Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Tinh thần đại học

Xin hân hạnh giới thiệu một cuộc trò chuyện giữa GS Nguyễn Văn Tuấn và phóng viên báo Sinh viên Việt Nam (SVVN) về chủ đề “tinh thần đại học”. Bài này cũng lâu rồi, nhưng nay lấy ra để chia sẻ cùng các bạn quan tâm. Chủ đề xoay quanh ý tưởng tự do học thuật (academic freedom).


Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo (sửa đổi) Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Khi bàn đến đề án này, nhiều người xét đến tính tự trị của đại học và tinh thần tự do học thuật của các “thành lũy khoa học”. SVVN có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Văn Tuấn:

SVVN: Thưa ông, theo ông, điều gì làm nên linh hồn và là động lực sáng tạo tri thức của một trường đại học?

NVT: Có nhiều yếu tố liên quan đến sáng tạo, và các chuyên gia xã hội học chia thành hai nhóm yếu tố: nhóm mang tính tổ chức và môi trường, và nhóm mang tính cá nhân. Một môi trường cởi mở với những ý tưởng mới và năng động trong tương tác giữa các nhà khoa học luôn là nơi sáng tạo cao nhất. Ngoài ra, nhà khoa học cần phải được đảm bảo quyền tự do lựa chọn và theo đuổi chủ đề nghiên cứu mà không bị can thiệp hay làm phiền bởi các lực cản hành chính và chính trị. Nói cách khác, đó chính là yếu tố mà giới khoa bảng quen gọi là tự do học thuật. Ngày nay, dù đây đó vẫn còn tranh cãi về phạm vi, nhưng tự do học thuật được xem là giá trị cốt lõi của các đại học tiên tiến, là một trong những thước đo về tiến bộ của một xã hội. 

Để giữ được cái hồn cốt và đảm bảo chất lượng của một đại học, thì nhân tố quyết định là phải làm gì, thưa ông?
(thầy nói giùm em yếu tố tự do học thuật và tự trị đại học, và thầy giải thích các khái niệm giùm em ạ!)

NVT:  Đã có nhiều nghiên cứu về câu hỏi này, mà tôi nghĩ rất khó nói một cách đầy đủ trong một bài phỏng vấn, nhưng tôi có thể tóm tắt trong 6 yếu tố chính (không theo thứ tự quan trọng) như sau:

·        Trình độ và uy danh của giảng viên và giáo sư;
·        Hệ thống thư viện;
·        Nghiên cứu khoa học;
·        Chương trình giảng dạy;
·        Hệ thống hành chính tinh giản; và
·        Cơ sở vật chất.

Chú ý là cả 6 yếu tố đều liên quan đến sự tự chủ và tự do học thuật. Chẳng hạn như một đại học tự chủ sẽ có điều kiện tuyển chọn giảng viên, quyết định mức lương theo thị trường. Tự do học thuật cho phép giảng viên và giáo sư có tự do để thiết kế chương trình giảng dạy và tự do theo đuổi nghiên cứu những đề tài mà họ nghĩ sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng của đại học.

SVVN: Dưới góc nhìn của mình, ông giải thích thế nào về việc chất lượng các đại học của ta hiện nay chỉ “nhàng nhàng”?

NVT: Tôi nghĩ có thể giải thích tại sao chất lượng của các đại học Việt Nam (nói chung) còn thấp qua 5 yếu tố trên. Chúng ta biết rằng hiện nay chỉ có khoảng 14% trong số 61672 giảng viên đại học có bằng tiến sĩ, và con số giáo sư/phó giáo sư cũng chỉ chiếm khoảng 5%. Dĩ nhiên, không phải có nhiều giảng viên bằng tiến sĩ hay có nhiều giáo sư là nghiễm nhiên có “chất lượng” cao, nhưng xu hướng chung trên thế giới thì tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng về chất lượng giáo dục.

Nói đến thư viện trong các đại học Việt Nam, tôi nghĩ đó là một “câu chuyện buồn”. Có thể nói rằng chưa có một đại học lớn nào ở VN (tôi chưa nói đến các đại học mới) có thư viện đúng chuẩn mực quốc tế. Thiếu thốn rất nhiều, thiếu sách vở cập nhật, thiếu các tập san khoa học quan trọng, và nhất là hệ thống kết nối internet thì quá nghèo nàn. Thư viện là “bộ mặt” của đại học, nhưng bộ mặt của các đại học Việt Nam thì phải nói là chưa được đẹp mấy. Tôi từng ghé qua một vài đại học của Thái Lan, và thấy trường nào cũng cp1 i một hệ thống thư viện tuyệt vời, và hệ thống internet được trải đều khắp đô thị đại học. Một hệ thống như thế chỉ là giấc mơ ở Việt Nam.

Thêm vào đó là chương trình giảng dạy còn lạc hậu, thiếu cập nhật hóa. Có những chương trình giảng dạy có từ thời bao cấp Liên Xô mà vẫn còn sử dụng!  Sinh viên tiêu ra khá nhiều thời gian để học những môn học chính trị và triết học chẳng liên quan gì đến chương trình chính. Phần lớn các giảng viên và giáo sư không nghiên cứu khoa học và rất ít người có những công trình công bố quốc tế. Vì thiếu nghiên cứu khoa học nên bài giảng của họ cũng có rất nhiều hạn chế. Một số bài giảng thật ra là dịch từ sách nước ngoài, nhưng chất lượng dịch cũng chưa đạt.

Hệ thống hành chính ở phần lớn đại học Việt Nam chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: kinh dị. Hành chính đáng lẽ phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam, nó lại có chức năng “hành là chính”. Với một hệ thống hành chính nặng nề, bao cấp, máy móc như hiện nay, chúng ta khó mà hi vọng hệ thống đó sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Cơ sở vật chất của các đại học VN còn rất kém. Đây là “di sản” của nhiều năm chưa được quan tâm đúng mức. Có thể đến một vài đại học lớn để thấy các phòng labô cũ kĩ, trang thiết bị cũng nghèo nàn. Có nhiều chương trình thực nghiệm mà sinh viên phải “học chay”.

Nói tóm lại, trong 6 yếu tố có ảnh hưởng đến chất lượng đại học thì các đại học Việt Nam đều ở vị thế rất bất lợi. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy các đại học Việt Nam sẽ còn rất lâu mới có tên trong các bẳng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới.


SVVN: Có ý kiến cho rằng, đại học của ta KHÔNG THỂ phải không phát triển, mà KHÓ phát triển. Ông nghĩ sao?

NVT: Tôi cũng nghĩ như thế: khó phát triển. Khó phát triển là vì các đại học vẫn chưa được tự chủ và chưa có tự do học thuật. Đó là một điều đáng buồn và đáng suy nghĩ. Trong khi các nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Singapore, v.v. đều có ít nhất một đại học trong danh sách đại học hàng đầu trong vùng Á châu hay trên thế giới, còn Việt Nam thì chưa có một đại học nào có thể “sánh vai” với các đại học hàng đầu trong vùng. 

Chúng ta có thể biện minh rằng là do chiến tranh và cô lập, và có ít thời gian để phát triển. Nhưng tôi e rằng những biện minh đó khó thuyết phục, bởi vì có nhiều đại học trong vùng chỉ cần 20 hay 30 năm là đã trở thành đẳng cấp quốc tế. Nói theo văn hào Dostoievsky, tất cả tuỳ thuộc vào chính chúng ta; chúng ta tự định đoạt số mệnh của mình chứ không nên đổ thừa cho ai.

SVVN: Trong Đề án mới của Bộ GD&ĐT, có đề cập đến chuyện: đảm bảo tự do học thuật nhưng phải theo đường lối XHCN. Ông suy nghĩ gì với tư cách làm một người từng dành cuộc đời mình cho giáo dục đại học?

NVT: Tôi nghĩ có lẽ có sự hiểu lầm hay hiểu khác về tự do học thuật ở đây. Theo tôi hiểu, khái niệm tự do học thuật (academic freedom) chẳng phải là mới, vì nó đã được xiển dương từ thập niên 1950 bên Mĩ. Thời đó, chủ nghĩa McCarthy và những người theo chủ nghĩa này gieo rắc và khủng bố các giáo sư đại học, những người đề cập đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Khái niệm tự do học thuật ra đời để bảo vệ các giáo sư có quyền suy nghĩ, lí giải, và phát biểu những vấn đề và ý tưởng mà không sợ bị trừng phạt bởi các thế lực chính trị và đại học.

Nói cụ thể hơn, tinh thần tự do học thuật áp dụng cho giảng viên và sinh viên. Đối với giảng viên, tự do học thuật có nghĩa là giảng viên có quyền nghiên cứu bất cứ chủ đề nào mà họ quan tâm, có quyền trình bày những kết quả đó cho sinh viên và đồng nghiệp mà không chịu sự đàn áp hay kiểm duyệt của các thế lực chính trị. Đối với sinh viên, tự do học thuật có nghĩa là tự do học các chủ đề mà họ quan tâm và có quyền đi đến kết luận, có quyền phát biểu ý kiến cá nhân của họ liên quan đến chủ đề học. Còn nếu cho rằng tự do học thuật phải theo một định hướng thì tôi nghĩ đó không đúng với tinh thần của tự do học thuật.


SVVN: Có ý kiến cho rằng, Singapore cũng có một thể chế độc đoán, nhưng họ đang thành công với mô hình đại học của mình. Và trong chuyện xây dựng tinh thần đại học, ta có thể học được cái hay từ cách làm của họ? Ông nghĩ sao về ý kiến này? (Mô hình đại học nào mà ông thấy có thể phù hợp với VN?)

NVT: Tôi nghĩ không nhất thiết VN phải học Singapore hay mô hình đại học Singapore. Đứng về mặt tự do học thuật, các đại học Singapore chưa thể là một mô hình để chúng ta phải học theo. Mới đây, một giáo sư về báo chí của một đại học Singapore bị cắt hợp đồng chỉ vì bà chỉ trích tự do báo chí ở Singapore. Ở China, vì thiếu tinh thần tự do học thuật, nên các đại học danh tiếng như Stanford và Columbia không thiết lập chi nhánh ở China.

Theo tôi thấy, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm thành công của những trường đại học mới thành lập và đã nhanh chóng trở thành những đại học hàng đầu thế giới. Tôi muốn nói đến Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST), Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (Pohang University of Science and Technology) của Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Singapore, Học viện Công nghệ Monterrey (Monterrey Institute of Technology) của Mexico, v.v. Đó là những đại học chỉ trong thời gian 20-30 năm đã vươn lên và trở thành đại học đẳng cấp thế giới. Cái mẫu số chung của những đại học vừa kể trên là họ tuyển dụng nhiều giáo sư tài giỏi và tuyển mộ sinh viên có học lực tốt;  họ có ngân sách dồi dào; và quan trọng là có lãnh đạo tốt, với tầm nhìn chiến lược.

Nhưng theo tôi thấy Việt Nam sẽ rất khó học áp dụng bài học thành công của họ, vì thể chế tổ chức trong các đại học Việt Nam còn cứng nhắc. Ở ngoài này người ta tuyển lãnh đạo đại học và giáo sư đại học qua quảng cáo khắp thế giới, nhưng ở Việt Nam thì theo cơ chế “qui hoạch” với vai trò quyết định của Đảng thì rất khó thu hút được người tài. Người tài không thích ai định hướng cho mình, và họ đòi hỏi tự do trong suy nghĩ và ngôn luận. Do đó, Việt Nam nói đến học kinh nghiệm ngoài, nhưng nếu đại học không được tự chủ và không có tinh thần tự do học thuật thì việc mô phỏng theo các mô hình đại học khác trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì.


SVVN: Đại học là nơi sản sinh và tích dồn tri thức, để làm giàu trực tiếp và gián tiếp cho một quốc gia. Nhưng vai trò này của các đại học ở VN rất mờ nhạt, yếu tố nào để cải cách các đại học hiện nay, thưa ông?

NVT: Tôi nghĩ nói cho công bằng thì các đại học Việt Nam cũng đã có đóng góp cho nền kinh tế và khoa học Việt Nam, nhưng có lẽ gián tiếp nhiều hơn là trực tiếp. Các đại học VN đã đào tạo những chuyên gia cho nền kinh tế, các nhà khoa học, và đó là một đóng góp rất đáng kể.

Nhưng đóng góp trực tiếp của các đại học Việt Nam cho nền kinh tế thì vẫn còn lu mờ. Bằng sáng chế từ các đại học Việt Nam hầu như không đáng kể. Các giáo sư đại học cũng chưa có nhiều sáng chế gì đáng chú ý. Các đại học Việt Nam dĩ nhiên chưa thể ở vị trí thu hút sinh viên nước ngoài để tạo ra hàng tỉ USD cho ngân sách quốc gia như các đại học phương Tây.

Nhưng tôi nghĩ các đại học Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa trong việc đóng góp cho nền kinh tế. Làm như thế nào thì lại là một câu hỏi lớn đã chiếm thời gian và tiêu hao công sức của rất nhiều người quan tâm. Tôi nghĩ đến một chiến lược liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp kĩ nghệ và đại học. Cần có những cơ chế để cho những người trong doanh nghiệp kĩ nghệ (có nghiên cứu) tham gia vào việc đào tạo sinh viên, và họ cũng được ghi nhận qua các chức danh học thuật. 

Đối với các ngành nghiên cứu khoa học xã hội tôi nghĩ thách thức còn lớn hơn các ngành khoa học và kĩ thuật. Có nhiều chủ đề mà giới khoa học xã hội quan tâm nhưng có khi được xem là “tế nhị” hay “nhạy cảm” nên đành phải gác lại. Đây cũng là một vấn đề về tự do học thuật.

SVVN: Theo ông, hệ thống đại học của ta hiện nay phải “gỡ” nút thắt nào đầu tiên?

NVT: Thú thật, tôi vẫn nghĩ đến tự chủ và tự do học thuật. Đại học cần phải có quyền tự chủ trong việc quyết định bổ nhiệm giảng viên, giáo sư, quyết định chế độ lương bổng, quyền tuyển sinh, và chủ động trong việc soạn thảo chương trình giảng dạy. Tự do học thuật cần phải được tôn trọng. Một khía cạnh khác của tự do học thuật chính là tự chủ, hiểu theo nghĩa đại học có quyền bổ nhiệm giáo sư, hoạch định chương trình giảng dạy, và theo đuổi nghiên cứu vì lợi ích khoa học và nghệ thuật chứ không vì lợi ích của các nhóm lợi ích và chính trị trong xã hội. Tôi nghĩ không có tự do học thuật thì khoa học xã hội Việt Nam rất khó phát triển.


SVVN: Theo ông, làm thế nào để xây dựng được một tinh thần đại học đúng nghĩa?

NVT: Tôi nghĩ đến mô hình đại học dựa trên tinh thần khai sáng của Immanuel Kant và lí tưởng liberal của Friedrich Schleiermacher.  Đại học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất. Không có tự do học thuật, đại học khó mà hoàn tất sứ mệnh phản biện xã hội của mình, và khó có thể đóng góp tích cực cho Nhà nước và xã hội.