Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Sống Thời đại và Tinh thần Đức Phật

Nhân dịp mùa lễ Vu Lan, xin chia sẻ cùng các bạn một bài viết của tác giả Bùi Mộng Hùng bên Pháp. Tác giả là một giáo sư đại học, nhà nghiên cứu y học, và hơn hết còn là một học giả thứ thiệt, có nhiều ý kiến về nhiều vấn đề thật sâu sắc và có suy nghĩ nhiều. Nhưng rất tiếc anh đã qua đời cách đây 8 năm (1999) thọ 67 tuổi. Tôi tìm trên mạng (trang web Diễn Đàn Paris) và thấy một số bài viết của anh; trong đó có bài viết này rất hay. Xin post lại đây để các bạn đọc và suy nghĩ về những ý kiến của anh mà tôi cho là vẫn còn thích hợp và mang tính thời sự ngày nay.
NVT

===

Source: http://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-049/song-thoi-dai/ ) 

Sống Thời đại và Tinh thần Đức Phật
Nam nhi tự hữu xung thiên khí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.
(Làm trai chí khí xông trời thẳm
Thôi đi, bỏ lối học đòi Như Lai)
Thiền sư Việt Nam Quảng Nghiêm (1121-1190) 


Bài này có một bản viết vào tháng 9.95 cho hội thảo “ Phật giáo và thời đại ”. Khi đưa bản ấy cho anh bạn PHĐ xem, anh ta suy nghĩ khá lâu rồi phê rằng cái ý chính là tính “ động ” mà cách nói lại bó rọ trong ngôn từ xưa nay vẫn dùng để biểu đạt cái “ tĩnh ” tiềm tàng trong các khái niệm thông tục. Xác đáng quá ! Chỉ còn biết chắp tay cúi đầu gõ máy viết lại. Tuy nhiên từ ý thức tới thể hiện là cả cái khoảng cách từ nâng ly đến kề môi vào rượu... Rượu có nhắp được hay chăng xin bạn đọc lượng xét. (bmh)

Chính vào những giai đoạn xáo trộn biến động như hiện nay, con người phân vân trước cuộc sống bao nhiêu thì nhu cầu xét lại gốc rễ nguồn căn làm cơ sở cho hành vi ứng xử của mình, của xã hội lại càng bức thiết bấy nhiêu. Phật giáo là một trong số không nhiều lắm truyền thống đã làm gốc làm rễ văn hoá cho nảy nở nhiều nền văn minh của một bộ phận rộng lớn nhân loại. Trong chính lúc dân tộc Việt Nam ta bước vào một giai đoạn quyết định cho vận mạng của mình, xét lại một yếu tố căn bản của truyền thống dân tộc như Phật giáo trước thách thức của thời đại là một việc không tránh né được.

Bài này (I) phác hoạ nét trội của cuộc khủng hoảng văn hoá thời đại, (II) xét vài điểm đặc trưng của giáo lý nhà Phật đặc biệt thích nghi với xu hướng đòi hỏi của thời đại. Và cuối cùng (III) nêu lên vài điều căn bản để cho Phật giáo khai triển trí tuệ và tri thức tích lũy suốt hai nghìn năm, góp phần vào công cuộc xây dựng một nền văn hoá cho hiện đại. 
I. Thời đại con người trơ vơ thân phận làm người
Các hệ tri thức, xưa nay vững tin rằng mình nắm chân lý, truyền bá niềm tin của mình tự bao đời. Và cũng tự bao đời đã là những ngọn đuốc soi đường cho con người hết thế hệ này đến thế hệ khác trông theo mà an tâm sống với mình, với người, với thiên nhiên. Những niềm tin ấy bấy lâu nay tưởng đâu là chân lý vĩnh hằng, đến khi vấp vào hiện đại bỗng nhiên lung lay đến tận gốc rễ, nếu không là hoàn toàn sụp đổ.

Khởi điểm không phải mới gần đây. Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện từ thời Phục hưng, thế kỷ thứ XV, XVI, đưa dần tới sự hình thành của khoa học, của tư duy ngày nay.

Có người cho rằng là phát minh này hay phát minh nọ làm cho khoa học mâu thuẫn với các hệ tôn giáo, với tư tưởng cổ truyền. Không hẳn như vậy. Vì lẽ rằng không một phát minh khoa học nào có khả năng giải đáp các câu hỏi căn bản của tôn giáo nêu lên, mà ngược lại tín ngưỡng có thể tiếp thu chẳng mấy gì khó khăn bất cứ phát minh khoa học nào vào trong hệ tư tưởng của mình.

Sự xung khắc cơ bản thật ra nằm trong tinh thần nghi ngờ có hệ thống, không tin theo một thuyết nào nếu nó chưa trải qua thẩm định của thực nghiệm. Theo tinh thần thực nghiệm này thì không có giáo lý nào, hệ tư tưởng nào nắm chân lý vĩnh hằng. Chúng chỉ có giá trị của những giả thuyết, nghĩa là giá trị còn khi chúng còn vận hành còn biểu thị được các hiện tượng, các dữ kiện theo tiến trình mà giả thuyết đề ra. Gặp trường hợp ngược lại, một khi đã không phù hợp nổi với dữ kiện được quan sát nghiêm túc và có phương pháp thì chính giả thuyết phải tự đặt lại vấn đề và chuyển đổi sao cho phù hợp được với dữ kiện.

Quan điểm đổi thay vì suốt nhiều thế kỷ vừa qua, các xã hội loài người không ngừng chuyển biến mạnh. Đến gốc rễ. Đảo lộn cả nhận thức. Các vấn đề thời đại không ngớt nổi lên, cật vấn tri thức con người. Riêng một cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ thứ 19 cũng đã đủ thay đổi hoàn toàn bộ mặt hoàn cầu. Truyền thống bao lâu tin rằng chính là tri thức, đạo lý soi sáng và điều khiển hoạt động của con người. Nhưng hiện thực đã chẳng giản đơn một chiều theo lối nhìn đó, vì thế mà làm lung lay cơ sở các niềm tin truyền thống : Tư duy và đạo lý hướng dẫn hoạt động của con người thật, nhưng ngược lại hoạt động sản xuất chính là một nhân tố quy định tư duy, đạo lý trong xã hội loài người.

Từ địa vị đứng trên cao siêu mà hướng dẫn, đạo lý rơi xuống ngang tầm với con người, giữa xã hội. Các giá trị “ chân ”, “ thiện ”, “ mỹ ” không còn được quy định do uy tín của một Chân lý bên ngoài, một cá nhân vĩ đại nào, mà thực ra là bởi xã hội, như một tổng thể trong vận động không ngừng chuyển biến của nó.
Dù muốn dù không, con người buộc phải tìm quy tắc hướng dẫn đời sống của mình không đâu ngoài cộng đồng con người, ngoài xã hội.

Trong chiều hướng đó, nhà tư tưởng lớn thế kỷ thứ 19 Hegel quay lại nhìn lịch sử như một giòng tiến hoá. Ý nghĩa của sự tiến triển, của vận động lịch sử chỉ sẽ biểu lộ tại nơi điểm tận cùng của lịch sử.

Marx tiếp nối theo, tin rằng đấu tranh giai cấp là động cơ của giòng lịch sử ấy và cho đó là một phát hiện căn bản của mình tìm ra. Con người làm ra lịch sử, và có khả năng gia tốc lịch sử bằng cách tác động theo chiều hướng của động cơ. Cách nhìn của Marx là một yếu tố gây niềm hy vọng lớn cho một phần nhân loại : lịch sử có ý nghĩa và sẽ tất nhiên đi đến điểm tận cùng của nó. Hành động trong hướng đi của lịch sử là hành động vô cùng ý nghĩa của những con người ý thức được sự thật lịch sử.

Rồi, trong vòng mấy thập kỷ của thế kỷ hai mươi này, con người bừng mắt phát hiện ra rằng những tiến trình do chính mình phát động có tác động gần như không giới hạn vào thế giới thiên nhiên, vào thế giới con người : Làm chủ được nguyên tử lực, con người có thừa năng lực làm nổ tung quả địa cầu. Đồng thời khi nhận ra chân diện mạo của các chế độ toàn trị kiểu nazi, loài người kinh sợ mà ý thức rằng dù cho tiền đề có giả tạo dối trá vô nhân đến đâu đi nữa, khi mà có những thế lực quyết tâm áp đặt các tiền đề đó thì khả năng thể hiện ý đồ thành công là có thực. Miễn là cái thế lực ấy biết chủ trương hành động có hệ thống một cách liên tục. Thế kỷ hai mươi này đã được chứng kiến các tiến trình đi vào hiện thực của những mẫu xã hội toàn trị nazi và những mô hình ít nhiều toàn trị khác.

Uy lực tác động của con người vào thế giới loài người, vào thế giới thiên nhiên chưa bao giờ đạt mức độ khủng khiếp như hiện nay.

Trong khi đó, khoa học càng hiểu thiên nhiên thêm sâu sắc bao nhiêu thì con người lại càng ý thức rõ rệt rằng giải đáp khoa học chỉ là đáp từ cho những câu hỏi của chính mình đặt ra và những giải đáp đó lệ thuộc vào cách đặt câu hỏi. Đi tìm hiểu thiên nhiên – không phải là mình mà cũng chẳng phải do mình tạo ra – rốt cuộc con người gặp lại những cấu trúc, những mô hình do mình tạo nên, nghĩa là gặp lại chính mình. Và cũng bắt đầu nhận ra rằng không thể giáo điều tin vào tính tất định của khoa học mà không xét kỹ độ chính xác trong mỗi trường hợp cá biệt. Khoa dự đoán khí tượng đã nghiêm túc chứng minh rằng bướm vỗ cánh ở Bắc Kinh hôm nay có thể gây giông tố tại Nữu Ước tháng sau. Các sự kiện gần đây lại càng cho thấm thía tính tất định lịch sử thật ra chẳng nghiêm ngặt gì hơn chuyện nắng mưa.

Tất định lịch sử không còn, tự do của cá nhân bỗng nới rộng ra thêm. Mỗi người có thể tự nhủ rằng cánh bướm mình vỗ lên có khả năng lái lịch sử chệch qua hướng khác. Nhưng khi ấy chợt nổi lên, không giải đáp, câu hỏi ý nghĩa hướng đi lịch sử là gì ?

Dù muốn dù không, một lúc nào đó trong đời sống, con người thời đại cũng bị thực tại xô đẩy, buộc quay về đối diện với thân phận làm người của mình. Và lúc ấy rùng mình nhận ra rằng, về căn bản, cung cách ứng xử của mình chẳng mấy khác người thời trung cổ. Bạo tàn man rợ khác nào khi xưa.

Chỉ có điều khác là con người thời đại nắm trong tay những phương tiện sinh sát sánh tày Thượng đế. Đem các phương tiện ấy ra xử dụng lại có phương pháp tổ chức theo kiểu đại công nghiệp – máy móc lạnh lùng – nhưng hữu hiệu biết là chừng nào.

Trong khắc khoải tự vấn trước mênh mang cuộc sống, con người thời đại thấy mình nhỏ bé, chẳng khác gì con người trung cổ. Nhưng, quay đi quay lại chỉ mình với mình. Không nơi nương tựa, thiếu ngọn đuốc soi đường mà người trung cổ sẵn có, chỉ việc tuân theo.

II. Con đường Như Lai
1. Một giáo lý nhân bản, một quan điểm “ động ” trong nhận định
Đối tượng của lời Phật dạy không ai khác là con người, trần trụi với thân phận làm người. Câu hỏi trung tâm của giáo lý nhà Phật là một vấn nạn thẳng thừng không chút nhân nhượng : “ Con người kia ! anh là gì ? ”

Con người không khỏi cũng có lúc trầm ngâm trước giòng sông, nước luân lưu chảy để ngậm ngùi rằng ta đứng đấy mà mọi việc trước mắt biến chuyển không ngừng. Điều mà ai ai cũng nhận ra dễ dàng. Nhưng thường không suy xét xa hơn, và, nếu có thì cũng ngừng ở nhận định : ta nhìn, ta tư duy vậy ta hiện hữu (je pense, donc je suis).

Cách nhìn theo đức Phật không phủ định tính hiện hữu của “ cái ta ”, trong phút giây quan sát giòng sông. Chỉ nhắc nhở rằng, nếu không ngừng nước chảy qua cầu thì nào có khác chi giòng nước, người đứng trên cầu ngắm giòng sông cũng bao ý niệm nổi lên, trôi đi, dư âm vang vọng, tâm tư không ngừng chuyển đổi...
Nhà Phật quan niệm giòng sông, người đứng ngắm là những nhân tố ứng tác qua lại với nhau trong một quan hệ động. Một tiến trình trong đó các ứng tác không ngừng miên man chuyển biến. Thuật ngữ nhà Phật gọi đó là “ vô ngã ”, “ vạn pháp vô ngã ” mọi sự việc đều vô ngã. Và dùng thuật ngữ “ không ” để chỉ bản tính không ngừng biến chuyển của sự vật, “ vạn pháp giai không ”. Đem cái nghĩa thông thường của từ “ không ” gán cho thuật ngữ đồng âm làm sai lạc ý nghĩa quan điểm nhà Phật. Hiện thực luôn luôn biến động, nhưng nào phải vì vậy mà hư không !

Cảm nhận trung thực từng giây từng phút tiến trình của các quan hệ không ngừng chuyển đổi, tiếp theo đó mà liên tục đáp ứng, hồn nhiên và hài hoà, không bị lăng kính ảo tưởng làm cho méo mó lệch lạc, đó là một đặc tính của Phật. Và vì thế Phật còn có danh hiệu là Như Lai.

Tiến trình chuyển biến của sự việc, Phật giáo quan niệm là không do ngẫu nhiên. Nó có nguyên nhân và điều kiện. Nguyên nhân như là hạt giống, nảy nở ra được hay bị thui chột đi còn tuỳ ảnh hưởng điều biến của những điều kiện kèm theo. Thuật ngữ gọi đó là “ nhân duyên ”.

2. Một giáo lý cho hành động, nơi đây và ngay bây giờ

Là một nhân tố ứng tác có ý thức, con người trong giây phút hiện thực là một điểm động cuốn theo giòng thác tiến trình mà khởi điểm bắt đầu khi nào chẳng rõ, bao giờ tới điểm tận cùng cũng chẳng hay. Lặn hụp trong giòng đời, dù cho thu mình với thái độ thụ động hay tích cực xông xáo, con người bề gì cũng ý thức tiếp thu ảnh hưởng cùng tác động vào tiến trình cuộc sống, nghĩa là hành động, là gieo nhân, tạo nên duyên.

Nói cho đúng, ý thức của con người có ban cho hắn được chút phần tự do. Trong chọn lựa hành động và khởi điểm của nó. Nhưng trong một tiến trình, khi đã phát động rồi, hành động tác động vào môi trường như thế nào, phản hồi lại ra sao phần lớn vượt ngoài ý chí của con người cá nhân. Con người ấy, trong giây phút hiện thực là một điểm động, là hệ quả của hành động bản thân, của tác động môi trường bao quanh, của các thế hệ sinh trước. Ngược lại, với hành động do mình khởi xướng, cá nhân ấy cũng tác động vào thế giới này, vào thế hệ mai sau...

Thuật ngữ “ nghiệp ” của nhà Phật dùng để chỉ tác động và hệ quả của hành động có ý thức của con người. Con người cá nhân tạo ra “ biệt nghiệp ” riêng của chính mình, nhưng cũng tác động vào và chịu ảnh hưởng “ cộng nghiệp ” chung của cả xã hội của loài người. Khái niệm “ nghiệp ” đặt vai trò và vị trí của mỗi cá nhân trong vũ trụ, trong giòng tiến hoá của sinh vật, trong nhân loại hôm qua, ngày nay và mai sau. Qua hành động – mà không ai tránh né được – cái “ nghiệp ” ràng buộc theo quy luật nhân duyên mỗi cá nhân với toàn thể loài người, toàn thể sinh vật. Từ mối liên đới đó, hệ giáo lý Bắc tông khai triển ra khái niệm “ bồ tát nguyện ”. Còn sinh vật trôi nổi trong vòng khổ đau thì bồ tát còn nguyện theo nâng đỡ. Vì nghĩ cho cùng, liên đới nhân duyên ràng buộc với nhau, làm sao có thể quan niệm một mình một chốn niết bàn thảnh thơi được.

Con người là ứng tác có ý thức trong tiến trình không ngừng chuyển biến, hành động của hắn nếu mà liên tục hài hoà được với cuộc sống chỉ có thể là hành động thích ứng nơi đây và ngay bây giờ, nghĩa là một sáng tạo không ngừng
Chính vì vậy mà giáo lý Phật giáo không thể không là lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật cho hành động trong hướng đó.

Chính căn cứ vào hành động, vào “ nghiệp ” mà đạo Phật đưa con người từ tối tăm trật vuột nắm bắt ảo ảnh – thuật ngữ gọi là “ vô minh ” – đến trí tuệ hoà hợp hồn nhiên con người vào tiến trình cuộc sống, vào vũ trụ. Chính vì vậy mà cho rằng đạo Phật yếm thế, trốn đời là lầm to.

3. Một con đường giải phóng trí tuệ soi sáng hành động

Chính vì có ý thức mà con người khó hồn nhiên ứng tác hoà hợp theo nhịp biến đổi của tiến trình cuộc sống. Lúc thì phản ứng bất cập, khi thì lại thái quá. Hoặc bo bo ôm cái khối kinh nghiệm quá khứ quên mất rằng bản chất hiện tại là một trạng thái mới lạ, vì vậy mà hành động trong hiện tại luôn luôn là một sáng tạo. Hoặc không muốn nhìn vào hiện tại, quay hết tâm trí phóng vào một cái chưa có mà mình gọi là tương lai, để rồi dập mặt dập mũi vào cái hiện tại không sao tránh né được. Nhà thơ than :

Yêu là chết trong lòng một ít
Cho thì nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu... 

Yêu nhau thắm thiết, niềm vui lớn. Nhưng chính vì yêu mà kẻ cho, người nhận, cả hai người yêu nhau không bao giờ được hoàn toàn vừa lòng. Nhà Phật không phủ nhận những niềm vui trong cuộc sống, chỉ nhắc nhở rằng bên cái vui, quan hệ trong tiến trình cuộc sống, các ứng tác có ý thức luôn luôn vấp vào những điều làm cho họ chẳng bao giờ được hoàn toàn mãn nguyện. Thuật ngữ nhà Phật gọi những khổ đau, những tiềm lực làm cho con người bất mãn trong cuộc sống là “ khổ ”. Đó chỉ là một nhận định duy thực.

Nhận định thế, để khẳng định ngay rằng có con đường vượt “ khổ ”, đem lại an lành. Con đường bỏ rơi ảo tưởng, hài hoà quan hệ ứng tác của con người trong tiến trình không ngừng biến động của cuộc sống. Đó là “ đạo ” mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bản thân thể nghiệm. Và khẳng định rằng đã là người, thì không phân biệt trai gái, sang hèn, màu da sắc tộc, bất cứ ai ai cũng đều tiềm tàng đầy đủ khả năng của đức Phật, con người đã rốt ráo thể hiện “ đạo ” ấy.
Phật chỉ nhắn nhủ mỗi người chúng ta chính mình thể nghiệm. Không một ai có thể làm thay mình được, đức Phật cũng chỉ là người chỉ đường.

Mỗi cá nhân là một trường hợp duy nhất, con đường cũng phải thích nghi với tính duy nhất của mỗi người. Nhà Phật hằng hà phương tiện.

Nguyên tắc chung, chúng ta gặp ngay trong câu phật tử thường chúc nhau được “ thân tâm an lạc ”. Phương pháp nhà Phật chú trọng cả thể xác lẫn tâm thần, đến tác động qua lại vòng tròn của chúng. Thân an lặng thì lòng cũng yên, tâm yên tĩnh thì thân thêm thư dãn thoải mái. Cứ thế mà thân tâm liên tục ảnh hưởng lẫn nhau đưa đến trạng thái tĩnh lặng, thuận lợi để quán xét, ý thức tinh tường những gì đang sảy ra trong mình, xung quanh mình. Chính sự ý thức rõ rệt những gò bó trong thân xác, những thể thức dục vọng nổi lên rồi tan đi trong thâm tâm là cơ sở để chủ động thư dãn toàn thân, để cho dục vọng không bị đè nén mà nhạt thưa dần. Lửa lụi tàn vì củi không còn. Cứ như thế mà các nhân tố tạo thiên kiến, thành kiến rơi rụng. Mâu thuẫn tan dần, tự do nội tâm phát triển. Thân và tâm ung dung tự tại sẵn sàng tập trung vào hiện tượng bên trong, bên ngoài, để tiếp nhận và phản ứng hồn nhiên, thích nghi, không lệch lạc.

Khi ảo tưởng hoàn toàn rơi rụng hết, sự thích ứng lúc ấy hài hoà với tiến trình cuộc sống. Một trạng thái siêu việt các cặp đối lập ta – người, chủ – khách, tri thức – hành động, thiện – ác, luân hồi – niết bàn... thời gian trong đó là hiện tại, vĩnh hằng.

Đó là ý nghĩa lời Long Thọ bồ tát (150? - 250?) khẳng định “ Niết bàn là luân hồi, luân hồi là niết bàn ” (Nagarjuna, Madhyamika - Karika, XXV, 19). Đó là lý do nhà Nho thấm nhuần tinh thần Thiền tông Vương Dương Minh (1472 - 1529) xướng thuyết “ tri hành hợp nhất ”.

Chỉ có bậc hoàn toàn giác ngộ mới hợp nhất được tri và hành, siêu việt được đối lập biết và làm. Nhưng, cuộc sống luôn luôn đặt chúng ta trước một chọn lựa để hành động. Thế nào cho phải, đó là vấn đề. Giáo lý nhà Phật đề nghị các phương thức giúp cho mỗi người chúng ta sáng suốt nhận thức và hành động. Mấy câu kinh Pháp Cú rất nhiều người thuộc nằm lòng nhắc nhở điều ấy :

Chư ác mạc tác
Chư thiện phụng hành
Thanh tịnh kỳ ý
Thị chư Phật ngôn 
(Không làm điều ác,
Làm mọi việc lành,
Thanh tịnh tâm ý,
Ấy lời chư Phật)

Phân biệt phải, quấy, đạo Phật không đặt nơi một uy quyền ngoài con người. Lúc chọn lựa hành động bao giờ chẳng chỉ có mình với mình. Cái “ lương tri ” do tâm ý thanh tịnh trong sáng là bảo đảm duy nhất cho tính đúng đắn của chọn lựa ấy. Tất cả giáo lý nhà Phật, lý thuyết, và thực hành chỉ nhằm sao cho tâm ý người hành đạo tĩnh lặng trong sáng trong sóng gió bão lửa của cuộc sống.

Con người thời đại đã đạt tri thức vô cùng cao xa, nhưng lương tri không tương xứng. Tạo một “ lương tri khác ” là tiềm năng quý báu mà giáo lý nhà Phật có khả năng góp vào công cuộc xây dựng nền văn hoá một thời đại khắc khoải đi tìm lương tri cho chính mình. Với vốn liếng Phật giáo tích lũy trên hai mươi thế kỷ tri thức lý thuyết và thực hành.

III. Chí khí ngất trời xanh
1. Xác định chức năng

Sức sống của một giáo lý tuỳ thuộc những người đang sống và thể hiện nó. Phật giáo phát huy được tiềm năng của minh khi nào những người đang sống lời Phật dạy xác định được chức năng xã hội của giáo lý mình thể hiện.

Trên căn bản giáo lý nhà Phật không có gì đối chọi với tinh thần khoa học. Nhưng Phật giáo không phải là khoa học. Chức năng khác, cách chứng thực cũng khác. Sự thực khoa học chứng qua thực nghiệm. Hoàn toàn khác từ tinh thần, lý thuyết, đến thực hiện với thể nghiệm “ đạo ”. Sự thực thể nghiệm là một sự thực chủ quan, bản chất khác với sự thực khoa học.

Khoa học thay đổi bộ mặt toàn cầu. Tuy nhiên, trong hiện trạng ngày nay khoa học không thể và cũng không có tham vọng đề nghị một cái nhìn tổng hợp toàn diện cuộc sống.

Giáo lý nhà Phật đề nghị một nhận thức tổng thể cuộc sống, là một triết học. Chính vì không phải là khoa học mà Phật giáo làm được cái việc ngoài chức năng của khoa học : đem lại ý nghĩa cho hoạt động thường ngày, cho cuộc sống mỗi con người.

Có triết lý của mình, nhưng khác với các hệ triết học nhà Phật còn một kho kinh nghiệm phong phú về phương thức, kỹ thuật sử dụng những động tác thân xác đơn giản, hô hấp, đi, đứng, ngồi, nằm... để thể hiện triết lý của mình trong thân xác, trong cuộc sống hàng ngày, trong mỗi người. Đề nghị một hành trình thể hiện chứ không chỉ duy nhất là một hệ tư tưởng thuần lý, một bộ phận giáo lý nhà Phật có những nét hấp dẫn đối với tinh thần thời đại.

Là một tôn giáo, có đầy đủ nghi lễ, nhưng người Phật tử không phải đặt lòng tin vào một uy lực cao siêu nào ngoài con người, ngoài bản thân mình.

Có biết mình, biết người, cộng đồng Phật tử mới bỏ rơi được mặc cảm tự ti và tự tôn, không hao tổn tâm thần năng lực vào những cuộc tranh biện sân si, xác định vị trí và chức năng của giáo lý nhà Phật so với khoa học, với các hệ triết học, các tôn giáo khác. Khi ấy mới an nhiên đem tinh thần Như Lai thể hiện ra trong nếp sống hàng ngày, trong muôn mặt của cuộc sống. Và góp phần vào công cuộc chuyển hoá nền văn hoá thời đại.

2. Sống thời đại

Muốn được vậy phải đau cái đau thời đại, khổ cái khổ thời đại, dằn vặt với các vấn đề thời đại. Tóm lại phải sống thời đại.

Truyền thống hai mươi lăm thế kỷ của đạo Phật là một ốc đảo để ẩn náu, an tâm cho những ai mệt mỏi, khiếp sợ trước các chấn động của một thời đại đang oằn oại chuyển tiếp. Cái nguy lớn của Phật giáo chính là đó : mặt quay về quá khứ, day lưng với thời đại, mãn nguyện với việc làm nơi ẩn náu cho những người trốn sống thời đại. Và chỉ có thế mà thôi, ngoài ra không còn chi khác.

Nay chính là lúc cần chí khí ngất trời xanh của những người đem đạo vào đời trong những thời điểm khác thường. Khi tinh thần Phật thấm nhuần vào Trung quốc, nở ra Thiền tông, các tổ như ngài Lâm Tế ( ? - 867 ?) nói đạo bằng câu chữ hàng ngày của người nông dân cho người thời đại bừng mắt nhận ra đâu là tinh thần Như Lai. Khi văn hoá đất Việt hưng lên với một dân tộc độc lập, đời Lý thiền sư Quảng Nghiêm (1121- 1190) nhắn nhủ “ Nam nhi tự hữu xung thiên khí , Hưu hướng Như Lai hành xứ hành ” (Làm trai chí khí xông trời thẳm, Thôi đi, bỏ lối học đòi Như Lai). Đời Trần, ta gặp thần thái thanh thoát ấy nơi Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung (1230 - 1291), thầy của tổ sáng lập ra phái thiền Việt Nam Trúc Lâm, Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Trong một bữa tiệc của thái hậu mà cũng là em ruột thượng sĩ thiết đãi, Tuệ Trung gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi : “ Anh tu thiền mà ăn thịt thành Phật sao được ? ” Thượng sĩ cười đáp : “ Phật là Phật, anh là anh. Anh chả cần làm Phật, Phật chả cần làm anh.”

Thời Phật, thời tổ, thời Lý - Trần đã qua, và không bao giờ trở lại, thời đại là của bây giờ. Tinh thần đức Phật chỉ có giá trị qua cọ sát với thực tại. Có lăn vào giải quyết những vấn đề cụ thể đang đặt ra cho con người, mới nảy ra cái nhìn “ như lai ” sự việc hôm nay. Mới bật ra lời lẽ đi vào con tim người đang mò mẫm tìm đường. Phải thông giáo lý nhà Phật, đã đành. Công trình xuất bản kinh tạng Pali dịch qua tiếng Việt của hoà thượng Minh Châu, dự án dịch và xuất bản hệ tam tạng sanskrit của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một bước tiến cho ai ai cũng có thể tiếp cận những tư liệu gốc một cách trực tiếp. Nhưng, có soi qua gương mặt người mới nhận rõ ra mặt mình, có đem tư tưởng nhiều ít sáo mòn của mình đọ với các luồng tư tưởng hiện hành mới sáng lên sức sống của tư tưởng Phật, nơi đây và ngay bây giờ.

Công cuộc ấy còn bỏ ngỏ.

Thời nào cũng phải thích nghi phương pháp tu dưỡng cho thời đại mình. Không biết tự bao giờ phật tử Việt Nam chào nhau bằng câu “ A Di Đà Phật ”. Chỉ biết chắc chắn rằng chẳng phải do ngẫu nhiên. Có gì khắc khoải cho con người bằng khi phải mặt đối mặt với thân phận làm người. Cái ý phải tin vào sức mình, không ai, kể cả đức Phật có thể làm thay cho được tiềm tàng trong lời Phật dạy. Nhưng cũng ý đó bắt con người phải đối diện với chính mình. Tịnh độ tông khéo léo tránh né điểm khó này bằng thuyết “ tha lực ”, nhờ sức của người khác, nhờ Phật A Di Đà dẫn vào đất an lành.

Phương tiện phần nào dễ dãi ấy có còn thích nghi với tinh thần nghi ngờ thành hệ thống của con người ngày nay hay chăng ? Dù muốn dù không, vấn đề phương cách “ hành đạo ” cho con người hiện đại cũng đặt ra.

Những phương tiện hay nhất thường tìm thấy không đâu ngoài đời sống hàng ngày, ngoài nghề nghiệp. Người võ sĩ Nhật samourai, kè kè lưỡi kiếm, theo nghề chém giết. Phật giáo nhập sâu vào văn hoá thì người samourai học và thể hiện Thiền không đâu ngoài đường kiếm. Khi đó người ấy đi vào giữa lằn đao, mưa đạn với cái an nhiên của kẻ siêu việt cái sống và cái chết, lưỡi kiếm uy lực như sấm sét.

Phương pháp hành đạo ngày nay là những gì ? Để cho con người tất bật của thời đại thể hiện được tinh thần Như Lai, hồn nhiên mà thích nghi vào tiến trình cuộc sống ?

Những tầm nhìn thanh thoát về các vấn đề thời đại đang đặt ra, một nghệ thuật sống an lành đi vào muôn mặt của cuộc sống thường ngày, những phương pháp tu dưỡng thích nghi với mọi lớp người trong xã hội hiện đại, đó là thách thức mà thực tại đặt ra cho trí tuệ cộng đồng Phật tử. Giải đáp chính là phần Phật giáo góp vào nền văn hoá thời đại.

Bùi Mộng Hùng

Trịnh Công Sơn: Người lắng âm vọng nhân sinh

Hôm nay thấy trên báo Công an Nhân dân có một bài hay về Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (gớm, báo công an mà cũng văn nghệ văn gừng!). Vâng, tôi cũng nghĩ TCS chẳng những là một nhạc sĩ, nhưng còn là một thi sĩ. Cách đây cũng lâu, tôi có viết một bài về nhạc sĩ TCS đăng trên báo Văn (bên California) và có nói đến cái ý này. Thuở đó, TCS mới qua đời và bị mấy người quá khích ngoài này "tấn công" dữ quá, nên tôi (và nhiều người khác) mới viết bài để nói lên suy nghĩ và quan điểm của mình. Bài đó tôi post lại trong blog này để các bạn đọc. 

NVT

===
Trịnh Công Sơn: Người lắng âm vọng nhân sinh
3:5008/07/2008
Cái bóng trăm năm luôn ám ảnh trong suy tưởng và trong cảm xúc của Trịnh Công Sơn. Nói theo giọng phân tâm học, ông có lẽ thuộc về kiểu nghệ sĩ mà bản năng chết (thanatos) mạnh hơn bản năng sống (eros). "Cái nhìn", và tất nhiên, cả "cái nghe" của ông, chịu lực hút chủ đạo không phải từ sự sinh trưởng- khoẻ khoắn - ấm áp - tươi vui, mà là từ những gì tàn lụi - héo úa - mòn mỏi - u sầu - lạnh lẽo.
Trong chuyên luận "Trịnh Công Sơn - ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật" (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008), nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc đã xác quyết: "Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, điều đó đã hẳn. Nhưng, trên và trước hết, người nhạc sĩ đó lại chính là một thi sĩ tự trong bản chất và trong cách thế sai sử ngôn ngữ của mình".
Diễn đạt theo cách khác, nhận định trên đã chạm tới một điều mà hầu hết những người đã từng (hoặc sẽ) viết về người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh đều chia sẻ: đặt giai điệu sang một bên, thì phần ca từ trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn chính là những thi phẩm đích thực. Cái thế giới thi ca mang đậm tính siêu hình của ông mở ra trước mắt chúng ta một hồn người, và qua đó, cả một thời đại đầy biến động.
Bước vào thế giới thi ca ấy, ta sẽ có dịp nhìn trở lại thực tại bằng chính cái nhìn mà thi nhân đã hướng về thực tại. Và thêm nữa, ta sẽ có thể nắm được thực tại bằng chính những âm vọng mà thi nhân đã nghe ra từ thực tại, theo một cách thật đặc biệt của riêng ông.
Giai đoạn sáng tác sung sức nhất và nhiều thành tựu nhất của Trịnh Công Sơn, không hồ nghi gì nữa, là những năm tháng chiến tranh. Sống trong lòng cuộc chiến, dẫu có căm ghét và chối bỏ nó đến đâu, ông vẫn phải chịu đựng sự hiện hữu của nó. Những tập "Ca khúc da vàng", "Phụ khúc da vàng", "Kinh Việt Nam", "Ta phải thấy mặt trời" chính là những trải nghiệm đau thương mà chiến tranh đã in hằn trên cuộc đời và trong tâm hồn ông.
Tiếng súng nổ, tiếng đại bác gầm, tiếng mẹ khóc con tử nạn, tiếng người hấp hối... đó là những âm thanh thảm khốc mà không một người Việt Nam nào sống ở thời ấy không nghe ra. Chúng cũng ngập đầy trong các ca khúc về đề tài này của Trịnh Công Sơn. Nhưng, đôi khi chúng vang lên thật lạ lùng: "Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường/ Dừng chổi đứng nghe/ Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng/ Đại bác như kinh không mang lời nguyện/ Trẻ thơ quên sống/ Từng đêm nghe ngóng... Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng/ Đại bác nghe quen như câu dạo buồn/ Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương" (Đại bác ru đêm).
Tiếng đại bác trong thính trường của Trịnh Công Sơn - ít ra là ở ca khúc này - không hề mang vẻ hăm dọa khủng bố. Trái lại, nó có giai điệu, nó du dương, nó gần gụi và quen thuộc, nó gắn liền với đời sống và tạo thành nhịp sống của con người! Nhạc sĩ - thi sĩ họ Trịnh định làm lạ hóa cảm nhận của công chúng bằng cách nói ngược chăng? Không phải.
Bằng "cái nghe" riêng có của mình, ông đã bóc lộ một sự thật tàn nhẫn: chiến tranh làm mòn mỏi, làm đờ đẫn, làm mụ mị, làm tê liệt con người; con người bị đẩy vượt lên trên nỗi sợ, con người đánh mất cảm giác sợ hãi trước tiếng gầm của đại bác, con người chỉ còn là những tấm bia thịt vô tri mà đạn pháo có thể “viếng thăm” bất cứ lúc nào!
Chiến tranh, chết chóc, thịt nát xương tan đã để lại vết tích trong ca từ của Trịnh Công Sơn với những hình ảnh đau đớn: "Một chiếc xe tang/ trái mìn nổ chậm/ người chết hai lần/ thịt da nát tan" (Ngụ ngôn mùa đông), "một buổi sáng mùa xuân/ một đứa bé ra đồng/ đạp trái mìn nổ chậm/ xác không còn đôi chân", "người con gái chợt ôm tim mình/ trên da thơm vết máu loang dần" (Người con gái Việt Nam da vàng) v.v...
Sự sống trở nên quá đỗi mong manh trong guồng máy chiến tranh. Lằn ranh giữa sinh và tử của đời người trở nên vô nghĩa như một tiếng cười nhạo. Thực tại ấy, được thêm sức đẩy của ngọn triều tư tưởng về cái phi lý từ Âu - Mỹ tràn sang, đã đưa Trịnh Công Sơn tới rất gần quan niệm về sự hư ảo của nhân sinh và những nỗi đau khổ khôn cùng của phận người - như nó từng được thể hiện đậm đặc trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều ở thế kỷ XVIII. Ông luôn nghe thấy những âm thanh của một thứ định mệnh tàn nhẫn đè nặng lên thân phận con người: "Nghe xót xa hằn lên tuổi trời/ Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi/ Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người" (Gọi tên bốn mùa). Ông đặc biệt nhạy cảm với những tiếng gọi của trăm năm - hư vô - cái chết: "Đêm ta nằm bóng tối che ngang/ Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm/ Gọi thì thầm, gọi thì thầm, gọi thì thầm/ Đêm nghe trời như hú như than/ Ta nghe đời như có như không/ Còn lại mình, đời bồng bềnh, đời buồn tênh" (Còn có bao ngày).
Khi hắt cái nhìn từ Kinh Thánh lên hạt bụi - người, ông nghe thấy: "Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi" (Cát bụi). Tiếng động không được gọi tên, song nó chẳng hề mơ hồ: đó là tiếng thời gian cầm canh đưa người từ bờ sống sang bờ chết, đó là tiếng chuông gọi hồn đều đều nhẫn nại! Bởi thế, không khó hiểu khi chợt bắt được một âm thanh rất đỗi bình thường của đời sống thực - tiếng ru - ảo giác về cái chết của chính mình đã ập đến với ông: "Về trong phố xưa tôi nằm/ Có lần nghe tiếng ru bên vườn/ Chợt như xác thân không còn/ Và cạnh tôi là đồng vắng" (Lời thiên thu gọi).
Cái bóng trăm năm luôn ám ảnh trong suy tưởng và trong cảm xúc của Trịnh Công Sơn. Nói theo giọng phân tâm học, ông có lẽ thuộc về kiểu nghệ sĩ mà bản năng chết (thanatos) mạnh hơn bản năng sống (eros). "Cái nhìn", và tất nhiên, cả "cái nghe" của ông, chịu lực hút chủ đạo không phải từ sự sinh trưởng- khoẻ khoắn - ấm áp - tươi vui, mà là từ những gì tàn lụi - héo úa - mòn mỏi - u sầu - lạnh lẽo.
Chắc chắn rằng không có mấy nhạc sĩ, thi sĩ Việt nghe được tiếng của thời gian theo cách mà ông đã nghe: "Từng lời tà dương là lời mộ địa" (Một cõi đi về) - đó là tiếng hấp hối của một ngày; "Người chia tay nhau cuối đường/ Ngày đi đêm tới/ Nghe tiếng hư không" (Nghe những tàn phai) - đó là âm thanh vô vị và "rỗng nghĩa" của sự chuyển tiếp thời gian.
Và, nếu mùa thu với sắc nắng vàng đã làm say đắm bao tâm hồn nghệ sĩ khác, họ chờ đón "những mùa thu tới", thì Trịnh Công Sơn lại chỉ thấy "những mùa thu đi", ông nghe ra ở sự đi của những mùa thu ấy cái chết của thời gian và sự chết dần của đời người: "Nhìn những mùa thu đi/ Em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song/ Nghe tên mình vào quên lãng/ Nghe tháng ngày chết trong thu vàng" (Nhìn những mùa thu đi).
Một cách tất yếu, như là định mệnh, con người hướng theo tiếng gọi của cái bản năng chết ấy sẽ phải là một con người cô đơn, tuyệt đối cô đơn, bất chấp ý chí muốn nối kết với đời sống, với tha nhân của chính anh ta. Mỗi thanh âm của thế giới khi lọt vào thính trường của con người ấy đều trở thành một vọng âm nói về sự cô đơn, gợi đến sự cô đơn hoặc bắt anh ta phải nhận ra sự cô đơn. Đó là tiếng hát: "Chiều chủ nhật buồn/ Nằm trong căn gác đìu hiu/ Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều/ Trời mưa trời mưa không dứt/ Ô hay mình vẫn cô liêu" (Lời buồn thánh). Đó là tiếng gà trưa: "Về trên phố cao nguyên ngồi/ Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi/ Chợt như phố kia không người/ Còn lại tôi bước hoài" (Lời thiên thu gọi). Đó là tiếng lục lạc bò: "Đàn bò vào thành phố/ Reo buồn tiếng hạt chuông/ Một người vào thành phố/ Nghe hồn lạnh giá băng" (Du mục). Đó là tiếng mưa như "lời ru miệt mài/ ngàn năm ngàn năm" trong ca khúc Tuổi đá buồn, tiếng mưa khiến câu hỏi "còn ai còn ai?" bật ra não nuột như một tiếng thở dài của thi nhân trước nỗi cô đơn trên nhân thế.
Đến đây, tôi muốn nói thêm một cảm nhận chủ quan của mình: giữa trùng trùng âm thanhcủa thế giới, cùng với lời ru, dường như Trịnh Công Sơn yêu nhất tiếng mưa. Không phải chỉ vì mưa đã giăng mịt mùng trong các ca khúc của ông, mà còn vì tiếng mưa nhiều khi được ông dùng như một âm chuẩn để "đo" các thanh âm khác, tiếng lá chẳng hạn. Dùng tiếng mưa "đo" tiếng lá, ông có những ca từ tuyệt hay: "Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ"(Diễm xưa), "Lá hát như mưa suốt con đường đi" (Em còn nhớ hay em đã quên) v.v...
Cô đơn, ở một khía cạnh nào đó, là cây thập giá tinh thần mà người nghệ sĩ đích thực phải mang vác suốt cuộc đời mình. Cô đơn cũng chính là trạng thái lý tưởng để người nghệ sĩ có thể tập trung mài sắc các giác quan, nắm bắt chuẩn xác từng chuyển động tế vi nhất của thế giới. Trong cô đơn, Trịnh Công Sơn tỏ ra có một thính lực thật kỳ lạ, ông nghe thấy muôn trùng lên tiếng, những thanh âm kết dệt một bầu khí thật ma mị liêu trai: "Đêm nghe gió tự tình/ Đêm nghe đất trở mình vì mưa/ Đêm nghe gió thở dài/ Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai... Đêm nghe gió than hoài/ Đêm nghe lá đưa lời hàm oan/ Đêm nghe thân xác mịt mùng/ Đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa" (Nghe tiếng muôn trùng).
Đi tới cùng của cô đơn, Trịnh Công Sơn rút gọn toàn bộ thế giới vào chính bản thân mình, ông nghe từ chính mình những âm vọng bi thiết của nhân sinh: "Đôi khi ta lắng nghe ta/ Nghe sóng âm u/ Dội vào đời buốt giá/ Hồn ta gió cát phù du bay về/ Đôi khi trên mái tình ta/ Nghe những giọt mưa/ Tình réo tình âm thầm/ Sầu réo sầu bên bờ vực sâu" (Tình xa). Ông nghe được cả những sóng cồn bão dông trong im lặng: "Tôi đã lắng nghe trái tim lạc loài/ Bao đêm đã qua/ Im lặng của người tôi đã lắng nghe/ Im lặng của tôi... Tôi đã lắng nghe im lặng thở dài/ Sau cơn bão qua/ Im lặng mặt người/ Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay" (Tôi đang lắng nghe).
Và đây nữa, một âm thanh - âm thanh zero - mà Trịnh Công Sơn đã nghe ra từ nhịp đập của chính trái tim mình, trái tim của một người Việt Nam biết thổn thức biết xót xa trước những biến cố đau thương đang diễn ra hàng ngày trên đất đai xứ sở, trên cuộc đời người Việt: "Giọt nước mắt quê hương/ Ôi còn chảy miên man/ Ôi dòng nước mắt chảy hoài/ Dòng nước mắt đời đời/ Dòng nước mắt thương ai/ Ôi dòng nước mắt trong tim/ Chảy lai láng vào hồn/ Nửa đêm gọi đến mình" (Giọt nước mắt cho quê hương).
Tận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận đầy giá trị, không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX. Những ca khúc mang giai điệu buồn. Buồn, đó cũng là chủ âm trong ca từ của ông. Bởi lẽ, ở một phương diện nào đó, dường như cái tạng sẵn có của Trịnh Công Sơn không hợp với những vui vẻ hời hợt. Thượng đế đã bắt (hay đã ban?) cho ông sứ mệnh của kẻ có thể lắng trong mình những âm thanh u uất, những tiếng nói tang thương từ cõi người và cõi đời rồi chưng cất chúng thành những ca từ buồn và đẹp.
Bằng những ca từ ấy, nhạc sĩ - thi sĩ tài hoa họ Trịnh đã cho ta thêm một cách thế để nghe sâu hơn tiếng vọng nhân sinh, để tự mở rộng biên độ của suy tưởng và cảm xúc, và từ đó, để gắn bó thân thiết hơn với cuộc đời mà mỗi người đang sống - như chính ông từng kêu gọi: "Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người/ Còn cuộc đời ta cứ vui" (Để gió cuốn đi). Một điều mà chúng ta có thể khẳng định chắc chắn: đó sẽ là di sản không bao giờ bị mất giá của Trịnh Công Sơn

Ăn chay như là một trị liệu

Ăn chay đang trở thành một trào lưu trên thế giới, nhất là trong giới trí thức và chuyên gia. Ở các nước phương Tây, theo một thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 5% dân số Anh và Mĩ cho biết họ ăn chay trường hay ăn chay thường xuyên. Ở nước ta, tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng sự có mặt của các nhà hàng và quán ăn chay cùng lượng thực khách đông đảo cho thấy số người ăn chay đang tăng dần trong thời gian gần đây.

Danh từ “ăn chay” đối với người Việt chúng ta là chế độ ăn uống không có đạm động vật, nhưng với người phương Tây, có đến 3 nhóm ăn chay. Nhóm thứ nhất là ovo-lacto gồm rau, đậu, hạt, trứng và bơ sũa. Nhóm thứ hai là lacto cũng có chế độ ăn uống như nhóm ovo-lacto, nhưng không ăn trứng. Nhóm thứ ba là vegan, hoàn toàn không ăn đạm động vật, có lẽ là nhóm gần như “ăn chay” theo cách của người Việt hay các tu sĩ Phật giáo đại thừa.

Thời gian gần đây, qua báo chí phương Tây, một số người bày tỏ quan tâm đến sức khỏe của người ăn chay, vì họ cho rằng ăn chay có thể bất lợi cho sức khỏe của xương. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học cho thấy ăn chay không có ảnh hưởng tiêu cực đến xương; ngược lại, ăn nhiều chất đạm động vật có thể là yếu tố nguy cơ của loãng xương và gãy xương.

Sức khỏe của xương có lẽ phản ảnh chính xác nhất qua mật độ chất khoáng trong xương (viết tắt là MĐX) và tần số gãy xương trong một quần thể. Nhiều nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học trên thế giới cho thấy MĐX ở người ăn chay tương đương với MĐX ở người ăn mặn. Một nghiên cứu do các bác sĩ thuộc trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh năm ngoái cũng cho thấy không có sự khác biệt nào về MĐX giữa người ăn chay và ăn mặn.

Gãy cổ xương đùi là một hệ quả nguy hiểm nhất của loãng xương, vì bệnh nhân gặp nhiều biến chứng, thậm chí sau khi bị gãy xương. Khoảng 15-20% bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nam, tử vong sau 12 tháng gãy cổ xương đùi. Nguy cơ gãy cổ xương đùi ở người ăn chay hoặc thấp hơn so với người ăn mặn. Thật vậy, một phân tích trên 34 nước trên thế giới cho thấy những nước có lượng tiêu thụ đạm động vật nhiều cũng là những nước có tỉ lệ gãy cổ xương đùi (hệ quả nguy hiểm nhất của loãng xương) so với những nước có lượng tiêu thụ đạm thấp.

Đứng trên phương diện sinh học, ảnh hưởng tiêu cực của đạm động vật đến xương là điều có thể hiểu được. Sức khỏe của xương tùy thuộc vào sự cân bằng giữa acid và base. Tất cả các thức ăn phải được chuyển hóa qua thận dưới dạng acid hoặc base. Khi ăn nhiều chất đạm động vật, cơ thể hấp thu nhiều acid hơn base. Tăng hàm lượng acid cũng có nghĩa là máu và các mô trong cơ thể trở nên “chua” hơn, và để dung hòa tình trạng này, hệ thống nội tiết phải huy động calcium để đóng vai trò chất base. Vì phần lớn calcium xuất phát từ xương, cho nên khi cơ thể huy động calcium cũng có nghĩa là giảm chất khoáng trong xương, dẫn đến hệ quả giảm sức mạnh của xương, và làm cho xương dễ bị gãy.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua đều cho thấy ăn chay có lợi cho sức khỏe, vì giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến “hiện đại hóa” như tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, và ung thư. Chế độ ăn chay, do sử dụng nhiều rau quả, thường hàm chứa ít chất béo và cholesterol hơn chế độ ăn mặn. Chất béo và cholesterol là hai yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư. Do đó, có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy người ăn chay ít mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư hơn những người ăn mặn. Trong một nghiên cứu trên 47.000 người Mĩ, nhóm ăn chay có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn nhóm ăn mặn khoảng 20%. Ăn chay và ăn nhiều rau quả còn giảm nguy cơ tai biến mạch máu não đến 22%. Ngoài ra, ăn chay còn giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ruột, và phổi so với chế độ ăn mặn.

Một nghiên cứu khác trên 26.000 người Mĩ cho thấy người ăn chay có tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường thấp hơn người ăn mặn khoảng 25%. Vì chế độ ăn chay có chỉ số glycemic thấp, nên ăn chay còn được xem là một liệu pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Trong một nghiên cứu lâm sàng trên 652 bệnh nhân đái tháo đường, các bác sĩ cho bệnh nhân ăn uống có rất thấp hàm lượng chất béo (dưới 10% năng lượng, tức như ăn chay), và họ ghi nhận rằng ở những bệnh nhân được điều trị bằng insulin, 40% không cần đến insulin nữa; trong số bệnh nhân điều trị do chỉ số glycemic thấp, 71% không cần tiếp tục điều trị. Trong cùng thời gian, nồng độ đường trong máu giảm 24%, cholesterol giảm 30%. Ảnh hưởng của chế độ ăn chay đến các chỉ số lâm sàng liên quan đến bệnh đái tháo đường tương đương với ảnh hưởng của các thuốc thông dụng trên thị trường. Vì ăn chay chẳng tốn kém gì nhiều, nên hiệu quả kinh tế của ăn chay có phần cao hơn so với một số thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.

Trong một nghiên cứu quan trọng về ảnh hưởng của ăn chay đến bệnh viêm thấp khớp, các nhà nghiên cứu Na Uy chia bệnh nhân thành 2 nhóm: nhóm ăn chay và nhóm ăn mặn. Sau 12 tháng theo dõi, bệnh trạng nhóm ăn chay giảm rõ rệt, trong khi nhóm ăn mặn không có thay đổi đáng kể. Dù cơ chế ảnh hưởng của ăn chay đến bệnh viêm thấp khớp chưa được hiểu rõ, nhưng có thể lí giải rằng vì chế độ ăn chay hạn chế năng lượng, đạm và một số chất khoáng có chức năng ức chế hệ thống miễn dịch, và ức chế hệ thống miễn dịch là một phương án điều trị các bệnh tự miễn, nên ăn chay có thể đem lại lợi ích cho bệnh nhân viêm thấp khớp.

Nói tóm lại, bằng chứng khoa học cho thấy ăn chay có lợi cho sức khỏe. Thật ra, người ăn chay tính trung bình có tuổi thọ cao hơn người ăn mặn. Các nghiên cứu mới nhất gợi ý rằng ăn chay còn có thể là một phương án thực tế để điều trị bệnh đái tháo đường và viêm khớp xương.

Trong vài năm gần đây, tỉ lệ béo phì trong dân số nước ta càng ngày càng tăng. Theo nghiên cứu dịch tễ học, tại Thành phố Hồ Chí Minh, cứ 3 người tuổi trên 40 thì có 1 người béo phì. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ ở Mĩ và các nước Âu châu! Béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường và tim mạch. Một xu hướng và cũng là một nghịch lí đáng quan tâm là ở các nước Âu Mĩ, bệnh đái tháo đường thấy ở những người lao động có thu nhập thấp, thì ở nước ta bệnh này tập trung ở những người giàu có hay với thu nhập cao. Xu hướng “Tây hóa” (như ăn uống với nhiều chất đạm động vật) có thể là một yếu tố đóng góp vào tình trạng đáng ngại này. Đã đến lúc chúng ta quay về với chế độ ăn uống truyền thống (với gạo, rau quả) hơn là nhiều chất đạm động vật.


NVT

Như thế là bán nước

Từ lâu chúng ta vẫn nghe đài báo tuyên truyền của nhà nước Việt Nam lên án những người hoạt động đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền là những kẻ bán nước, tay sai cho ngoại bang để ngửa tay nhận đồng tiền từ các thế lực thù địch bên ngoài.

Cụm từ '' bán nước '' được sử dụng nhiều trong ngôn ngữ dân gian, bằng một cách nào đó cụm từ này ăn sâu vào đầu những người dân thành ý thức, thói quen. Đến nỗi khi có vụ án chính trị nào họ đọc được hay nghe được từ đài báo nhà nước lên án, là họ buông ngay câu kết luận

- bọn bán nước.


Chưa có một nhà nghiên cứu nào tìm hiểu một cách khoa học về vấn đề này. Ví dụ như hành động bán nước diễn ra thế nào, như thế nào là bán, bán cái gì, bán ai mua, bán để làm gì, được bao nhiêu....Chỉ có những tờ báo của Đ và NN khẳng định khái niệm bán nước này một cách rất chủ quan là qua hành vi rất sơ sài của đối tượng có nhận tiền bên ngoài,có hành động đả phá, chỉ trích, gây rối... thế là cấu thành hành vi bán nước.

Giờ chúng ta thử xác định nghĩa bán theo cách thông thường.

Bán, tức là hành động xảy ra khi có một vật cần trao đổi với người khác để đổi lấy thứ khác. Vật này có thể hữu hình hoặc có thể vô hình ( như văn hóa, tư tưởng , nghệ thuật )

Vật bán ở đây là nước, hiểu nôm na là quốc gia. Trong quốc gia bao gồm nhiều thứ tạo nên như con người ( bao gồm sức người, con người, tư tưởng, văn hóa, lịch sử ...)  hay tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ....

Nếu xác định như vậy thì bất kỳ chính phủ nào cũng có hành động bán nước, thông qua những hiệp định lý kết trao đổi về khai tháng khoảng sản, trao đổi văn hóa, cung cấp nguồn lao động. Ở trường hợp này không thể gọi là bán nước nếu như sự trao đổi, mua bán này mang lại lợi ích hài hòa cho cả hai bên. Nó đơn giản chỉ là hợp đồng kinh tế đôi bên cần đến nhau, anh có cái A thừa mà cần cái B, tôi có cái B thừa mà lại cần cái A. Sự trao đổi, mua bán này ....

Nhưng vì lợi ích cá nhân, anh mua cái A mà đất nước không cần , trả bằng cái C mà đất nước rất thiếu ( C ở đây chẳng hạn là ngoại tệ  lấy từ ngân khố, ngân sách quốc gia, tiền thuế, tiền bán tài nguyên, bán ....) để trục lợi cho mình. Hoặc trao đổi bằng những hiệp định gây thiệt hại cho đất nước nhiều hơn, đối tác anh ký được hưởng lợi nhiều hơn, nhưng anh được hưởng ân huệ nào đó từ đối tác để đảm bảo về quyền lực, vị trí...

Những hành động đó rõ ràng là bán nước.

Tuy nhiên có nhiều cách bán nước ở cấp độ khác nhỏ hơn ở trong giới kinh doanh, ví dụ như vì lợi ích mua đồ độc hại, kém chất lượng về bán cho người dân trong nước. Bắt tay với tư thương nước ngoài khống chế thị trường mua ép giá vật nuôi trồng của người nông dân...

Ở đây tạm bàn đến hai loại người có khả năng bán nước mà dư luận hay nhắc đến nhất. Loại thứ nhất là thành phần '' phản động '' cung cấp tin tức công khai rộng rãi về tình trạng đất nước,để '' bên ngoài '' có thông tin chèn ép những nhà chính trị khi ký kết hợp đồng kinh tế, ngoại giao, chính trị. Chẳng hạn như tin về ngược đãi công nhân, bảo hộ lao động, môi trường lao động kém, tình trạng nhân quyền bị chà đạp...những tin tức như vậy  được loại  '' phản động ''  này đưa phổ biến công khai trên các trang mạng ngoài luồng. Gây bất lợi về hình ảnh Việt Nam trước con mắt quốc tế, làm những nhà chính khách của VN phải gặp khó khăn khi trả lời, giải thích. Nhà Nước Việt Nam coi những kẻ như vậy là '' bán nước '' và thực hiện những cuộc tuyên truyền sâu rộng để nhân dân lên án chúng, đồng thời ráo riết truy bắt xét xử tù giam nghiêm khắc với những thành phần này.

Đặc điểm chung của loại bán nước thứ nhất này là không nằm trong bộ máy chính quyền, hình thức '' bán nước '' không gây hại trực tiếp đến đất nước mà gián tiếp. Vì tác động của thông tin chúng cung cấp có đến được người dùng hay không, người dùng có sử dụng để trục lợi với VN hay không .? Là những điều chúng không thể xác định được. Bởi thế kết quả mục đích đạt được của chúng là khá mơ hồ, nằm ngoài hy vọng của chúng khi thực hiện hành vi '' bán nước ''.  Người thụ hưởng thông tin mà chúng cung cấp để làm việc với chính phủ VN lại không phải là người trả tiền cho chúng. Mà do đa số những Việt Kiều hải ngoại muốn thế giới thấy rõ đời sống, quyền con người ở Việt Nam đang ở mức độ nào, những Việt Kiều này đã hỗ trợ tiền bạc cho chúng, vì tính chất vòng vo giữa lợi ích trực tiếp như vậy, nên tiền chúng nhận được không nhiều, thườn chỉ vài trăm usd một tháng.

Từ đặc điểm người bán, người dùng, người trả tiền, vật bán như trên. Chúng ta thấy khái niệm '' bán nước '' quy chụp cho bọn này là khá mơ hồ, thiếu chứng cứ thuyết phục về mặt thực tiễn.

Loại thứ hai là loai nằm trong bộ máy nhà nước, có quyền, có tư cách đại diện trong lãnh vực chúng công tác. Ví dụ chúng được bổ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên, khoáng sản, chủ quyền lãnh thổ, quản lý văn hóa, tư tưởng.

Chúng ta lấy trường hợp của Dương Trí Dũng giám đốc Vinalines đã dùng 9 triệu usd để mua một ụ nổi của '' bên ngoài '' mà giá trị thực chỉ được 5 triệu usd là quá mong đợi với kẻ bán.

9 triệu usd này là tiền của đất nước, của nhân dân, tiền bán tài nguyên, tiền thu thế nông lâm sản, tiền máu thịt và mồ hồi của người lao động Việt Nam, tiền từ những cánh rừng bị đốn, tiền từ khoáng sản dưới đất bị moi lên, từ những cánh đồng bờ xôi ruộng mật gắn bó bao đời với người nông dân bỗng chốc bị san phẳng làm khu ăn chơi , giải trí của các nhà đầu tư nước ngoài.

 Quan chức nhà nước, Đảng viên ĐCS VN Dương Chí Dũng trên vị trí đảm nhiệm đã dùng số tiền này để đổi lấy một thứ giá trị thực thấp hơn đến 4 triệu usd, với mục đích hưởng chênh lệch từ số 4 triệu usd này , mua nhà cao cấp cho vợ bé, con riêng.

Hành động thông qua một thương vụ mua bán với nước ngoài, để mua một thứ vô dụng ( ụ nổi nay đã thành đống sắt han rỉ ), bằng đồng tiền từ nguồn lực đất nước nói trên,  khiến '' bên ngoài '' cũng có lợi và cá nhân mình cũng có lợi. Ngoài nghĩa tham ô thông thường mà chúng ta hay gọi ra, hành động ấy phải được gọi đích danh là hành động bán nước.

Hành vi của Dương Chí Dũng như thế là bán nước.

Có bao nhiêu kẻ bán nước  như Dương Chí Dũng chưa tìm ra.?

Đất nước nghèo đi, nợ nần nhiều hơn, tài nguyên cạn kiệt hơn. Chứng tỏ những kẻ bán nước như Dương Chí Dũng không phải là ít. Và đương nhiên số tiền mà những kẻ như Dũng thu về từ những hợp đồng bán nước như thế không chỉ là 4 triệu USD mà thôi.

Dư luận cứ mải mê vào những kẻ  '' bán nước '' loại một nhận về vài trăm usd  để đay nghiến hành vi '' bán nước'' của chúng, cho dù thiệt hại về việc '' bán nước '' của chúng chưa ai đong đếm được.

Nhưng nhiều triệu usd của loại bán nước thứ hai như Dương Chí Dũng thu về, dường như chỉ được gọi là tham ô. Đến lúc này đáng ra người dân gọi tên rõ rằng, hành động của Dương Chí Dũng

Như thế là bán nước.
Nguồn: Người Buôn gió

Tột cùng hỗn láo với dân tộc Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngay khi cả nước còn đang chìm trong tang thương của ngày Quốc tang thứ 2, ngay khi chiếc xe cuối cùng rước linh cữu Đại tướng vừa khuất bóng khỏi nội thành Thủ đô, loa phường tại nhiều địa bàn trọng điểm Hà Nội đã ra rả yêu cầu các hộ gia đình khẩn trương hạ cờ rủ. Các công sở nhanh chóng đồng loạt trút bỏ quốc kỳ băng đen khi linh cữu Đại tướng chưa ra khỏi địa bàn Thủ đô. Công an và cán bộ cơ sở đi từng nhà yêu cầu mọi người dân triệt để chấp hành lệnh của UBND Thành phố. Nhân dân vô cùng ngỡ ngàng tưởng đã có một cuộc lật đổ chính quyền vừa xảy ra tại Thủ đô. Nhiều cụ già, nhiều cựu chiến binh cự lại thì bị đe dọa cưỡng chế. “Chúng ta đang để tang cụ Đại tướng theo nghi thức Quốc tang cơ mà. Phải để chúng tôi khóc Đại tướng tới lúc an táng Người xong cho trọn đạo. Các anh còn có lương tâm con người hay không?”
Cách đó hơn nửa giờ, ông Phạm Quang Nghị (Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy) còn rập đầu trước anh linh của Đại tướng thề bồi này kia. Ngay khi quan chức và Công an Hà Nội đang dọa cưỡng chế nhân dân bắt hạ cờ rủ không cho để tang Đại tướng tới lúc an táng xong cho Người thì ông quan đầu tỉnh Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vẫn đang vác bộ mặt vờ vĩnh, tháp tùng linh cữu Đại tướng ra sân bay và theo vào tận nơi an táng Đại tướng tại Quảng Bình.
Dưới đây là lý do để chính quyền Hà Nội cùng Bộ Ngoại giao bắt các cơ quan phải bỏ tang sớm đồng thời dọa cưỡng chế nhân dân không cho để tang Đại tướng tới lúc an táng xong cho Người. Việc bắt công sở và nhân dân hạ cờ rủ được thực hiện ráo riết ngay tại Thủ đô Hà Nội khi linh cữu Đại tướng chưa ra tới sân bay Nội Bài, VTV1 vẫn đang truyền hình trực tiếp lễ Quốc tang Người và hàng chục triệu nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài vẫn đang khóc Đại tướng.
.
Cong van
.
Trong lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, chưa có một Quốc tang nào bị “xén” kiểu như vậy. Hành động vô lương tâm này của Bộ Ngoại giao và Thành phố Hà Nội, sự đớn hèn của Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (chỉ biết cúi đầu vâng theo chỉ bảo của Bắc Kinh) không còn là sự hỗn láo đơn thuần, mà nguy hiểm hơn, là sự thách thức nghiêm trọng ý chí độc lập, lòng tự trọng của dân tộc và nhân dân Việt Nam, thách thức chủ quyền của  Tổ quốc Việt Nam trong giờ phút đau thương, ngặt nghèo nhất.
Cầu Nhật Tân

Việt Nam sẽ đi về đâu với kinh tế trọng thương, tư bản nhà nước và xã hội thị trường

Đỗ Kim Thêm *

Việt Nam sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi chung của những người ưu tư thời cuộc khi đất nước đang đối diện với đủ loại thách thức nghiêm trọng và những thành tựu đầy ấn tượng của Đổi Mới không còn nữa. Kinh tế trọng thương, tư bản thân tộc và xã hội thị trường là ba đặc thù quen thuộc trong định hướng XHCN làm cho con đường đưa tới thịnh vượng thêm xa, nhưng sẽ tác động đến nhiều chuyển biến mới lạ khó lường cho tương lai bất hạnh của đất nước.
Kinh Tế Trọng Thương
“Phi thương bất phú” là một câu nói của người Á Đông mà không hề gây tranh cải. Trong kinh tế học của phương Tây cũng có lý thuyết Trọng Thương của Thomas Mun với lập luận tương tự: „thương mại đem lại thịnh vượng cho đất nước“. Cụ thể là chính quyền phải đẩy mạnh xuất khẩu để thu nhập vàng bạc càng nhiều càng tốt và không coi trọng việc nhập khẩu thương phẩm phục vụ giới tiêu thụ.
Ngược lại, Adam Smith cho rằng không nên lầm lẫn giữa thịnh vượng và tích lũy của cải, vì thịnh vượng còn cần đến nhà cửa, đất đai và hàng tiêu thụ đủ loại cho mọi người. Tích lũy qúy kim cho nhà nước và không nhập khẩu hàng không thể sản xuất được để thoả mãn nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ gây bất ổn xã hội.
Ngày nay, chính quyền các nước dân chủ thực tế hơn, cho dù phải bội chi ngân sách và có hậu quả bất lợi kinh tế trong tương lai khi nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhưng cũng là chuyện phải làm vì giới tiêu thụ là người đầu phiếu, nhất là khi muà tranh cử gần kề. Do đó, quan điểm Trọng Thương không còn thuyết phục.
Khác với Trọng Thương là lý thuyết Tự Do kinh tế, mà lập luận chính là thị trường cần có tự do vận hành, nhất là tôn trọng vai trò sáng tạo của doanh giới và quyết định của giới tiêu thụ. Doanh nhân có khả năng huy động tiết kiệm để đầu tư vào thị trường mới và giới tiêu thụ sẽ định đoạt số phận doanh nghiệp. Cả hai làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, vì không ai khác có thể đem lại một không khí năng động cho thị trường và tạo niềm tin thúc đẩy tăng trưởng. Suy luận này xem vai trò điều tiết của chính quyền là một điều xấu xa cần thiết phải có và cần phân biệt với lĩnh vực tư nhân. Chính quyền lo trị an, quốc phòng và đối ngoại trong khi doanh giới đem lại giàu mạnh cho đất nước. Nếu hai cơ chế này hợp tác tốt đẹp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội thì một tình trạng lý tưởng sẽ đạt được.
Sự dị biệt giữa hai chính sách này là Trọng Thương xem xuất khẩu là quan trọng, vì trực tiếp đưa đến toàn dụng nhân công và gián tiếp đẩy mạnh tiêu thụ, trong khi Tự Do kinh tế xem thoả mãn nhu cầu tiêu thụ nội địa và ưu đãi các biện pháp nhập khẩu là cần thiết. Đó là chuyện lý thuyết.
Thực tế thì Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, một mô hình không có trong sách vở mà học giới đến nay cũng chưa thuyết phục được khái niệm này. Đó là một phương cách thực tiễn làm cho đất nước ra khỏi nghèo đói và tụt hậu do đẩy mạnh công nghiệp gia công chế biến và xuất khẩu khi thế giới đang chuyển mình trong cơn lốc toàn cầu hoá. Cơ chế độc đảng có nhiều thuận lợi, vì có ổn định chính trị và quyết tâm cao; các biện pháp kinh tế (kể cả sai lầm) không gặp chống đối. Biện pháp mạnh nên gây thu hút đầu tư quốc tế, vì doanh giới được hổ trợ về luật lệ và thuế khoá. Việt Kiều cũng có lý do đóng góp dù là muốn trực tiếp giúp gia đình hơn.  
Thành tích Đổi Mới không thể che dấu thực tại bất công là công nhân và nông nhân, hai thành phần đóng góp trực tiếp, phải chịu cảnh ngày càng nghèo hơn, trong khi doanh nghiệp quốc doanh ngày càng giàu hơn nhờ cơ chế cho phép chiếm lĩnh thị trường không cạnh tranh và tận hưởng mọi ưu đãi thuế khoá. Hiện nay, kinh tế phương Tây chưa ra khỏi suy trầm và phẩm chất hàng hoá Việt xuống thấp nên mở rộng thị trường ngoại thương trong tương lai càng khó khăn hơn.
Dù không minh danh và cổ súy, nhưng Việt Nam đã áp dụng chính sách Trọng Thương trá hình với đặc thù của XHCN. Việt Nam đạt nhiều thành tích xuất khẩu, nhưng không tích luỹ ngoại tệ cho công qũy như thuyết Trọng Thương đề ra, mà ngược lại, doanh thu chia nhau cho thân tộc của lãnh đạo, một đặc thù của tư bản nhà nước.
Sau ngày gia nhập WTO, Việt Nam ý thức việc cắt gảm các biện pháp tài trợ, nhưng WTO cũng không đủ biện pháp kiểm soát các chính sách vĩ mô của Việt Nam, vì doanh nghiệp quốc doanh, dù không hiệu năng, vẫn tiếp tục đứng vai trò anh cả đỏ của chế độ.
Ai thắng và ai thua khi chính sách này tiếp tục? Vì cơ chế không thể cải cách triệt để nên nông nhân và công nhân sẽ mãi là nạn nhân và giới tiêu thụ ngoại quốc, doanh giới quốc tế và thân tộc chế độ tiếp tục thắng, mức độ có thể giảm đi, nhưng thiệt hại kinh tế trong trường kỳ như thế nào sẽ không thể lý giải cụ thể.
Để thế giới tiếp tục hưởng lợi do sản phẩm rẻ trong khi thị trường tiêu thụ nội địa bỏ ngỏ cho người lạ thao túng là một nghịch lý. Đóng góp của tư doanh cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô là tiềm năng quan trọng, nhưng không được quan tâm. Mất chủ quyển kiểm soát thị trường nhân dụng và tiếp tục xuất khẩu lao động là hiện tượng không bình thường trong kế hoạch phân công lao động nội điạ. Không nâng cao giáo dục, mà lại kỳ vọng kinh tế chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp có giá trị cao, là nuôi dưỡng một hão huyền khác.
Nền kinh tế với những bất công và nghịch lý không thể có bước đột phá cứu nguy và chưa tạo điều kiện thịnh vượng cho toàn dân vì còn trong cảnh „Trọng Thương bất phú“.     
Tư Bản Nhà Nước
Nguyên ủy của thực trạng „Trọng Thương bất phú“ là do sự vận hành của tư bản nhà nước hay tư bản thân tộc, một thể chế mà sách vở phương Tây đã có bàn đến các đặc điểm khi thảo luận về sự đa dạng của các mô hình kinh tế tư bản.
Chủ nghiã tư bản Anh Mỹ cho phép thị trường hoàn toàn tự do, tôn trọng tuyệt đối quyết định của doanh giới và giới tiêu thụ và can thiệp của chính quyền là tối thiểu. Chủ nghiã tư bản châu Âu đặt nặng sự can thiệp trong các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ công nhân và nông dân. Chủ nghĩa tư bản châu Á (Nhật và Đại Hàn) hướng về sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền, doanh giới và ngân hàng cho nhu cầu phát triển thị trường ngoại thương hơn là nội địa.
Thực ra, không mô hình nào là tối ưu, và những dị biệt về truyền thống văn hoá, lịch sử  luật pháp và chính trị là trở ngại chính cho việc áp dụng mô hình mới. Do đó, không có một giải pháp lý tưởng cho các vấn đề kinh tế tư bản ngày càng phức tạp hơn, mà kiểm soát giao lưu tư bản tài chính quốc tế là thí dụ.
Tư bản nhà nước là một suy luận về mô hình tăng trưởng của Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và các nước toàn trị khác. Tiến trình công nghiệp hoá không cần huy động tiết kiệm nội điạ để tư nhân đầu tư, phát triển thị trường là do nhà nước và những định chế quốc tế tài trợ. Du nhập kỹ thuật cho doanh nghiệp quốc doanh cất cánh là một vấn đề đầu tư và tài trợ phân bổ theo kế hoạch không cạnh tranh.
Suy luận chung cho rằng tư bản nhà nước phát sinh trong thời hiện đại sau khi các hình thức chủ nghĩa tư bản đã ra đời. Đây là một sai lầm. Sách vở văn minh tiền sử Hy Lạp chứng minh ngược lại: tư bản nhà nước là một hiện tượng chính trị có từ thời văn minh đồ Đồng.
Khi thị trường chưa thành hình và tiền tệ chưa là phương tiện trao đổi thì các nhà nước thành phố quanh vùng biển Địa Trung như Knossos, Myceane và Polos đã biết sử dụng quyền lực tư bản nhà nước để điều khiển bộ máy công quyền thô sơ bằng cách đánh thuế nông phẩm, kiểm soát sản xuất và mậu dịch. Mọi trao đổi hàng hoá, nhập và xuất cho nền kinh tế nguyên thủy đều qua biện pháp của nhà nước, một hình thức kinh tế quốc doanh và tư bản nhà nước.
Một thí dụ tương tự khác là trong thời kỳ xây dựng Đế Quốc Andean trước khi bị người Tây Ban Nha chinh phục. Chính quyền Incas kiểm soát triệt để hệ thống kinh tế bằng cách xây dựng đường xá, tạo hệ thống thông tin và bưu điện cho cả nước, một hình thức kiểm soát tài nguyên và lao động buổi sơ khai.   
Lý giải theo khảo hướng lịch sử, dù cổ thời hay hiện đại, cho thấy có một đặc điểm chung của tư bản nhà nước là lo thu tóm và cũng cố quyền lực chính trị, kể cả phí phạm tài nguyên và hiệu năng kinh tế. Nhà nước, dù sơ khai hay trưởng thành, xem chuyện an ninh xã hội là tiên quyết và hiệu năng kinh tế là thứ yếu, nếu có, thì cũng dùng bạo quyền để kiểm soát các tiềm năng tăng trưởng. Do đó, phát triển dân chủ và tôn trọng pháp quyền không có cơ hội. Sự vận hành không dựa theo tiêu chuẩn khách quan mà „Một người làm quan cả họ được nhờ”, một lập luận quen thuộc của người Việt là thí dụ và phân phối theo kiểu „hết trong nhà mới ra ngoài đường“ thuyết phục nhiều hơn. Tư bản thân tộc thành hình và taọ một sân chơi kinh tế thu hẹp tối thiểu. 
Kinh tế thị trường, ngược lại, một sân chơi mở rộng, không thể định hình và định hướng, dù vô hình và diễn biến theo tình cờ, nhưng cho phép tạo khích lệ khách quan cho doanh giới mạo hiểm hơn trong cạnh tranh và giới tiêu thụ có nhiều cơ hội hơn để quyết định tối ưu. Muốn vận hành có hiệu năng, kinh tế thị trường đòi hỏi khu vực tư nhân phải mạnh để có đủ khả năng đối trọng với quyền lực chính trị. Mạnh có nghiã là thế lực tài chính, ưu thế kỹ thuật và bình đẳng pháp luật với nhà nước. Vai trò chính của nhà nước là tôn trọng dân chủ và uy lực pháp quyền, nhưng nhà nước toàn trị không có tinh thần này và luôn tỏ ra đề kháng sự du nhập. Nếu tư nhân và chính quyền đều phải tôn trọng pháp luật theo tiêu chuẩn bình đẳng và khách quan, thì qua thời gian tiến bộ này đem lại chuyển biến thuận lợi cho xã hội, từ tổ chức sơ khai sang giai đoạn trưởng thành. Nhờ thế mà nhà nước, xã hội và thị trường trở thành ba tác nhân chính cho sự vận hành kinh tế.    
Các thành tựu của tư bản nhà nước gây nhiều ấn tượng lạc quan trong thời kỳ khởi đầu của toàn cầu hoá làm cho các nước dân chủ phương Tây mơ ước noi theo. Vì cơ chế dân chủ đại nghị, tôn trọng pháp quyền, áp lực truyền thông và công luận không cho phép các nước phương Tây đề ra những giải pháp táo bạo mà hiện nay đang cần giải cứu các vấn đề khẩn cấp như suy thoái và nợ công.  Nếu những biện pháp mạnh của tư bản nhà nước giải quyết đói nghèo, đem lại ít nhiều hiệu năng kinh tế trong ngắn hạn thì bất công xã hội, thiệt hại môi sinh và bất quân bình cơ cấu trong trường kỳ là hậu quả lan toả  trầm trọng hơn.
Chúng ta đang ở đâu? Thị trường đã hình thành nhưng cơ chế nhà nước còn sơ khai nên không theo kịp tốc độ phát triển năng động của thị trường. Thị trường càng sinh lợi nhiều thì thân tộc càng vây chặt để chia quyền lợi. Xung đột quyền lợi xãy ra nên có động loạn xã hội và giảm tăng trưởng là tất yếu. Chính quyền tập trung giải quyết trị an và lo sinh tồn cho chế độ hơn và không còn khả năng để xây dựng một nhà nước trưởng thành và trường cữu. Sự quân bình giữa tư nhân và chính quyền không đạt được vì cả hai chưa có tinh thần trọng pháp. Xã hội dân sự đang hình thành và chưa đủ lực kiểm soát các hoạt động của thị trường và nhà nước. Công luận và phản biện, một sức mạnh chính của xã hội dân sự, chưa thể theo dõi hoạt động công quyền và thị trường là vì chưa có tự do báo chí. Không gian ảo của thế giới mạng đang định hình và khởi đầu gây tác động chuyển biến. 
Chúng ta đi về đâu? Trước mắt, thân tộc còn đủ khả năng áp lực lãnh đạo và tư bản nhà nước vẫn chiếm ưu thế để không cải cách theo xu thế thời đại: kinh tế thị trường và dân chủ đại nghị của mô hình phương Tây. Phương Tây không khả năng giải quyết các thách thức mới như nợ công, suy thoái và bất công xã hội, nên chính quyền, ngoàl lý do chính trị, có thêm lý do để không cải cách theo khuôn mẩu này. Dân chúng không quan tâm chính trị, coi cải cách kinh tế và cơm áo gia đình là thực tế, và lo sợ phải đánh đổi một tương lai mờ mịt hơn.
Ngược lại, lãnh đạo tiếp tục bảo vệ chế độ bằng cách mang thành tích tăng trưởng trong thời kỳ trước suy thoái để lập luận và bảo chứng cho tương lai, nhưng không thuyết phục.
Một là nhà nước có thành tích kinh tế. Điều sai lầm. Tư bản nhà nước là một giải pháp kinh tế trong quá khứ chỉ cho thân tộc, không cho toàn dân, chủ yếu là giúp cho chính quyền cũng cố quyền lực. Tư bản nhà nước không nhất thiết sẽ là một sách lược duy nhất tốt đẹp cho tương lai, vì có nhiều mô hình tăng trưởng khác có thể kết hợp tối ưu trong một xã hội đang chuyển mình. Nhận thức tiềm năng tăng trưởng là một khởi điểm cho thay đổi tư duy mà vai trò tư doanh và Việt Kiều trong kinh tế thị trường và tinh thần phản biện trí thức của xã hội dân sự là sức mạnh cần phối hợp.
Hai là khó khăn hiện nay là do tình hình quốc tế mang lại. Đúng một nửa, vì cấu trúc kinh tế nội tại có vấn đề là chính. Tác hại của kinh tế quốc doanh, sai phạm ngân hàng, quốc nạn tham nhũng và vô pháp luật là nguyên nhân đưa tới tình trạng tư bản hoang dã. Tại các nước phương Tây, tiến trình công nghiệp hóa thành hình trước chủ nghiã tư bản ra đời. Ngược lại, tại Việt Nam tư bản nhà nước thành hình mà vẫn chưa có công nghiệp hoá toàn diện và chỉ có công nghiệp xuất khẩu. Tiếp tục nuôi dưõng doanh nghiệp quốc doanh không hiệu năng là một thất sách nghiêm trọng vì không thể tăng năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có một tiềm năng to lớn mà không thể phát huy vì thiếu chính sách cần thiết. Chuyển hướng huấn nghệ cho công nhân trẻ sang lĩnh vực công nghiệp thông tin là một mơ ước mà thành công Ấn Độ là một mô hình, nhưng không có điều kiện hổ trợ về chính sách cũng như quốc tế nên không thể thực thi. Không có thế lực thù địch hay tình hình quốc tế chịu trách nhiệm trước các thất sách này.   
Ba là cho rằng không tiếp tục bảo vệ chế độ là một biểu hiện suy thoái đạo đức. Khẳng định này chỉ có giá trị phổ quát trong một xã hội sơ khai, khi chưa phân biệt hai phạm vi đạo đức và chính trị. Hiện tại cơ chế công quyền các nước tiên tiến không còn dựa trên đạo đức cá nhân hay xã hội, mà chuẩn mực vận hành phải là tuân thủ uy lực pháp quyền. Nhà nước vi phạm nhân quyền đã không bị trừng phạt mà phải được bảo vệ vì là bổn phận đạo đức, một lập luận không thuyết phục.    
Tư bản nhà nước có một chính quyền ích kỷ để bảo vệ quyền lợi thân tộc, thờ ơ trước ý kiến của công luận và xem là thế lực thù địch và u tối vì đã không thể và sẽ không muốn tự khai sáng để tạo niềm tin cho dân chúng về cải cách chính trị và kinh tế. Dân chúng, dù là nạn nhân, vì muốn yên thân mà một xã hội dân sự chưa thành hình. Tất cả đưa đất nước tới một tình trạng xã hội thị trường.
Xã hội thị trường
Thị trường là nơi gặp gở giữa người mua và người bán để trao đổi qua trung gian tiền tệ. Tiền tệ là một phương tiện thanh toán khi thuận mua vừa bán về một mặt hàng. Do đó mà có kinh tế thị trường, một phương tiện hữu hiệu và cần thiết cho việc tổ chức các hoạt động sản xuất để thoả mãn tối đa nhu cầu cá nhân và xã hội.
Xã hội thị trường có phải là nơi thoả mãn mọi nhu cầu xã hội không? Không, mà đích thực là chúng ta dùng tiền cho những phạm vi không thuộc về thị trường và làm cho của uy lực đồng tiền chế ngự trong tất cả sinh hoạt xã hội. Hậu quả là mọi quan hệ không có đặc tính thị trường được định bằng một trị giá trao đổi. Đời sống gia đình, quan hệ thân thiết, bảo vệ sức khoẻ, cơ hội giáo dục, định mức tội phạm, xác định trình độ và tài nguyên đất nước là chuyện mua bán, mà tiền đâu là đầu tiên.
Chưa có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, mà chúng ta chỉ có kinh tế trọng thương trá hình XNCH. Thay vì dùng tiền để thanh toán cho các trao đổi trong thị trường, chúng ta đi xa hơn bằng cách dùng tiền để mua bán cho toàn bộ hoạt động xã hội. Do đó, xã hội thị trường thành hình và tác hại đến những giá trị cao cả khác là nhân phẩm, tự do và tình liên đới xã hội và độc lập dân tộc. Cuối cùng, tham nhũng lên ngôi thành quốc nạn và đạo đức suy vi tận đáy.
Chúng ta sẽ đi về đâu với xã hội thị trường? Nguy cơ nhất là bất công xã hội. Nhà giàu  phô trương thành đạt không gây ảnh hưởng nhiều mà nhà nghèo bị trầm trọng hơn, vì không đủ phương tiện, khi tất cả đều có một cái giá để phải trả, mà giaó dục và y tế là hai mặt hàng chủ yếu. Không đủ tiền cho giới trẻ đi học nên không có khích lệ và cơ hội thăng tiến xã hội. Không đủ tiền cho dịch vụ y tế thì phúc lợi chung cho toàn xã hội không còn, trong khi lực lượng lao động, muốn được khả dụng, cần có trình độ và có sức khoẻ, đó là hai điều kiện tiên quyết cho thịnh vượng. 
Phương Tây đang tranh luận vấn đề tìm một giới hạn đạo đức cho kinh tế thị trường, mà cụ thể là xác định những gì mà tiền không mua được giá trị, một phạm vi thuộc giá trị cá nhân và đạo đức xã hội, một chủ đề do Micheal Sandel cổ súy và dĩ nhiên không đáng cho người Việt đang vật lộn với cuộc sống quan tâm.
Giống như Armatya Sen, Michael Sandel đề cao sự phát triển thị trường trong tinh thần tự do. Mục tiêu theo đuổi trong nền kinh tế thị trường là vấn đề hiệu năng để thoả mãn nhu cầu từ đời sống hàng ngày cho đến sinh hoạt xã hội, nhưng không phục vụ cho lãnh đạo và thân tộc mà toàn dân. Tự do, nhân phẩm và hạnh phúc có thuộc về phạm vi thị trường không? Nếu có, là cứu cánh hay phương tiện? Đó là vấn đề. Khác với Sen, Sandel tìm hiểu có nên dùng tiền cho những phạm vi không thuộc về thị trường không. Những thí dụ của Sandel cho thấy vấn đề hiệu năng kinh tế, giá trị sử dụng, ảnh hưởng tiêu thụ, hạnh phúc đời sống cá nhân, gia đình và đạo đức xã hội liên hệ nhau.
Những thí dụ trọng sĩ diện hão của người Việt là quen thuộc và có thể bổ túc cho lập luận cùa Sandel. Cụ thể là chuyện phải dùng tiền để chạy chức mua quyền tìm hư danh xã hội, nhưng lại không đưọc ai tôn trọng; dùng tiền mua bằng cấp để tiến thân, nhưng không được ai xem là trí thức; mua nhà sang trọng nhưng không đem lại cảm tưởng an toàn; mua đồng hồ đắt tiền nhưng không mua được thời gian đã mất; nằm bịnh viện cao cấp nhưng không mua được sức khỏe suy sụp.  
Xã hội thị trường làm cho lãnh thổ, tài nguyên và nhân lực là một món hàng mua bán trong nền kinh tế trọng thương dành riêng cho tư bản thân tộc. Mọi vấn đề tự do, hạnh phúc và độc lập dân tộc không còn nằm trong xã hội dân sự.                             
Đã đến lúc xã hội dân sự trở thành là một trào lưu đóng góp cho sự thay đổi, mà bổn phận công dân trong đạo đức cá nhân để đem bình an xã hội và thịnh vượng đất nước là nội dung chính. Nhưng khẩn thiết nhất mà xã hội dân sự Việt Nam cần có là một Aung San Suu Kyi và một Tahrir Square.
 —