Trong cuộc sống, rất nhiều người không biết đâu là mục tiêu cũng như chẳng biết bản thân
mình mơ ước gì, bởi vậy họ không vạch ra được kế hoạch rõ ràng cho cuộc đời, chỉ
sống cho qua ngày đoạn tháng. Người có thái độ sống như vậy thì nếu nói đến hai
chữ thành công hay hấp dẫn thì thật là khó.
Chúng ta vẫn thường nhìn thấy, hay đọc ở đâu đó về những
thanh niên, tuổi còn trẻ, sức còn trẻ nhưng dường như sống không có mục đích,
không có phương hướng, học hành bê tha, chơi bời sa đọa không biết điểm dừng của
mình là ở đâu. Họ đã sống lãng phí rất nhiều thời gian, họ không biết rõ ý
nghĩa của những việc mình đang làm, họ giống như những con người bị xô đẩy đi
trong dòng người đông đúc, không biết đi đâu về đâu và còn sẽ tiếp tục điều đó
cho đến khi chính bản thân họ tỉnh ngộ ra được. nếu có ai đó hỏi họ rằng trong
cuộc sống mong ước gì, họ muốn làm gì thì câu trả lời vẫn thật là quá khó vì bản
thân chính họ cũng không biết rốt cuộc mình muốn gì và phải làm gì. Họ vẫn chỉ
ngồi đó, chờ đợi cơ hội, hi vọng một lúc nào đó cơ hội sẽ đến và thay đổi cuộc
đời.
Từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng ta thấy một người suốt
ngày lười biếng, sống không có phương hướng mà lại có thể thành công được. chỉ
có những người sống có mục tiêu và phải nỗ lực khắc phục khó khăn để vươn tới mục
tiêu thì mới có cơ hội chạm tay đến thành công.
Mọi người ai cũng phải đề ra những yêu cầu nghiêm khắc với
bản thân, không được cho phép mình mỗi buổi sáng đều có thể lười biếng ngủ nướng
trên giường, ngủ đến khi nào muốn dậy thì dậy. Cũng không nên dễ dãi với bản
thân cho phép mình chỉ làm việc học tập khi tâm trạng thoải mái, khi thích thì
mới làm, việc gì có hứng thú thì mới mó tay. Cho dù bạn có muốn ngủ thêm cũng
phải cố gắng dậy để đi học hoặc đi làm đúng giờ, ngay cả khi không phải đi học
vào buổi sáng hoặc được nghỉ hè, cũng không nên cho phép muốn ngủ đến khi nào
thì ngủ. chúng ta phải học được cách tự chế ngự và điều tiết tâm trạng của
mình, dù bản thân đang ở tâm trạng thế nào, thoải mái hay bực bội cũng phải cố
gắng hoàn thành những việc mình phải làm và nên làm.
Nhiều người không muốn làm những việc vất vả, không chịu
bỏ sức mình ra, không muốn cố gắng với những công việc cần nỗ lực phấn đấu. điều
họ hi vọng chỉ là sống một cuộc sống nhà tản, bình thường và ra sức tận hưởng
những gì mình đang có. Họ cho rằng tại sao phải nhọc công đối mặt với thử
thách, cố gắng phấn đấu, đổ mồ hôi sôi nước mắt để đạt được cái gì đó xa xôi; tại
sao không hưởng thụ cuộc sống và hài lòng với những gì mình đang có?! Vẫn biết
muốn vươn lên được thì chúng ta phải có nền tảng, nó bắt nguồn từ trong quá khứ
và tiếp diễn đến hiện tại, cần hài lòng vói những gì đang có chứ không phải
luôn luôn trong tâm trạng bất mãn với cuộc sống, nhưng bên cạnh đó hoài bão là
một thứ không thể lãng quên. Với những người luôn luôn đem lập luận “tại sao”
này ra biện hộ cho cách sống của mình, chỉ biết hưởng thụ cái hiện tại mà không
phấn đấu cho tương lai, việc rèn luyện ý chí và thói quen sống có mục đích là
điều vô cùng cần thiết. bởi mỗi người cần phải hiểu rằng tất cả phụ thuộc vào ước
mơ, hoài bão của chúng ta, đó chính là động lực thúc đẩy chúng ta hành động, tiến
lên phía trước.
Có thể bạn ở trong hoàn cảnh khó khăn, bạn oán thán vì bản
thân sinh ra trong điều kiện như vậy không tạo cho bạn sức bật để vươn lên. Vậy
hãy nhìn ra xung quanh, có rất nhiều người vượt khó để có cuộc sống tốt đẹp, thậm
chí có những người trở thành triệu phú, tỷ phú chỉ từ hai bàn tay trắng. và bạn
đừng nghĩ rằng, những anh chàng nhà giàu, có điều kiện như là trong mơ luôn là
người có được thành công. Số đó có thể nhiều, nhưng số ngược lại cũng không hề
ít. Chúng ta đã từng biết nhiều câu chuyện về các chàng công tử, bản thân có đầy
đủ các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, thậm chí là quá đầy đủ và ngay cả
khi chính bản thân họ cũng muốn có được thành công, nhưng khi hành động thực tế
thì anh ta đã chẳng làm được gì như mong đợi. Cái mà anh ta cho mọi người thấy
là sự chậm chạp, trì trệ trong tư duy cũng như hành động cụ thể vì thế đã bỏ
qua rất nhiều cơ hội tốt đến với mình. Rõ ràng là điều kiện tốt, đầy đủ như thế
chưa đủ để một người có được thành công, đó chỉ có thể là một bước đệm có tác dụng
nhất định nào đó thôi. Cũng giống như một chiếc đồng hồ đeo tay hàng hiệu, cho
dù được chế tác tinh xảo có đến đâu đi chăng nữa nhưng thiếu đi dây cót cũng trở
nên vô dụng.
Con người khi còn trẻ, nếu được giáo dục tốt, được sống
trong điều kiện đầy đủ về vật chất và tinh thần, bản thân có thể chất khỏe mạnh
nhưng chỉ cần thiếu ý chí thôi, mọi điều kiện tốt sẽ trở nên vô nghĩa. Dù có
con nhà quan, nhà quyền thế và giàu có đi chăng nữa, nếu một người không có
hoài bão lớn trong cuộc đời thì tất cả những điều kiện đó chỉ có thể đem ra hưởng
thụ đơn thuần mà thôi.
Thông thường ngay từ khi còn rất nhỏ, mỗi chúng ta đều
mang trong mình những hoài bão lớn, chỉ có điều là chúng ta có thực sự chú ý đến
nó hay không mà thôi. Nếu những hoài bão ấy được ấp ủ trong lòng suốt bao năm
mà không nhận được bất kỳ sự cổ vũ, khích lệ nào, dần dần nó sẽ bị mài mòn đi. Điều
này cũng rất bình thường, giống như những đồ vật bị chúng ta cất vào kho, lâu
ngày không sử dụng, tất yếu nó sẽ bị hỏng hóc ts nhiều. đây là một quy luật tự
nhiên mà chẳng ai có thể thay đổi được. chỉ có những đồ vật thường xuyên được sử
dụng và chăm sóc bảo dưỡng lâu dài được. cố gắng tiến lên phía trước – đó chính
là tiếng nói từ trong tâm hồn chúng ta, nếu bạn không lắng nghe để thực hiện,
thì sẽ chẳng bao lâu sau, tiếng nói ấy sẽ tắt lịm và chẳng bao giờ quay trở lại
với bạn nữa. lúc đó, liệu chúng ta sẽ đi về đâu?
Đối với một con người, cho dù sinh ra ở hoàn cảnh nào,
cho dù không được trời phú cho những điều kiện sống tốt, chỉ cần luôn giữ vững
ý chí phấn đấu, ngọn lửa nhiệt tình vẫn cháy trong người thì người đó nhất định
có nhiều hi vọng trong cuộc sống này. Vì thách thức lớn nhất đối với mỗi người
trong cuộc đời chính là làm sao giữ vững được lòng nhiệt tình sống, kiên định
phấn đấu cho những mục tiêu rõ ràng. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, ý chí
phấn đấu không phải chỉ là sự lạc quan hướng về tương lai đơn thuần, vì điều đó
chẳng khác gì bạn ra vẻ rất tự tin nhưng bên trong lại rỗng tuếch. Đó là điều rất
đáng lo ngại. ngồi đó mà hi vọng và tự tin hão huyền không giúp bản thân thực
hiện lý tưởng và mục đích của bản thân, mà chỉ có bắt tay vào thực hiện, biến
suy nghĩ thành hành động mới có thể đưa bạn tới cái đích tốt đẹp.
Nếu như bạn đã ngộ ra và quyết tâm tôi luyện ý chí của
mình thì ý chí phấn đấu đó có thể biến thành ý chí sắt đá lúc nào bạn không
hay. Chúng ta đã biết khi chưa qua quá trình tôi luyện, ban đầu thép cũng chỉ
là một loại sắt bình thường, vừa mềm vừa xốp, khả năng chịu lực kém do đó không
được sử dụng nhiều. mặc dù thép chưa được tôi luyện chưa đến mức bỏ đi như phế
liệu nhưng thực tế nó cũng không hữu dụng hơn phế liệu là bao nhiêu. Thế nhưng
không ai có thể ngờ được rằng, từ loại sắt bình thường như vậy, trải qua quá
trình thử lửa khắc nghiệt, cuối cùng lại trở thành loại thép có độ cứng cao, một
vật liệu vô dùng hữu dụng trong cuộc sống của chúng ta. Nếu thực sự có tâm hồn,
chắc hẳn sắt cũng không hề trách con người đã nồi da nấu thịt mình mà trái lại
còn cám ơn vì người ta đã rèn giũa cho sắt trưởng thành, đủ để phát huy vai trò
của mình, cống hiến cho những gì thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống.
Xã hội nơi chúng ta đang sống chính là một lò luyện với sức
nóng gấp nhiều lần so với lò lửa luyện thép, cái sức nóng ấy cho dù không bốc
ra thành lửa nhưng có thể khiến gan ruột bạn nóng bừng, thiêu đốt và làm lụi
tàn con người bạn. xã hội đó chính là nơi chúng ta được sinh a và đang sống,
nhưng nó cũng chính là nơi mà con người phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trở
ngại. nếu bạn hiểu được quá trình tất yếu để luyện sắt thành thép, bạn cũng nên
có sự chuẩn bị để tiếp nhận những thách thức mà cuộc sống đưa lại cho bạn. chuẩn
bị ở đây không phải là sự chiu đựng mà là một sự tiếp nhận vui vẻ. Bởi sự chấp
nhận chỉ có giới hạn, còn chỉ có sự tiếp nhận một cách vui vẻ mới là vô hạn.
hãy biến suy nghĩ này trở thành quan niệm ăn sâu bám rễ trong con người bạn.
Hơn thế nữa, nó phải được xuất phát từ chính mỗi người, từ sự nhận thức về tiềm
năng và khả năng của bản thân. Mỗi tiềm năng phải tự phá được cái vỏ bọc bên
ngoài, đồng thời phải trải qua thử thách mới có thể trở thành khả năng được. Có
thể nói, bản thân bạn khi chưa trải qua thử thách cũng chỉ giống như loại sắt
bình thường mà thôi, vừa rỗng vừa mềm. Dần dần, qua quá trình rèn luyện, trải
qua thử thách trong cuộc sống bạn mới cứng cáp lên được.
Thực ra, sự cứng cỏi về mặt thể chất mới chỉ là phần thứ
yếu, quan trọng hơn đó chính là sự cứng cáp về mặt ý chí. Nếu chỉ có thể chất cứng
cáp, bạn chưa hẳn đã phát huy được vai trò của mình, chỉ có sự cứng cáp về mặt
ý chí mới đảm bảo cho bạn phát huy hết khả năng của bản thân. Thành công mà mỗi
người đạt được có thể lớn, có thể nhỏ nhưng sự lớn nhỏ này không đơn giản được
quyết định bởi tài năng cao thấp khác nhau mà chúng ta vẫn thường nghĩ mà chính
bởi ý chí mạnh yếu của mỗi người. người có thể phát huy hết khả năng của mình mới
chính là người có tài cao, mà muốn như vậy thì người đó phải có ý chí vững
vàng, kiên định. Và để có được ý chí này, chúng ta phải trải qua được thử thách
của xã hội, thử thách này có thể nhỏ mà cũng có thể lớn.
Thách thức với mỗi người là một trong những điểm mấu chốt,
không thể thiếu được trong cuộc sống. chúng ta cần biết răng, có hai điều kiện
quan trọng trong hành động dẫn đến thành công: một là sự kiên định, hai là sự
nhẫn nại. Thông thường, người nhận được sự tin cậy của người khác chính là người
có ý chí kiên định. Người có ý chí kiên định trong cuộc sống cũng gặp phải khó
khăn như bao người khác. Còn người không có ý chí, không có nghị lực thì sẽ thật
khó tìm người ủng hộ, mọi người chán phải ở bên cạnh để nghe anh ta ca thán và ủ
rũ, như thế thì bất kỳ lúc nào người đó cũng có thể gặp thất bại.
Rất nhiều người suốt cuộc đời vẫn không thành công không
phải vì họ không có khả năng mà cái chính là họ thiếu nhiệt huyết, thiếu ý chí.
Những người này thường hay làm việc theo kiểu đầu voi đuôi chuột, qua loa đại
khái. Họ thường tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của những việc mà họ
đang làm, luôn băn khoăn suy nghĩ xem rốt cuộc nên làm việc gì. Có thể có những
việc ban đầu họ rất tin tưởng vào thành công của nó, nhưng khi làm được một nửa,
họ lại cảm thấy hình như có việc khác hay hơn. Bản thân họ lúc thì hài lòng với
hiện tại, lúc thì tỏ ra bất mãn, ý chí không kiên định như thế, không ai dám
tin tưởng vào họ vì chính bản thân họ cũng không tin tưởng vào mình. Một con
người có ý chí kiên cường, tự nhiên cũng sẽ mang lại cho người khác một sự đảm
bảo về lòng tin. Chẳng hạn một người kiến trúc sư làm việc chăm chỉ, không lâu
sau cho ra một bản thiết kế tòa nhà. Nếu căn cứ theo đó để thi công, tòa nhà mà
chúng ta có thể mắt thấy tay sờ sẽ được hoàn thành theo đúng ý tưởng từ bản thiết
kế đó. Nhưng nếu người kiến trúc sư này trong giai đoạn thi công lại tiến hành
thay đổi thiết kế, đây sửa một chút, kia sửa một chút, nay thêm cái này, mai bớt
cái kia… thì khó có thể xây nên một tòa nhà đẹp theo đúng ý tưởng ban đầu. từ
đó chúng ta có thể thấy rằng làm việc gì cũng nên suy nghĩ cho thấu đáo dù cho
đó là việc nhỏ, đề ra một kế hoạch hoàn chỉnh sau đó kiên định thực hiện theo kế
hoạch đó. Nếu bạn không làm được như vậy, không cố gắng rèn luyện cách làm việc
này, những gì bạn xây nên chỉ là những thứ chắp vá chỗ này một một chút, chỗ
kia một tý và khó có thể định hình được.