộc sống

Cuộc sống dạy cho ta những bài học quý giá mà ta nên biết trân trọng để đứng vững giữa cuộc đời! Cùng đọc và suy ngẫm những bài học cuộc sống ý nghĩa!

Bài học về sự quan tâm
 
Trong tháng thứ hai của khoá học y tá, vị giáo sư của chúng tôi đã cho chúng tôi một câu hỏi hết sức bất ngờ trong bài thi vấn đáp. Tôi đã lướt qua hầu hết các câu hỏi trong bài thi, và ngạc nhiên dừng lại ở câu hỏi cuối cùng: “Hãy cho biết tên người phụ nữ quét dọn trường học của chúng ta?”. Một câu hỏi không có trong chuyên môn, chắc đây chỉ là một câu hỏi đùa thôi. Tôi đã nghĩ vậy! Thật ra, tôi đã nhìn thấy người phụ nữ đó vài lần. Cô ấy cao, tóc sẫm màu và khoảng chừng 50 tuổi nhưng làm sao mà tôi có thể biết được tên cô ta cơ chứ?
 
Tôi đã kết thúc bài làm của mình với câu cuối cùng bị bỏ trống.
 
Cuối giờ kiểm tra, một sinh viên đã hỏi vị giáo sư: “Liệu ông có tính điểm cho câu hỏi cuối cùng kia không?”, ông ta trả lời: “Chắc chắn rồi”, rồi ông nói tiếp: “Trong công việc, các em sẽ gặp rất nhiều người, tất cả họ đều quan trọng, họ xứng đáng được nhận sự quan tâm của các em, dù chỉ là một nụ cười hay một câu chào”.
 
Tôi đã không bao giờ quên bài học đó trên mỗi bước đường đời của mình sau này, và tôi cũng không bao giờ quên tên của người phụ nữ đó - cô Dorothy.

Bài học về sự giúp đỡ
 
Trong một đêm mưa bão bất thường trên đường phố Alabama vắng vẻ, lúc đó đã 11:30 khuya, có một bà lão da đen vẫn cứ mặc cho những ngọn roi mưa quất liên hồi vào mặt, cố hết sức vẫy vẫy cánh tay để xin đi nhờ xe. 
 
Một chiếc xe chạy vút qua, rồi thêm một chiếc xe nữa, không ai để ý đến cánh tay dường như đã tê cứng vì lạnh cóng. Mặc dù vậy, bà lão vẫn hy vọng và vẫy chiếc xe kế tiếp. Một chàng trai da trắng đã cho bà lên xe (mặc cho cuộc xung đột sắc tộc 1960). Bà lão trông có vẻ rất vội vã, nhưng cũng không quên cám ơn và ghi lại địa chỉ của chàng trai.
 
Bảy ngày trôi qua, cánh cửa nhà chàng trai tốt bụng vang lên tiếng gõ cửa. Chàng trai ngạc nhiên hết sức khi thấy một cái ti vi khổng lồ ngay trước cửa nhà mình. Một lá thư được đính kèm, trong đó viết: “Cám ơn cháu vì đã cho bà đi nhờ xe vào cái đêm mưa hôm ấy. Cơn mưa không những đã làm ướt sũng quần áo mà nó còn làm lạnh buốt trái tim và tinh thần của bà nữa. Rồi thì lúc đó cháu đã xuất hiện như một thiên thần. Nhờ có cháu, bà đã được gặp người chồng tội nghiệp của mình trước khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng. Một lần nữa bà muốn cám ơn cháu đã không nề hà khi giúp đỡ bà.” 
 
Cuối thư là dòng chữ: “Chân thành - Bà Nat King Cole”.
 
Bài học về lòng biết ơn
 
Vào cái thời khi mà món kem nước hoa quả còn rất rẻ tiền, có một câu chuyện về cậu bé 10 tuổi thế này: Ngày nọ, Jim - tên của cậu bé - sau một hồi đi qua đi lại, ngó nghiêng vào cửa hàng giải khát đông nhất nhì thành phố, nơi có món kem nước hoa quả mà cậu rất thích, mạnh dạn tiến lại gần cái cửa, đẩy nhẹ và bước vào. Chọn một bàn trống, cậu nhẹ nhàng ngồi xuống ghế và đợi người phục vụ đến.
 
Chỉ vài phút sau, một người nữ phục vụ tiến lại gần Jim và đặt trước mặt cậu một ly nước lọc. Ngước nhìn cô phục vụ, cậu bé hỏi: “Cho cháu hỏi bao nhiêu tiền một ly kem nước hoa quả ạ?”. “50 xu“, cô phục vụ trả lời. Nghe vậy, Jim liền móc trong túi quần ra một số đồng xu lẻ, nhẩm tính một hồi, cậu hỏi tiếp: “Thế bao nhiêu tiền một ly kem bình thường ạ?”. “35 xu”, người phục vụ vẫn kiên nhẫn trả lời cậu bé mặc dù lúc đó khách vào cửa hàng đã rất đông và đang đợi cô. Cuối cùng, người nữ phục vụ cũng mang đến cho Jim món kem mà cậu yêu cầu, và sang phục vụ những bàn khác. Cậu bé ăn xong kem, để lại tiền trên bàn và ra về.

Khi người phục vụ quay trở lại để dọn bàn, cô ấy đã bật khóc khi nhìn thấy 2 đồng kẽm (1 đồng bằng 5 xu) và 5 đồng xu lẻ được đặt ngay ngắn trên bàn, bên cạnh 35 xu trả cho ly kem mà Jim đã gọi - Jim đã không thể có món kem nước hoa quả mà cậu ấy thích bởi vì cậu ấy chỉ có đủ tiền để trả cho một đĩa kem bình thường và một ít tiền boa cho cô.
 
Bài học về sự tự giác và trách nhiệm
 
Xưa thật là xưa, có một ông vua nọ, một hôm ông ta sai quân lính đặt một tảng đá lớn nằm chắn ngang đường đi. Xong, ông nấp vào một bụi cây gần đấy và theo dõi. 
 
Lần lượt ông ta thấy, những thương nhân giàu có đi qua, rồi đến những cận thần của ông đi qua, nhưng không ai có ý định xê dịch tảng đá sang bên nhường chỗ cho lối đi cả, họ chỉ lẩm nhẩm đổ lỗi cho nhà vua vì đã không cho người giữ sạch sẽ con đường. 
 
Một lúc sau, nhà vua nhìn thấy một người nông dân đi tới với một xe rau cồng kềnh nặng trĩu. Nhìn thấy tảng đá, người nông dân liền ngừng xe và nhảy xuống đất, cố hết sức mình ông ta đã đẩy được tảng đá sang bên kia vệ đường. Vừa làm ông ta vừa lẩm bẩm: “Thật không may nếu có ai đó không thấy mày và vấp phải, chắc là sẽ đau lắm đây”. Xong đâu đấy, khi người nông dân quay trở lại xe để tiếp tục đi, bỗng ông nhìn thấy một bao tiền to đùng đặt ngay chỗ mà ông đã di chuyển tảng đá. Đó là một món quà của đức vua cho người nào dịch chuyển được tảng đá. 
 
Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy: Vật cản đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt. 
 
Bài học về sự hy sinh
 
Đã lâu lắm rồi, nhiều năm đã trôi qua, khi tôi còn là tình nguyện viên tại một bệnh viện, tôi có biết một cô gái nhỏ tên Liz - cô bé đang mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo.
 
Cơ hội sống sót duy nhất của cô là được thay máu từ người anh trai 5 tuổi của mình, người đã vượt qua được cơn bạo bệnh tương tự một cách lạ thường nhờ những kháng thể đặc biệt trong cơ thể. Bác sĩ đã trao đổi và giải thích điều này với cậu bé trước khi yêu cầu cậu đồng ý cho cô em gái những giọt máu của mình. Lúc ấy, tôi đã nhìn thấy sự lưỡng lự thoáng qua trên khuôn mặt bé nhỏ kia. Cuối cùng, với một hơi thở thật sâu và dứt khoát, cậu bé đã trả lời: “Cháu đồng ý làm điều đó để cứu em cháu”.
 
Nằm trên chiếc giường kế bên em gái để thuận tiện hơn cho việc truyền máu, cậu bé liếc nhìn em gái và đôi mắt ngời lên niềm vui khi thấy đôi má cô bé hồng lên theo từng giọt máu được truyền sang từ người cậu. Nhưng rồi, khuôn mặt cậu bỗng trở nên tái xanh đầy lo lắng, cậu bé ngước nhìn vị bác sĩ và hỏi với một giọng run run: “Cháu sẽ chết bây giờ phải không bác sĩ?” Thì ra, cậu bé nhỏ của chúng ta đã nghĩ rằng cậu ta sẽ cho cô em gái tất cả máu trong người mình để cứu cô bé và rồi cậu sẽ chết thay em mình.
 
Bạn thấy không, sau tất cả những hiểu lầm và hành động của mình, cậu bé đã có tất cả nhờ đức hy sinh…
 
Cuộc sống có câu: “Hãy cho đi thứ bạn có, rồi bạn sẽ được đền bù xứng đáng”.
Nguồn: Internet

Chiếc hộp cuộc đời

(Nhị Tường dịch)
Cuộc đời giống như một chiếc hộp trống mà ta phải lấp đầy sao cho thật ý nghĩa. Bạn đang có gì trong “chiếc hộp đời”?

Người đời thường giới hạn sự chọn lựa và đôi khi bỏ đầy vào hộp với chỉ một thứ.

Đó là thứ gì? Đối với một số người đó là công việc. Công việc như là một khía cạnh quan trọng nhất của đời họ. Họ dồn hết tất cả năng lượng vào công việc. Đối với một số người khác, có thể là một mối quan hệ tình cảm. Họ chỉ biết chú tâm đến ai đó và làm thế nào để phát triển mối giao tình với người đó.

Bất kể “một thứ” ấy là thứ gì, nó cũng trở thành một ống kính để ngắm xuyên suốt cuộc đời. Điều đó như thể chỉ có một khung cửa sổ duy nhất mở ra thế giới, và chúng ta ngắm nhìn thế giới qua khung cửa đó. Chính cái ống kính hoặc cái góc nhìn duy nhất này đã quyết định diễn biến cuộc đời ta.

Giả sư như bạn có chiếc “hộp đời” đầy ắp toàn công việc. Một ngày nọ công việc không suôn sẻ. Mọi thứ bị trục trặc. Dự án thất bại, sếp nổi nóng, đồng nghiệp gắt gỏng. Cuộc sống sẽ như thế nào khi bạn trở về nhà?

Vậy đó, cuộc sống trông có vẻ rất tệ nếu bạn nhìn đời qua ống kính công việc. Khi công việc bất như ý thì cuộc sống cũng sẽ như thế. Bạn sẽ về nhà với sự tức giận và nản lòng. Chẳng bao lâu thì ở nhà cũng bất như ý. Cái ống kính hay cái góc nhìn duy nhất của bạn đã làm xỉn màu tất cả mọi thứ quanh đời bạn.

Điều gì xảy ra nếu chiếc hộp đời của bạn chứa đựng một mối quan hệ đầy những xung đột? Cuộc sống sẽ ra sao? Một lần nữa, với chỉ một khung cửa sổ mở ra nhìn thế giới thì cuộc đời trông tệ thật. Tất cả những gì bạn nhìn thấy đó là sự sân hận và thất vọng.
Lấp đầy “chiếc hộp đời” với chỉ một thứ không phải là một chiến lược tốt.

Một kế hoạch tốt hơn đó là chia nhỏ chiếc hộp ra thành nhiều ngăn và lấp đầy nó bằng nhiều thứ khác nhau. Ví dụ, bạn có thể tạo ra chín ngăn, đặt công việc vào một ngăn và đặt mối quan hệ tình cảm vào một ngăn khác. Bảy ngăn còn lại thì sao? Bạn bè có thể chiếm một ngăn. Cuộc sống tâm linh có thể chiếm một ngăn. Những con thú cưng cũng được đặt vào ngăn nào đó.

Với chiếc hộp đầy ắp chín ngăn bạn sẽ có nhiều lựa chọn. Bạn có chín ống kính hay chín khung cửa sổ để nhìn ngắm cuộc sống. Khi một góc nhìn nào đó không được sáng sủa thì bạn có thể chuyển sang hướng khác. Nhìn qua khung cửa khác có thể sẽ có cảnh quan tươi tắn hơn.

Khi công việc gặp toàn thất bại, hãy nhớ rằng nó chỉ là một phần chín của cuộc đời bạn mà thôi. Còn tám phần khác có thể đang tốt đẹp. Hãy tập trung vào những phần tốt đẹp đó để nắm  giữ lại năng lượng của mình. Nếu quan hệ tình cảm của bạn gặp rắc rối, có thể là một sự không may, nhưng vẫn còn nhiều thứ để sống hơn là quan hệ tình cảm. Dành thêm một ít thời gian cho bạn bè. Đam mê vào một sở thích nào đó. Hoặc làm vườn chẳng hạn. Hãy nhìn qua khung cửa sổ khác, quang cảnh mới có thể làm bạn ngạc nhiên đấy. Cuộc sống có thể tuyệt hơn bạn nghĩ.

Có một câu thường nghe: “Đừng đặt tất cả trứng vào một giỏ." Đừng để cuộc sống bạn chỉ thuộc về một thứ. Hãy lấp đầy “chiếc hộp đời” của bạn với nhiều tùy chọn, và chọn ngay trong giờ phút hiện tại này. Nếu một phương diện nào đó không được suôn sẻ thì hãy tập trung vào phương diện khác. Làm như vậy sẽ giúp bạn hồi phục năng lượng và tiếp thêm sinh lực cho chính bạn. Sau đó bạn có thể quay trở lại một lĩnh vực mới mẻ khó khăn hơn và với một thái độ tốt hơn. Tốt hơn là có thể bắt đầu từ bây giờ. Mỗi ngày, hãy tự cho mình một vài trải nghiệm khác nhau. Cố công chọn lựa, cuộc sống sẽ được nâng cao.
Nguồn:  Những bài học cho cuộc sống

Bạn đang làm gì với cuộc đời mình: Sáng tạo hay thụ động?


Nhà văn Hà Thủy Nguyên

Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi cũng thành đường thôi” – (“Cố hương” – Lỗ Tấn)

Trong nhiều thế kỷ, chúng ta được gieo rắc vào đầu ý tưởng rằng chúng ta chỉ là những quân cờ trong bàn tay của định mệnh. Từ “định mệnh” tiếng Anh là “fate”, có gốc từ “fata” – tên gọi ba vị thần nắm giữ sợi chỉ của số mệnh con người trong thần thoại Hy Lạp. Người Trung Quốc thì cho rằng mỗi người đều có “thiên mệnh”, tức là một sự sắp đặt nào đó của ông trời. Người Ai Cập cổ, người Ấn Độ cổ, người Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo đều lý giải nguồn gốc của con người bắt đầu từ sự sáng tạo của Thượng Đế. Con người từ rất lâu đã quen với ý niệm về quà tặng, về sự may mắn, sự dựa dẫm, sự cứu rỗi, sự trừng phạt.. đều từ người sáng tạo, chỉ có một số rất ít bắt đầu đòi hỏi về quyền tự do ý chí. Những kẻ hiếm hoi và lạc bầy đó là những người đầu tiên lên tiếng đòi hỏi quyền được tạo tác hệ thống, đòi được tự mình điều khiển. Chính họ là những kẻ ăn cắp ngọn lửa thiêng của Olympia
 (1) , những kẻ dám ăn trái cấm (2) , những kẻ dám giương cung bắn rụng mặt trời (3).

Nhắc lại câu chuyện xa xưa, tôi muốn gợi cho các bạn một ý nghĩ: Không cần biết những truyền thuyết về nguồn gốc loài người là đúng hay sai, nhưng dễ dàng để nhận thấy một điểm chung, chúng ta đã quá quen với việc thụ động và bị điều khiển bởi ai đó hay một quy luật nào đó. Nhiều người sẽ phản ứng khi đọc câu này và nói rằng: “Không! Tôi đang làm chủ cuộc đời tôi! Tội tự kiếm ra tiền! Tôi hoàn thành tốt công việc của tôi! Tôi đấu tranh cho những điều đúng đắn!” Bạn không nhìn thấy những sợi xích, điều đó không có nghĩa là bạn tự do. Đó là nghệ thuật của những người đang kiểm soát hệ thống.

Khi bạn chào đời, bạn phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống, bạn không tự kiếm được thức ăn, bạn không thể tự bảo vệ, bạn không thể tự tạo ra ngôn ngữ. Những lời dạy dỗ của bố mẹ, thày cô giáo bỗng chốc trở thành tiếng gọi bên trong chi phối tâm trí của bạn. Khi lớn lên, bạn quên mất điều đó nhưng chúng vẫn tồn tại và ăn lan trong vô thức. Lớn lên, khi bạn đi học, nhà trường đưa ra cho bạn một loạt quy định và để sinh tồn suốt mười mấy năm học, bạn buộc phải tuân thủ mà không được phép chống đối. Và cứ thế, cứ thế… hết lần này lần khác… bạn cho rằng mọi sự số phận đã sắp đặt cho bạn. Đó là ảo tưởng.

Nhiều người cho rằng ở xã hội hiện đại chúng ta tự do nhiều hơn. Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, thuyết tiến hóa của Darwin …  đã đập tan sự ảnh hưởng thần thánh của Tạo Hóa đối với con người, đã giải phóng con người khỏi niềm tin mù quáng. Xã hội tư bản bắt đầu định hình, cơ sở vật chất phát triển, con người được nhiều quyền lợi mà trước đó không có, nhưng hãy thử nghĩ xem, chúng ta có thật sự được tự do. Thay vì gánh vác định mệnh của mình, chúng ta phải thực hiện cái được gọi là “vai trò xã hội”. Trong thời thần quyền và phong kiến, chúng ta chấp nhận định mệnh của mình bằng việc phục vụ thần thánh, đóng góp cho vua chúa… Trong xã hội đương đại, chúng ta có vẻ như chẳng phải phục vụ ai ngoài bản thân và gia đình.
Bây giờ tôi xin được kể một câu chuyện khác, dường như không ăn nhập gì nhưng lại rất liên quan đến chủ đề chúng ta đang nói. Câu chuyện này có thể là rất quen với các bạn: Một anh chàng sinh viên với hy vọng về sự thành công, để thành công, anh ta buộc phải học thật tốt kiến thức ở trường và ních cho đầy não những gì người ta dậy anh. Rời khỏi trường, anh ta nhận ra rằng mấy thứ vớ vẩn trường dậy chẳng giúp ích gì cho công việc tương lai của anh ta, anh ta phủ nhận chúng hoàn toàn. Anh ta bắt đầu thấy vấn đề dùng trang phục hàng hiệu, mua sắm xe đẹp, xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng và ngoan ngoãn hoàn thành mọi yêu cầu của sếp… mới chính là con đường dẫn tới thành công. Anh ta nghĩ rằng anh ta đã làm chủ vận mệnh của mình. Thực ra anh ta đang làm công việc anh ta không thích, mua những đồ không xứng với giá trị thực và tiêu phí thời gian để nuôi sống kẻ khác chứ không phải bản thân mình. Quảng cáo, truyền thông nói rằng khi anh ta sử dụng những đồ xa xỉ ấy, giá trị bản thân anh ta sẽ được nâng cao và anh ta tin là như thế. Trên thực tế, anh ta chỉ là một kẻ tiêu thụ ngu ngốc tin vào lời dụ dỗ đốt tiền vào các mặt hàng để nuôi sống những ông chủ lớn. Hãy thử nhìn sự liên hệ, về bản chất niềm tin giá trị con người được nâng cao bằng đời sống xa xỉ trong xã hội hiện đại chẳng khác nào niềm tin về việc Chúa sẽ cho chúng ta lên Thiên Đàng nếu chúng ta ngoan ngoãn nghe lời.
Tôn giáo, chính phủ, truyền thông, tiền tệ, thương mại dịch vụ, giáo dục… tất cả những thứ đó đều biến bạn trở thành những kẻ thụ động của hệ thống. Trong một hệ thống luôn tồn tại ba dạng người: sáng tạo hệ thống, vận hành hệ thống và người tiêu thụ. Nhìn lại các hệ thống trong lịch sử, ta sẽ thấy rằng chỉ có một vài người sáng tạo hệ thống, rất ít người vận hành hệ thống và số còn lại, số đông là người tiêu thụ. Với mô hình đó, các hệ thống trong cùng một thời đại rất kém phát triển, ít tương tác và nguy cơ xung đột với hệ thống khác luôn là vấn đề hệ trọng? Tại sao lại vậy?

Trước hết, ta thấy rằng vai trò sáng tạo hệ thống thường bắt nguồn từ tôn giáo và triết học. Socrates định hướng các giá trị con người, Arisote đưa ra học thuyết chính trị và mô hình tư duy mẫu mực, Moses sáng lập Do Thái giáo, Christ sáng lập Thiên Chúa giáo, Thích Ca Mâu Ni sáng lập Phật giáo, Khổng Tử sáng lập mô hình nhà nước Nho giáo. Những người sáng tạo hệ thống, họ không bị ràng buộc bởi hệ thống, họ vô chính phủ, vô đạo đức, vô giáo dục, họ hướng tới một lý tưởng cao đẹp, họ là những “siêu cá nhân”. Ở xã hội hiện đại, họ là Monstequieu (4), Voltaire (5) , là những người phát minh ra máy tính, ra Internet, những người có thể giải mã bản đồ gene … Họ giữ vai trò là những kẻ đột biến và lây lan sự đột biến, sau đó hệ thống tự động hình thành.

Sự ra đi của những người sáng tạo hê thống bắt đầu nảy sinh lớp người kiểm soát và điều khiển hệ thống. Mọi lý thuyết của người sáng tạo được  nhắc đi nhắc lại như một sự cài đặt tâm trí với người trong hệ thống. Người trong hệ thống gần như không có quyền lựa chọn hoặc không biết đến quyền lựa chọn. Sự duy trì hệ thống bảo đảm quyền lợi của những người kiểm soát, thế nên không một người kiểm soát nào có nhu cầu phá hủy hệ thống. Và cứ thế, những người thụ động trong hệ thống trở thành công cụ để bảo vệ, thành thịt tươi để nuôi sống hệ thống. Nếu bạn đã đọc sách hoặc xem bộ phim “Cloud Atlas” được sản xuất năm 2012, bạn sẽ thấy hình ảnh của chính chúng ta trong những cô gái nhân bản vô tính. Chúng ta được sinh ra để phục vụ hệ thống, chúng ta làm theo mọi quy định hệ thống đặt ra, khi chúng ta hết giá trị sử dụng, chúng ta bị giết chết và đưa vào nhà máy sản xuất thức ăn để tái chế. Bạn có nhớ điều gì bắt ép các cô gái nhân bản phải tuân phục không? Sự đe dọa của chiếc vòng cổ tử hình và niềm tin được “thăng thiên” mà trên thực tế cả hai đều dẫn đến cái chết. Mọi hệ thống đều luôn kiểm soát bạn bằng hai cách: Đe dọa và tạo niềm tin. Mỗi thời đại khác nhau, mỗi hệ thống khác nhau, chúng lại có những hình thức khác nhau. Những người kiểm soát hệ thống cũ đều mong muốn hệ thống của mình được nhân rộng và sợ hãi khi thấy có hệ thống khác mạnh hơn hặc có khả năng đe dọa đến quyền lợi của mình. Bởi vậy, khi cố định thuộc một hệ thống, con người có xu hướng tẩy chay sự khác biệt bằng cách hủy diệt hoặc coi những gì bên ngoài hệ thống là tội lỗi, xấu xa, một dạng quỷ dữ.

Bạn có bao giờ thử hình dung rằng chính cuộc đời bạn là một hệ thống. Bạn tự sáng tạo ra hệ thống cho riêng bạn, bạn kiểm soát nó và bạn cũng là người trong nó? Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn việc trở thành một trong ba thành phần của hệ thống. Nhưng thời thế đã thay đổi. Con người giờ đây không bị giới hạn bởi duy nhất một hệ thống, họ có khả năng tham gia nhiều hệ thống một lúc hoặc không tham gia bất cứ hệ thống nào. Tuy nhiên, điều này chưa được biết đến nhiều. Phần lớn chúng ta, dù tìm mọi cách để phủ định, chúng ta vẫn cứ tin rằng chúng ta là những kẻ thụ động trong cuộc sống này, mọi con đường cứ bày ra trước mắt và chúng ta cứ thế mà  nhắm mắt đưa chân. Chúng ta chấp nhận những gì xã hội nhồi nhét vào đầu chúng ta, bằng lòng với loại kiến thức thứ cấp và bị dụ dỗ bằng những con mồi của thành công, của quyền lợi, của danh dự.

Mỗi chúng ta là một phần tử của hệ thống, không chỉ có thế, mỗi chúng ta là một phần tử của vũ trụ trong một tổng thể vững chắc. Khi một phần tử thay đổi, nó sẽ tạo thành phản ứng dây chuyền và tạo ra sự thay đổi toàn hệ thống. Bởi thế, vai trò của những người kiểm soát hệ thống chưa bao giờ là cần thiết cho sự phát triển, ngược lại, sự kiểm soát tạo ra giới hạn, thoái hóa và hủy diệt. Hãy tưởng tượng về những hệ thống chỉ có sự tiếp nối liên tục của chuỗi sáng tạo và biến đổi, sự ổn định được duy trì bằng các nguyên lý. Bạn lúc nào cũng vừa có thể là người sáng tạo, vừa có thể là người tiêu thụ. Chúng ta sẽ tự hình thành hệ thống lớn mà trong đó các hệ thống nhỏ trao đổi với nhau những giá trị mà mình tự tạo ra. Đó là mô hình lý tưởng mà tôi tin rằng bất cứ người sáng tạo nào cũng mơ ước.

Nhưng để tạo dựng điều đó không đơn giản. Nếu bạn có cùng một lý tưởng với chúng tôi, nếu bạn không chấp nhận mình là công cụ, là thịt tươi tái chế nuôi hệ thống, bạn hãy thay đổi. Không cần gì nhiều, bạn chỉ cần đứng lên và vùng lên chạy thật xa, cố gắng bứt khỏi vùng an toàn, bạn sẽ nhận ra rằng những sợi xích nào đang trói chân bạn? Khi nhận ra được sợi xích, bạn có cơ hội để thoát khỏi nó. Không thể thoát khỏi những hệ thống đang ràng buộc bạn, bạn sẽ không thể tạo hệ thống cho riêng mình, và điều đó có nghĩa bạn không có giá trị để trao đổi.

Bạn nói rằng điều tôi nói chỉ là không tưởng, chúng ta làm sao có thể thoát được hệ thống, vì thoát khỏi hệ thống này cũng sẽ chỉ rơi vào hệ thống khác. Có hề gì! Càng thoát được nhiều hệ thống, chúng ta sẽ càng tiến gần đến Sự Thật về con người. Tôi cho rằng, trên đời này, chẳng có hệ thống nào đáng để tuân phục hơn hệ thống vũ trụ. Và nếu có cách nào đó để tôi thoát khỏi hệ thống ấy, tôi cũng sẽ chẳng ngần ngại gì để chủ động vận hành vũ trụ, rồi một ngày nào đó có thể tôi rời bỏ hệ thống vĩ đại đó và khám phá một hệ thống khác bí ẩn hơn. Đó là con người tôi hướng tới, đó là con người tôi sẽ trở thành, đó là lý tưởng mà tôi đeo đuổi: Một con người tự do khám phá không bao giờ ngừng nghỉ.

Chú thích:
(1)   Ám chỉ câu chuyện Prometheue ăn cắp lửa của Olympia cho loài người
(2)   Ám chỉ câu chuyện Adam và Eva trong Sáng Thế ký
(3)   Ám chỉ chuyện Hậu Nghệ bắn rơi 8 mặt trời
(4)   (5) Hai triết gia Khai Sáng của thế kỷ 18

Nguồn:  Book Hunter