Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

9 giai đoạn mà mọi cặp đôi đều phải trải qua

Giai đoạn 1: Giai đoạn say mê.

Đây là giai đoạn đầu tiên trong mọi mối quan hệ. Nó luôn bắt đầu với một điểm thu hút mãnh liệt và một sự thôi thúc không thể kiểm soát được với nhau. Cả hai bạn có sự thu hút mãnh liệt với nhau về mặt thể xác lẫn tinh thần. Trong giai đoạn này, cả hai bạn có thể bỏ qua bất kỳ sai sót nào của nhau và chỉ tập trung vào những mặt tốt mà thôi.

Giai đoạn 2: Giai đoạn hiểu biết.

Trong giai đoạn này, cả hai bạn bắt đầu nhận biết lẫn nhau tốt hơn.  Hai bạn bắt đầu có những cuộc trò chuyện dài xuyên đêm, để nói về cảm xúc, lợi ích, quá khứ tương lai. Cả hai nói về gia đình, người yêu cũ, điểm thích và không thích của nhau và những bí mật “vô tội” khác. Cuộc sống giai đoạn này rất đẹp và lãng mạn vì bạn bắt đầu cảm thấy đã tìm được người chịu lắng nghe mình.

Giai đoạn 3: Giai đoạn rối loạn.

Giai đoạn này là giai đoạn bắt buộc cho một chuyện tình lãng mạn sau một vài tháng tán tỉnh hạnh phúc. Bạn có nhớ “trận đấu” đầu tiên hoặc lần bất đồng ý kiến và nổi giận của cả hai? Lần đầu tiên trong mối quan hệ, cả hai bạn đối đầu với nhau trong một cuộc xung đột, mặc dù sau đó mọi chuyệt được “thu xếp” một cách nhanh chóng.

Giai đoạn 4: Giai đoạn trưng cầu ý kiến

Trong giai đoạn này, cả hai bạn đưa ra ý kiến về nhau. Những tháng ngày trôi qua, cả hai bạn biết những gì mong đợi từ người kia, và bạn bắt đầu đặt ra những giả định cho cam kết của đối tác đối với mối quan hệ.

Nếu thực tế đi đúng hướng hoặc trái ngược lại với mong đợi của bạn, nó có thể khiến cho bạn ngây ngất hoặc trở nên chán nản.  Điều này giống như bạn được tặng hoa bất ngờ và vui sướng, hoặc bị “bỏ quên” ở sân bay và thất vọng tột cùng.

Giai đoạn 5: Giai đoạn hun đúc.

Bạn có kỳ vọng riêng của bạn về một đối tác lý tưởng. Và trong giai đoạn này, cả hai bạn cố gắng hết sức để “rập khuôn nhau” cho phù hợp với mong muốn lý tưởng của bản thân. Giai đoạn này là bài học lớn về cho và nhận, và cả hai nên cố gắng để thuyết phục  nhau để thay đổi cũng như duy trì mối quan hệ. Đây có thể xem  là một cuộc đấu tranh quyền lực, và một trong hai người có thể kết thúc mối quan hệ nếu cả hai quá “độc đoán”, không ai nhường ai.

Giai đoạn 6: Giai đoạn hạnh phúc.

Nếu mối quan hệ tồn tại qua giai đoạn hun đúc, cả hai bạn có thể đã thay đổi cũng như hiểu kỳ vọng của nhau, thì rõ ràng hai bạn đã sẵn sàng cho một mối quan hệ lâu dài hạnh phúc. Đây là giai đoạn mà mọi người thường chọn nó để kết hôn, khi đã đủ yêu thương và tin tưởng.

Giai đoạn 7: Giai đoạn của sự nghi ngờ.

Nó xuất hiệu sau vài năm của mối quan hệ, nó mang tên “sự nghi ngờ”. Bạn bắt đầu nghĩ về các mối quan hệ trong quá khứ, người yêu cũ và các đối tác tiềm năng khác. Bạn đặt hạnh phúc cuộc sống tỉ lệ với mối quan hệ. Nếu bạn không hài lòng, bạn sẽ đổ lỗi cho mối quan hệ.

Trong giai đoạn này, bạn bắt đầu so sánh mối quan hệ của bạn với các cặp vợ chồng khác và các mối quan hệ khác. Mối quan hệ của bạn sẽ tồn tại giai đoạn này? Nó chắc chắn có thể, miễn là mối quan hệ của bạn không đơn điệu và lặp đi lặp lại.

Giai đoạn 8: Giai đoạn thăm dò, tình dục dễ rơi vào ngõ cụt.

 Đây là giai đoạn khi đời sống tình dục của bạn bắt đầu đóng một vai trò then chốt. Trong giai đoạn này, bạn hoặc là từ bỏ đam mê về tình dục hoặc liên tục tìm cách để làm cho quan hệ tình dục thú vị hơn. Nếu mối quan tâm về tình dục bắt đầu khác nhau ở đây, một trong hai bạn có thể sẽ có một mối tình “ngoài luồng” . Nhưng mặt khác, nếu bạn tìm cách sáng tạo để làm cho đời sống tình dục thú vị hơn, mối quan hệ của bạn có thể tốt hơn và khiến cho cả hai bạn gần gũi hơn rất nhiều.

Giai đoạn 9: Giai đoạn hoàn toàn tin tưởng .

Đây là giai đoạn hạnh phúc khi cả hai bạn yêu nhau và tin tưởng lẫn nhau hoàn toàn . Nhưng đồng thời , không thể phá vỡ sự tin tưởng lẫn nhau. Trong giai đoạn này , cả hai bạn biết định hướng của mối quan hệ của mình hoàn toàn hài lòng về nhau .

Tuy nhiên, bạn phải cẩn thận, xúc cảm là điều khó tránh, nếu bạn không biết giữ lửa và ỷ lại, mối quan hệ sẽ nhanh chóng đi vào lối mòn.

Tất cả các mối quan hệ dù ở giai đoạn nào cũng cần có sự cố gắng và tin tưởng, hãy giữ cho tình yêu của mình luôn sống động và đừng lơ là “một giây mơ màng là đã mất nhau”. Hãy nhớ rằng, nếu tình yêu có không như mong đợi, đừng để mặt tối của nó ám ảnh bạn, nhất là khi bạn còn trẻ!

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Hãy ca ngợi mùa đông

Trần Hữu Dũng
Mỗi lần Tết đến chúng ta đều nao nức đón xuân.  Đó là một niềm vui không thể chối cãi, không nên từ khước, chỉ có thể được hoàn toàn đón nhận, với kỳ vọng sẽ luôn luôn hiện thực. Sang mùa hè, ta vui khỏe, rong chơi, sống lại những kỹ niệm yêu dấu thuở học trò.  Và không mùa nào đi vào văn chương nghệ thuật bằng mùa thu, cũng là mùa của tình yêu. Mùa xuân, mùa hè, và nhất là mùa thu, bao giờ cũng được mong chờ, ca tụng.

Còn mùa đông?
Trừ những người chơi các môn thể thao mùa đông (trượt tuyết, ngồi câu trên mặt hồ băng giá) ở miền ôn đới, dường như ít ai mong đợi mùa đông. Ngày thì ngắn, đêm thì dài, trời thì thường âm u, gió thì buốt, cây cối thì trơ trụi đìu hiu, và (đến tuổi nào đó), khớp xương thì bắt đầu đau nhức.  Mùa đông là mùa của trầm cảm.  Quả vậy, tử suất vào mùa đông (nhất là tự tử!) là cao nhất trong bốn mùa.  Đa số chúng ta nhìn mùa đông với ác cảm, thậm chí sợ hãi, chỉ mong nó chóng qua, bởi vì mùa xuân (ồ, mùa xuân!) mới là đáng mong chờ!
Có phải như thế là oan cho mùa đông lắm không? Hay chính chúng ta không thấy giá trị của mùa này, cái đẹp (tạm gọi là như thế), và sự cần thiết của nó?

Mùa của hồi tưởng và chuẩn bị
Chúng ta cần mùa đông để hồi tưởng.  Nếu mùa xuân là mùa của tuổi thơ, mùa hè là của những chàng trai vạm vỡ và mùa thu là của các cô gái rụt rè thì mùa đông là của những người chín chắn, trưởng thành (da không còn căng, nhưng chưa nhăn hẳn). Nó không pbải là mùa của mơ mộng u hoài (như mùa thu), cũng không phải vui chơi, hưởng thụ như mùa xuân. Mùa đông là mùa của trầm mặc, của kiểm điểm.  Đó là mùa để đọc, để viết, để chiêm nghiệm.
Trong một cuốn sách gần dây, Douwe Draaisma (giáo sư sử học người Hà Lan) đã ca tụng tuổi già.  Càng già thì càng hay quên những gì vừa mới xảy ra, nhưng lại càng nhớ nhiều hơn về những ngày xưa xa xăm, rất cũ.  Điều ấy làm ấm lòng người. Vào mùa đông cũng vậy, chúng ta ít nhớ đến mùa thu vừa tàn mà lại nhớ đến nhiều hơn mùa xuân, mùa hè đã xa hơn trong quá khứ.
Không ít người sẽ cho rằng mùa thu mới là mùa của hồi tưởng.  Đúng một phần. Khi lá vàng rơi rụng thì có ai không nhớ những ngày xuân, ngày hè?  Nhưng sự hồi tưởng vào mùa thu là một nhớ nhung của luyến tiếc, là cái vẫy tay cuối cùng với mộng mơ (bao giấc mơ vào mùa xuân đã hóa thành ảo vọng vào mùa thu?), một sự hồi tưởng ướm đầy ủy mị, u hoài. Sự hồi tưởng của mùa đông là khác. Đó là hồi tưởng khi những luyến tiếc đã phôi pha. Hồi tưởng vào mùa đông là hồi tưởng của sự trưởng thành, không phải để nhung nhớ vẩn vơ (mà người trưởng thành biết là vô ích) nhưng nhằm rút kinh nghiệm cho thời gian sắp đến. Một sự hồi tưởng thẳng thắn, nghiêm khắc và thực tế.

Phóng viên săn ảnh băng tuyết ở Mẫu Sơn – Ảnh: Nam Khánh
Mùa đông không chỉ là mùa của hồi tưởng, của cảm xúc. Là giao thời giữa mùa gặt và mùa trồng trọt mới, mùa đông còn là lúc chuẩn bị cho tương lai.  Vào mùa đông, chúng ta không thể lười biếng ngồi đợi xuân về.  Chúng ta phải quyết liệt tu thân, dưỡng tính, học hỏi, nghiên cứu.  Lửa hi vọng về một mùa xuân rực rỡ chỉ có thể được giữ gìn bằng những nổ lực suy nghĩ, hoạch định, tự trau giồi, trong những ngày giá buốt của mùa đông.

Mùa của hòa đồng và dân tộc
Điều ít người thấy ở mùa đông là nó phơi trần sự hòa đồng của tạo vật. Hãy nhìn kỹ: một cách nào đó, mùa đông là mùa của những “mẫu số chung”, nghĩa là của hòa đồng.  Sau khi những chiếc lá khác nhau của mọi loài thảo mộc đã rụng vào mùa thu, và trước khi những bông hoa khác nhau nở ra vào mùa xuân, đôm trái vào mùa hè, là những cành khô giống nhau của mùa đông. Đừng xem sự  khô cằn của cây cối mùa đông như biểu hiện cái tận cùng của tử vong, hãy nhận ở đó mầm chứa đa dạng của sự sống.
Một điều lạ nữa là chính trong sự tỉnh lặng mùa đông còn có một sự hòa đồng tuyệt đỉnh của âm thanh. Không một “nốt” nào là chung cho tất cả mọi bài nhạc như “nốt” lặng im (điều mà nhạc sĩ tài danh John Cage đã khai thác trong bản 4’33” nổi tiếng, một bản nhạc mà nhạc sĩ không làm gì cả, chỉ ngồi yên trong 4 phút 33 giây!).  Hãy lắng nghe sự im lặng ấy vào mùa đông. Hãy hòa đồng vào giấc ngủ chung của vạn vật.
Đôi khi, sự đồng cảm của mùa đông đến thật bất ngờ, trong một khoảnh khắc đã ngỡ là tịch liêu. Những ai đã sống ở những vùng có tuyết vào mùa đông thì mới thấy vạn vật đúng là như nhau vào mùa đông, vì cùng phủ chung một màu tuyết trắng!  Rồi, nếu ai đó có can đảm mặc áo ấm đi ra ngoài, ví dụ như vào một đêm trăng sáng… sẽ thấy cái tỉnh lặng hòa đồng của tạo vật.  Và khi nhìn lại những vết chân trên tuyết của mình, mới thấy chúng thực sự là của mình.  Nhưng nếu bổng nhiên có một dấu chân lạ gần đó thì lại thấy một sự thân thuộc.  Ai đây?  Một sự đồng cảm khó nói, tò mò, và thích thú… Những vết chân trên tuyết ấy, tưởng đâu là cô đơn, bổng gợi lên một sự mừng rỡ của hòa đồng, một cái bắt tay vô hình với một người mà mình không biết.
Mùa đông không phải chỉ cho cá nhân, nó còn cho cả một dân tộc. Nhưng mùa đông của một dân tộc không nhất thiết trùng hợp với mùa đông của khí hậu thiên nhiên.  Đó là giai đoạn trầm lắng sau mùa thu của cách mạng.  Mùa đông của dân tộc đòi hỏi thử thách và kiên trì, nhất là những thử thách do chia rẽ, do những bất công giàu nghèo (một sự chênh lệch không thể rõ ràng hơn qua cảnh tượng những người run rẩy trên đường phố, co ro trước những biệt thự huy hoàng, ấm áp, những buổi tiệc giáng sinh với tiếng nhạc bập bùng).  Song chính những cách biệt đó là chất men dấy lên lòng nhân ái, nghĩa đồng bào. Đó là bài học vô giá, thậm chí là sứ mệnh, vào mùa đông của dân tộc.
Tất nhiên, không có gì không đượm một chút buồn.  Mùa đông cũng thế, bởi vì đối với mỗi chúng ta, một mùa đông nào đó sẽ là mùa đông cuối cùng của đời mình.  Đó là định mệnh không ai có thể tránh.  Nhưng có một cách nhìn rất hay về cái chết, đó là “về với ông bà”.  Lối nhìn ấy nhắc ta rằng chết không chỉ là chia tay với những người còn sống, mà còn là sự gặp lại tổ tiên, thân nhân, bạn bè đã quá vãng.  Không ai biết cuộc “trùng phùng” ấy sẽ ra sao, nhưng dù đó không phải là gặp lại nhau với thân xác thì cũng là trong sự hòa quyện miên viễn của cát bụi, nếu không là của tâm linh.
Nhưng sự chết tất yếu của mỗi người lại là sự khác biệt giữa cá nhân và dân tộc. Dân tộc không bao giờ chết.  Sau cuộc đời của mỗi cá nhân sẽ là con, là cháu. Dân tộc là những thế hệ nối tiếp nhau, hoài hoài, vô tận. Như vậy, mùa đông nào của dân tộc cũng sẽ được tiếp theo bằng mùa xuân! Bởi thế mùa đông (như bất cứ mùa nào) của mỗi người, dù có thể là mùa cuối cùng của cá nhân người ấy, chỉ là một khúc đoạn trong dòng sông miên viễn của đất nước. Đối với dân tộc, sau mùa đôngbao giờ, bao giờ, cũng là mùa xuân.
Mùa xuân sẽ không đến nếu không có mùa đông
Dù không thể phủ nhận rằng ngày Tết, mùa xuân, là đáng mong chờ, vẫn cần hỏi lại: Có gì làm ta hưng phấn hơn những ngày cuối đông? Đó là những ngày mà cái áo mới đã may nhưng chưa mặc, cái bánh đã nấu nhưng chưa ăn, chén rượu đã rót nhưng chưa hớp, một chuyến du lịch mà hành trang đã sẵn nhưng chưa lên đường?
Chúng ta lao động, vui chơi, hưởng thụ vào những mùa khác, nhưng chúng ta cần mùa đông.  Mùa đông không phải chỉ là khoảng thời gian cắn răng chịu đựng chờ xuân đến.  Ta hãy sống, sống mãnh liệt, từng ngày của mùa đông như vào những ngày mùa xuân, mùa hè, mùa thu.  Chúng ta có thể dừng lại, nghỉ ngơi trong giây phút nếu thấy cần, nhưng rèn luyện thì luôn luôn phải.
Tôi vẫn háo hức với mùa xuân, rạo rực với mùa hè, rung cảm với mùa thu.  Nhưng mùa đông đối với tôi là một sự thử thách, đó là mùa của chiêm nghiệm, của hoài cỗ, của trưởng thành.  Mùa đông không khác gì một cuộc tình chung thủy, đã qua nhiều thử thách, vui buồn, thân thuộc và khoan dung, êm đềm và không đòi hỏi.
Và đối với dân tộc thì mùa xuân sẽ luôn luôn đến, dù chúng ta còn đang giữa những đêm dài của mùa đông.
Nguồn:  Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Số Xuân Giáp Ngọ 2014

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

LOẠN XỚI!

Có một con bò và một con heo đang cãi nhau.

Con bò: - Mày ngu như bò, tao dạy thế mà không chịu tiếp thu!

Con heo cãi: - Mày đồ con heo! Đã heo mà còn dạy tao!

Con chó đang ngủ gần đấy nhỏm dậy: - Im mồm cho tao ngủ đi cả 2 con chó!

Con gà đứng ở xa lẩm bẩm: - Đ.m. Toàn lũ chửi nhau gà vãi l. :)))

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Nguồn gốc của Giáng sinh, Cây thông và ông già No-en

Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Chúa Jesus. Tuy lễ Giáng Sinh là ngày lễ của những người theo đạo Thiên Chúa, nhưng cứ đến ngày lễ này thì mọi người, bất cứ theo đạo nào, cũng được hưởng niềm vui tự nhiên do không khí Giáng Sinh mang lại.
Không phải chỉ những người tin theo đạo Thiên Chúa mới đi lễ nhà thờ, chăng đèn kết hoa trước nhà, và trưng bày cây Nô-En (Noel) trong phòng khách mà mọi người dù theo bất cứ đạo nào cũng tổ chức ăn mừng lễ Giáng Sinh. Người người đều vui, cảm thông, và hưởng trọn niềm ấm cúng thanh bình cùng yêu thương trong mùa Giáng Sinh đầy hy vọng vì Mùa Giáng Sinh đã tạo cơ hội giúp mọi người bỏ hết những hận thù và ích kỷ nhỏ nhen nếu có mà họ không thể thực hiện trước đó được.
Có rất nhiều người cảm thông ý nghĩa của mùa Giáng Sinh một cách tự nhiên mà không thắc mắc hay băn khoăn gì. Nhưng nếu tìm hiểu thêm ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, Cây Nô-En, và Ông Già Nô-En, chúng ta sẽ thấy thú vị vô cùng.
I. Lễ Giáng Sinh
Tiếng Anh gọi Lễ Giáng Sinh là Christmas, tiếng Anh cổ thời xưa gọi Lễ Giáng Sinh là Cristes Maesse. Từ Cristes Maesse có nghĩa ngày lễ của Chúa (Christ’s Mass). Ngày Lễ Giáng Sinh được tổ chức vào 25 Tháng 12 dương lịch để kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus Christ và được coi là ngày nghỉ lễ chính thức của các nước có người theo đạo Thiên Chúa.
Câu truyện về ngày sinh của Chúa Jesus có tên bằng tiếng Anh là Nativity. Chúa Jesus do Đức Mẹ Đồng Trinh tự nhiên mang thai mà sinh ra. Sự thụ thai này do quyền lực thần diệu của Thượng Đế tạo ra trong khi bà Mary còn đồng trinh. Chúa Jesus được sinh ra trong một chuồng ngựa (stable) tại Bethlehem và được đặt trong máng cỏ (manger) vì lúc đó trong nhà trọ (inn) không còn một phòng trống nào. Sau đó, Chúa Jesus được Đức Mẹ Mary và chồng của bà là Joseph nuôi nấng tại Nazareth, một thành phố ở phía bắc Israel. Khi được 12 tuổi, Chúa Jesus đến giáo đường ở Jerusalem và đã làm kinh ngạc các giáo sư về môn Mosaic Law với sự hiểu biết của ngài.

Khi lớn lên, Chúa Jesus chọn được 12 người Tông Đồ cùng ngài đi khắp nơi ở Palestine để giảng đạo, chữa bệnh, và thực hiện các phép lạ. Một trong những phép lạ đó là phép “Loaves and Fishes” (những ổ bánh mì và những con cá). Chuyện phép lạ này được người ta truyền lại là khi Chúa Jesus thuyết giảng ở một đám đông trong lúc họ rất đói, người ta chỉ tìm thấy 5 ổ bánh mì và 2 con cá. Thế mà nhờ Chúa Jesus làm phép trên 5 ổ bánh mì và 2 con cá này rồi ra lệnh cho các đệ tử của ngài phân phát đồ ăn cho tất cả mọi người. Sau khi mọi người được phát đầy đủ đồ ăn và ăn một cách no nê, người ta thấy 12 chậu đồ ăn vẫn còn đầy.

Nhờ việc đi rao giảng lời của Thượng Đế, ngài đã có rất nhiều tín đồ và đồng thời cũng có nhiều kẻ thù. Cuối cùng, Chúa Jesus bị tên Judas Iscariot phản bội, bị Pontius Pilate - người lãnh đạo dân Do Thái lúc bấy giờ kết án, và bị chính quyền La Mã đóng đinh trên thập tự giá. Những người Thiên Chúa giáo tin là ngài đã cải tử hoàn sinh và sự phục sinh này đã cứu vớt được bao linh hồn.

Theo những tài liệu liên quan tới ngày sinh nhật của Chúa Jesus, người ta thấy Chúa Jesus không phải sinh vào ngày 25 tháng 12 mà có thể vào tháng 4 hay tháng 5 và có lẽ trước đó 3 năm, tức là cách đây (2007) là 2010 năm. Tây lịch được tính theo năm đầu tiên sau khi Chúa sinh ra đời. Theo niên giám La Mã, Lễ Giáng Sinh đầu tiên được tổ chức ở La Mã vào năm 336 Tây Lịch Kỷ Nguyên. Tuy nhiên, ở miền đông đế quốc La Mã, một buổi lễ được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng để kỷ niệm chung cho ngày sinh nhật và ngày rửa tội của Chúa Jesus. Cũng vào ngày 6 tháng giêng này ở Jerusalem thuộc Do Thái (Israel) người ta chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của Chúa mà thôi.

Mãi vào thế kỷ thứ IV, hầu hết các nhà thờ ở miền đông đế quốc La Mã mới chấp nhận tổ chức sinh nhật Chúa Jesus Christ vào ngày 25 tháng 12. Trong lúc ấy ở Jerusalem, người ta vẫn chống đối việc tổ chức Lễ Giáng Sinh. Nhưng về sau này, Lễ Giáng Sinh lại được chấp nhận ở Jerusalem. Các nhà thờ ở nước Armenia, một nước ở Tây Á, đã không chấp nhận Lễ Giáng Sinh. Họ tổ chức ngày sinh nhật của Chúa vào 6 tháng giêng. Sau khi Lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, được thiết lập ở miền đông đế quốc La Mã, ngày kỷ niệm lễ rửa tội của Chúa được tổ chức vào 6 tháng giêng, ngày mà ba vị thông thái (Magus) từ miền đông đế quốc La Mã đến Bethlehem để chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng.

Những tục-lệ cổ-truyền về Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ sự trùng hợp ngày sinh của Chúa với những ngày lễ kỷ-niệm về nông tang và mặt trời vào mùa đông (Winter Solstice) của những người không theo đạo Thiên Chúa.

Ở La Mã, ngày 17 tháng 12 là ngày lễ Saturnalia để kỷ niệm thần Saturn. Đây là thời gian ăn chơi tưng bừng nhất và là dịp để mọi người trao đổi quà kỷ niệm. Ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh nhật của Thần Mithra, Thần Toàn-Chân-Thái-Dương, thuộc xứ Ba Tư. Năm mới của người La Mã là ngày 1 tháng giêng dương lịch. Vào những dịp này người ta trang hoàng nhà cửa bằng cây lá xanh tươi và hoa đèn rực rỡ. Trẻ con và người nghèo được trao quà tặng.

Lửa, đèn, và nến là vật tượng trưng của sự ấm cúng và sự sống, nó luôn luôn liên hệ với các lễ lạc vào mùa đông của cả những người theo đạo Thiên Chúa và các đạo khác. Từ thời trung cổ, cây thông, một loại cây vạn niên thanh, là biểu hiệu cho sự sống và luôn luôn liên hệ với Lễ Giáng Sinh.

II. Cây Nô-En
 

Tiếng Nô-En mà người Việt ta thường dùng bắt nguồn từ chữ Pháp là “Noel” và có nghĩa là Giáng Sinh. Cây Nô-En có tên bằng tiếng Anh là Christmas Tree. Cây Nô-En thường là cây thông nhân tạo làm bằng ni-lông (nylon) hay là cây thông thật được chặt ở rừng đem về nhà. Người ta trang trí cây thông này bằng dây đèn đủ màu cùng với các đồ trang hoàng khác như giấy bạch kim để giả làm tuyết-phủ, kẹo xanh trắng đỏ có hình cây gậy ba-toong (candy canes), các gói quà giả, các quả bóng nhỏ đủ màu làm bằng thủy tinh, hình thiên thần, và cây thánh giá, v.v. Cây thông sau khi được trang hoàng như thế có tên là cây Nô-En. Dưới chân cây Nô-En người ta có các gói quà do những người trong gia đình mua để tặng cho nhau. Cây Nô-En là một thứ không thể thiếu được trong mùa Giáng-Sinh.
Việc dùng cành thông và vòng hoa kết bằng lá xanh (wreath) treo ở mặt ngoài cánh cửa nhà để biểu-lộ sự ước mong vĩnh cửu cho đời sống con người là cổ tục của người Ai Cập (Egyptian), Trung Hoa, và Do Thái. Việc tôn thờ cây thông và vòng hoa rất được thông dụng ở Châu Âu đối với người không theo đạo Thiên Chúa. Tục lệ này vẫn còn tồn tại sau khi họ nhập đạo Thiên Chúa.
Người ở các nước Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy, gọi chung là người Scandinavian, thường trang hoàng nhà cửa và vựa lúa với các loại cây vạn niên thanh vào dịp năm mới để xua đuổi ma quỉ. Họ còn dựng cây cho chim trú ngụ trong mùa Giáng Sinh. Phong tục này còn có ở Đức. Người ta đặt cây Nô-En ngay ở lối ra vào hay ở trong nhà vào những ngày nghỉ lễ giữa mùa đông.

Cây Nô-En hiện đại ngày nay có được là do phong tục của Tây Đức. Cái khung cảnh chính của vở kịch nổi tiếng hồi trung cổ về sự tích Ông Adam và Bà Eve là một cây thông có treo những quả táo gọi là Cây Thiên Đàng tượng trưng cho Vườn Địa Đàng (Garden of Eden). Người Đức dựng Cây Thiên Đàng (Paradise Tree) trong nhà vào ngày 24 tháng 12, ngày hội tôn giáo, để kỷ niệm Ông Adam và Bà Eve. Người ta treo những miếng bánh bít-qui (biscuit) gọi là wafers trên Cây Thiên Đàng tượng trưng cho dấu hiệu của Chúa Jesus đứng ra chuộc tội cho nhân loại. Sau này người ta thay thế bánh Wafers bằng bánh cúc-ki (cookie) có đủ hình-dáng khác nhau. Cả những cây đèn cầy hay nến cũng được dùng làm biểu tượng của Chúa đứng ra chuộc tội cho nhân loại.
Trong cùng một phòng có trưng bày cây Nô-En vào mùa Giáng Sinh, người ta còn dựng một Kim Tự Tháp Giáng Sinh (Christmas Pyramid). Đây là một cấu trúc bằng gỗ hình tam giác với các kệ để đồ (shelves). Bên trên các kệ này có bày các pho tượng nhỏ và trang trí bằng cây vạn niên thanh, đèn cầy, và một ngôi sao. Vào khoảng thế kỷ thứ 16 thì Christmas Pyramid và Paradise Tree được kết hợp lại thành cây Nô-En (Chistmas Tree). Phong-tục này đã được thịnh hành trong giáo phái Tân Giáo của Luther ở Đức vào thế kỷ thứ 18. Nhưng mãi tới một thế kỷ sau đó, cây Nô-En mới ăn rễ sâu vào truyền thống của người Đức.
Cây Nô-En được du nhập vào đất Anh từ đầu thế kỷ thứ 19 và rất được thịnh hành vào giữa thế kỷ đó. Sở dĩ được như vậy là nhờ công của Hoàng Tử Albert, chồng Nữ Hoàng Victoria. Ở Anh, vào thời đó, người ta gọi cây Nô-En là Victorian Tree. Cây Victorian Tree được trang trí bằng đèn cầy, kẹo, cùng các thứ bánh đặc biệt treo ở cành cây bằng dây băng (ribbon) hay dây giấy đủ màu.
Phong tục trưng bày cây Nô-En vào dịp Giáng Sinh đã được những người di dân gốc Đức mang vào Bắc Mỹ từ đầu thế kỷ thứ 17. Sau đó cây Nô-En được thịnh hành nhất vào thế kỷ thứ 19. Cây Nô-En còn thịnh hành ở Austria, Switzerland, Poland, và Holland trong giai đoạn này. Ở Trung Hoa, Nhật Bản, và Việt Nam, phong tục trưng bày cây Nô-En là do các nhà truyền giáo Âu Tây mang vào từ thế kỷ thứ 19 và 20.
III. Ông Già Nô-En
Từ thuở bắt đầu, Ông Già Nô-En có tên là “Saint Nicholas”. Theo truyền thuyết thì Ông Già Nô-En Nicholas có lẽ là một vị Giám Mục người Hy Lạp ở vào thế kỷ thứ 4. Nicholas được nổi tiếng về lòng tốt của ông. Tuy nhiên các nhà sử học không thể xác quyết sự kiện về đời sống cũng như sự hiện hữu của ông. Trong tiếng Anh, Ông Già Nô-En có tên là “Santa Claus”. Tiếng “Santa Clause” được dịch từ tiếng Đức “Sinter Klaes”. Trong tiếng Pháp, Ông Già Nô-En có tên là “Le Père Noel”.
Truyện thần thoại về Ông Già Nô-En kể rằng Santa Claus tặng quà một cách bí mật cho những người gặp cảnh khó khăn. Ngoài ra, Ông Già Nô-En còn có những tên như Nicholas of Bari và Nicholas of Myra. Theo tục truyền, Ông Già Nô-En được sinh ra ở hải cảng cổ Lycia của thành phố Patara thuộc Tiểu Á-Tế-Á (Asia Minor). Khi còn trẻ, Ông Già Nô-En đi du lịch đến Palestine và Egypt. Ông trở thành Giám Mục của thành phố Myra, Lycia, thuộc Tiểu Á-Tế-Á. Ông bị tù trong vụ hành hạ những người Thiên Chúa Giáo thuộc triều đại Hoàng Đế La Mã Diocletian. Sau đó, ông được thả ra vào triều đại vua Constantine Đại Đế (Thế-Kỷ Thứ 4) và tham dự Hội Đồng Lần Thứ Nhất của Nicaea, Council of Nicaea, vào năm 325 dương lịch. Nicaea là một thành phố của Bithynia thuộc Asia Minor. Hội Đồng Council of Nicaea có mục đích xác nhận lòng tin vào Thiên Chúa và kết tội chủ thuyết Arianism, một chủ thuyết chối bỏ Chúa Jesus.
Vào thế kỷ thứ 6, lăng tẩm của ông Già Nô-En rất nổi tiếng ở Myra thuộc Tiểu Á-Tế-Á. Vào năm 1087, những người thủy thủ và lái buôn Ý đã cải táng ngôi mộ của ông và mang di hài ông về Bari, Ý-Đại-Lợi. Sự cải táng này đã là một sự kiện lịch sử và được người ta làm lễ kỷ niệm hằng năm vào ngày 9 tháng 5 dương lịch. Từ đó tiếng tăm của ông được truyền đi khắp nơi và Bari đã trở nên một trung tâm hành hương đông đảo nhất. Lăng tẩm của ông được đặt tại Đại Giáo Đường thuộc South Nicala, Bari, Ý Đại-Lợi .
Truyền thuyết về Ông Già Nô-En càng ngày càng nhiều. Chuyện đầu tiên được kể về một phép lạ rất nổi tiếng là khi ba vị sĩ quan bị kết án tử hình rồi lại được tha sau khi Vua Constantine Đại Đế nằm mơ thấy Nicholas. Kế đến là những chuyện người ta kể là Ông Già Nô-En đã từng cứu những trẻ em khỏi bao thảm họa. Lòng ngưỡng mộ đối với Ông Già Nô-En bành trướng ra khắp thế giới. Tên của ông được dùng để đặt tên cho rất nhiều nơi ở các nước. Tên họ của nhiều người cũng bắt nguồn từ tên Nicholas như: Nichols, Nicholson, Colson, và Collins.
Ông Già Nô-En đã được chọn làm vị thánh hộ mệnh của nước Nga, Hy Lạp, các hội từ thiện, các công đoàn, các trẻ em cùng thủy thủ đã được cứu vớt lên khỏi bờ biển Lycia, và các thành phố như Fribourg, Switz, và Moscow. Đã có hàng ngàn nhà thờ ở Châu Âu được xây lên để thờ Ông Già Nô-En, trong đó có một nhà thờ do Hoàng Đế La Mã Justinian Đệ Nhất xây vào thế kỷ thứ 6 ở đô thị cổ Constantinople, bây giờ là Istanbul, một thành phố lớn nhất của Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ).
Các phép lạ của Ông Già Nô-En đã là đề tài ưa thích cho nhiều nghệ sĩ thời trung cổ. Ngày hội truyền thống về Ông Già Nô-En trở thành cơ hội cho các nghi lễ của Boy Bishop, một phong tục phổ biến của người Âu trong đó một cậu con trai được chọn làm vị Giám Mục và ở tại chức cho tới ngày Holy Innocents’ Day, tức ngày 28 tháng 12 dương lịch.
Sự biến đổi Nicholas thành Đức Cha của Lễ Giáng Sinh (Father Christmas) hay Đức Cha của tháng giêng (Father January) đã xảy ra lần đầu tiên ở Đức, rồi đến các quốc gia trong đó có Reformed Churches chiếm đa số. Tiếp đến là ở Pháp, ngày hội Ông Già Nô-En được tổ chức vào dịp Giáng Sinh và Năm Mới. Những di dân người Hòa Lan theo đạo Tin Lành ở thành phố New Amsterdam, bây giờ là thành phố New York City, đã gọi Nicholas là Nhà Ảo Thuật Nhân Đạo và sau trở thành Ông Già Nô En, tức Santa Claus.
Ở Hoa Kỳ và Anh Quốc, Nicholas là thánh hộ mệnh của mùa Giáng Sinh. Theo truyền thống, Giáng Sinh là ngày hội của gia đình và của trẻ con. Người ta trao đổi quà tặng với nhau trong dịp này. Từ năm 1969, ngày hội Ông Già Nô-En không còn được ghi lên lịch, nhưng việc tổ chức kỷ niệm Ông Già Nô-En thì được tùy nghi tổ chức theo mỗi nơi.
Ngày nay tục lệ rước Ông Già Nô-En rất thịnh hành. Tùy theo từng địa phương, người ta tổ chức cuộc rước Ông Già Nô-En (Santa Claus Parade) theo các ngày khác nhau ở mỗi thành phố, thường là vào từ trung tuần tháng 11 trở đi cho đến giữa tháng 12 dương lịch. Trong cuộc diễn hành Ông Già Nô-En này, người ta làm những xe hoa thể hiện đặc tính của từng hội đoàn hay các cơ sở thương mại và cũng thể hiện ý nghĩa của mùa Giáng Sinh. Ngoài ra, người ta còn có các ban nhạc diễn hành đi theo đám rước này để tấu lên các bài hát Giáng-Sinh. Mặc dầu thời-tiết lạnh và tuyết phủ đầy khắp không gian mà mọi người vẫn tham-dự cuộc vui một cách tưng bừng và náo nhiệt.
Ở mỗi nhà vào dịp Giáng Sinh người ta còn mua những đôi vớ hay tất (pair of socks) đỏ treo bên cạnh lò sưởi ngay chỗ ống khói. Họ tin là vào đêm Nô-En, Ông Già Nô-En sẽ cưỡi xe trượt tuyết do bầy hươu có cánh kéo từ trên trời xuống trần gian để cho ông đem túi quà vào thăm mỗi nhà qua lỗ ống khói và bí mật bỏ quà vào mỗi chiếc vớ cho trẻ con. Người ta tưởng tượng ra Ông Già Nô-En với hình dáng của một ông già béo mập, vui vẻ, có râu bạc trắng, mặc quần áo màu đỏ, và mang túi quà phát cho trẻ con vào đêm trước ngày Lễ Giáng Sinh (Christmas Eve).
(Phạm Kim Thư)

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

14 điều răn của nhà Phật

14 điều răn của nhà Phật 

1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
Xã hội phát triển đến mức nào đi nữa thì những giá trị truyền thống phương Đông, tức là cội nguồn văn hóa của mỗi dân tộc Châu Á vẫn cần phải được bảo tồn và trân trọng. Tuy là vốn cổ, nhưng nếu xét về nhân sinh quan đối với con người hiện đại thì dường như không cổ chút nào hay nói đúng hơn là câu chữ cũ, còn ý nghĩa thực tế vẫn hoàn toàn mới mẻ.
Đây chính là điều đáng bàn luận và suy ngẫm, vì như sách "Minh tâm bảo giám" nhận xét: "Người xưa tuy hình dáng như thú, nhưng lòng như có đại thánh ở trong. Người nay tuy hình dáng người nhưng lòng lại thú, biết đâu mà lường. Có lòng không có tướng, tướng sẽ tự lòng mà sinh ra. Có tướng mà không có lòng, tướng sẽ theo lòng mà mất đi”. Phải chăng, vì lẽ ấy mà vô số điều khuyên răn của các bậc tiền bối vô cùng hữu ích cho cách đối nhân xử thế của những người chịu ảnh hưởng giáo dục của Nho giáo, Phật giáo. Tựu trung lại, đó chính là những tâm bệnh như sau:
1
Không có kẻ thù nào to lớn và nguy hiểm bằng chính bản thân ta. Tà ý xấu xa vốn là kẻ thù tiềm ẩn lớn nhất của đời người mà tự ta khó vượt qua nổi. Thật là nghịch lý khi bao khó khăn, thử thách, gian nan do khách quan mà nhờ tinh thần, ý chí quyết tâm ta đều vượt qua. Nhưng, khi trong tâm có bệnh thì lại chịu thua, như dao sắc không gọt được chuôi vậy. Đúng như nhận định trong thế giới có bốn điều tự hủy hoại là: Cây nhiều hoa, quả nặng quá, sẽ gãy cành, rắn độc mang nọc độc nhưng lại bị giết để lấy nọc, kẻ làm việc nước không hiền tài, thì sẽ hại dân hại nước, kẻ làm điều bất thiện sẽ bị quả báo, cho nên sách Kinh dạy rằng: "Sự độc ác do tâm sinh ra, sẽ quay lại tự hại bản thân mình, cũng như sắt tạo ra chất gỉ rồi chất han gỉ ấy sẽ tiêu hủy dần thân hình của sắt". Suy nghĩ xa hơn và kỹ hơn về giáo lý ấy thì càng rõ, nếu ta không vượt qua được chính bản năng của mình thì lương tâm và trí tuệ, lương tâm và trí tuệ của ta cũng sẽ bị xói mòn mục ruỗng, chẳng mấy chốc mà thành phế nhân. Ngạn ngữ vẫn cho rằng: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nội dung bên trong hoặc phần tinh thần không nhìn thấy được ấy mới quyết định bản chất của một chính nhân thực thụ, bởi đơn giản là: "Con người biểu lộ tính ưu việt của mình ở bên trong, chỉ có con vật mới lộ ra bên ngoài thôi".
2
Những thất bại lớn nhất của con người đều do tính tự cao tự đại sinh ra. Sách Cảnh hành lục cho rằng: "Sự tự mãn (tự cho mình đầy đủ) làm cho mình hư. Sự kiêu căng (tự cho mình giỏi) làm mình trở thành ngu. Chuyện kể rằng: Có đứa con nhà giàu không coi ai ra gì, thích đứng trên cây tè xuống đầu người đi đường, ai cũng ngại nhà ấy mạnh tiền của chẳng dám nói gì. Một hôm có đoàn quan binh đi qua dưới gốc cây, tay kia tè ngay vào viên quan văn đi đầu, viên quan này gật gù khen giỏi, rồi đi tiếp. Lúc sau viên quan võ đi qua, tay kia vẫn tiếp tục tái diễn trò ấy, nhưng không ngờ viên quan võ nóng tính bèn rút kiếm ra chém phăng đầu đứa xấu chơi. Người đời thường cười tên ngu dốt và thán phục mưu sâu của viên quan văn, nhưng cái chết thì vẫn dành cho kẻ cao ngạo. Chẳng thế những nước nông nghiệp vùng Đông Nam Á thường dùng biểu tượng cây lúa để đề cao tính khiêm nhường: khi cây mọc càng cao, càng trổ bông trĩu hạt chín vàng thì cây càng cúi thấp để tránh gió đồng ập đến. Lã Khôn thì rút ra bài học: "Khí kiêng nhất là hung hăng, Tâm kiêng nhất là hẹp hòi, Tài kiêng nhất là tự cao", nếu không hiểu được những điều này thì sống trên đời chẳng mấy chốc sẽ thất bại.
3
Ngu dốt lớn nhất của con người là sự dối trá. Kinh Phật cũng liệt kê điều này vào trong 7 tội lỗi lớn nhất mà người muốn đắc đạo không được mắc phải. Tục ngữ cũng nhận định rằng: Đường đi hay tối, nói dối hay cùng. Trên phương diện y học thì nói dối hại tim, suy yếu phổi vì luôn ở tâm trạng đối phó bất ổn. Xét về khía cạnh tâm sinh lý, thì nói dối bao giờ cũng tạo ra những phản ứng trái ngược trong cùng một chủ thể, khiến con người luôn bí bức vì không thể sáng tạo mãi ra những điều không có thật. Đành rằng, cuộc đời là một sân khấu lớn, nhưng không phải tất cả những nhân vật biểu diễn trong vở kịch đều là nghệ sĩ vĩ đại, thế nên mới nói đổi vai diễn thì dễ còn nhập vai chính hoặc phụ đạt yêu cầu là cả một khoảng cách. Sở dĩ phải phân tích điều này vì lắm kẻ vẫn huênh hoang và tự hào về khả năng diễn vở trắng - đen mà không biết đang tự mua dây trói mình. Châm ngôn Trung Quốc nói: Nếu có lương tâm trong sáng cả đời bạn sẽ không phải sợ tiếng gõ cửa lúc nửa đêm. Còn Trình Di lại đúc kết rằng: Lấy lòng chân thật cảm động người ta, thì người ta cũng lấy chân thật mà đãi lại, Lấy cách trí thuật cài đạp người ta, thì người ta cũng lấy trí thuật mà xử lại. Nếu cứ lẩn quẩn mãi như thế, cuộc đời liệu có yên ổn và an nhàn không?
Dối trá với cuộc đời thì chẳng hay ho gì, bởi gieo hạt nào thì gặt quả nấy.Sách Minh tâm dạy rằng: Độ lượng to lớn bao nhiêu thì phúc trạch càng to lớn bấy nhiêu, Mưu sâu độc bao nhiêu thì tai vạ cũng sâu độc bấy nhiêu. Nhưng khi đã tự lừa dối cả bản thân mình, thì quá tội lỗi. Nhẹ nhất là tự huyễn hoặc khả năng, bản chất của cá nhân để yên lòng tồn tại. Nặng hơn tự cho mình là thiên tài, luôn cao giọng răn dạy cuộc đời. Nghiêm trọng nhất là tự cho mình cái quyền quyết định, hay phán xử tất cả mọi sự việc, mức độ này thường dẫn đến hành động oai hùng thái quá gây tổn hại đến tinh thần và tính mạng người khác. Thường thì người ta hay tự an ủi bằng những lý do không đúng sự thật về những điều xấu mình đã gây ra, cốt để yên tâm tạm thời còn phần lớn thời gian luôn cảm thấy bất an, nơm nớp. Nên Kinh thư mới nhắc: Làm điều thành thật thì bụng yên ổn và mỗi ngày một hay. Làm điều gian dối thì bụng băn khoăn và mỗi ngày một dở. Không tự lừa dối mình và mọi người cũng có nghĩa là phải chứng minh sự thật bằng mọi giá. Chuyện cổ kể rằng, có người thợ đào được hòn đá bên trong có ngọc đem dâng vua, vua không tin, kết tội nói dối nên chặt chân trái. Vua sau lên ngôi, người này cũng đem ngọc đến dâng và vua cũng bảo gian dối, chặt nết chân phải. Đời vua sau nữa lên ngôi, người thợ đến chân núi khóc suốt 3 ngày đêm đến chảy cả máu mắt. Vua đến hỏi thì người thợ nói, khóc vì ngọc mà nhầm là đá - thật mà cho là dối! Vua bèn sai đập hòn đá ra, thì quả có hòn ngọc bên trong.
4
Nỗi bi ai lớn nhất của con người chính là lòng đố kị. Tính ganh ghét và đố kị như mốt ngọn lứa nhỏ leo lét trong tâm mỗi người. Với những ai điều chỉnh được bản thân hướng thiện thì sẽ chế ngự được ngọn lửa ấy và hóa nó thành khát vọng tốt đẹp ham muốn vươn lên, với những kẻ bản năng tầm thường thì ngọn lửa này sẽ thỏa sức cháy, thiêu rụi hết những gì gọi là nhân đức - giáo dục - văn hóa biến người ta thành một con thú hoang lồng lộn cắn xé giành giật miếng mồi và kết cục lại bị chính ngọn lửa tham này đốt cháy thành tro bụi. Đúng là: Lòng tham thì hại mình, Sướng miệng thì tổn thân! Bệnh ghen tị luôn khiến nội tâm con người bức xúc, hậm hực khó mà khuyên giải được nếu như không được thỏa mãn một tý chút gọi là. Thế mới biết, sự đời đâu phải chỉ con gà tức nhau tiếng gáy, mà con ngựa ghen nhau tiếng hí, con chó ganh nhau tiếng sủa, con chim đua nhau tiếng hót, còn con người thường ghen tị mà hãm hại lẫn nhau. Có lẽ nên tra lại Minh tâm bảo giám để ghi nhớ thêm một câu: Miếng ăn sướng miệng, sẽ sinh ra bệnh tật, việc làm thỏa chí, sẽ đưa tới tai vạ. tranh hơn chạy tắt hay thành ác, nói lỡ lời đâm ra tiếng đồn đại. Cho nên, để bệnh rồi uống thuốc sao bằng tự ngừa trước bệnh tật?
Nho giáo là một đạo học về cuộc sống có nội dung giản đơn chủ yếu thuận theo lẽ sống tự nhiên của khuôn khổ xã hội nhất định. Người có học Nho bao giờ cũng có chất nền nếp, giữ phép tắc, có lòng nhân đạo bác ái. Tuy nhiên, Nho giáo nhiều khi khó hiểu, rườm rà khiến cho người học khó theo kịp và không thể lấy mức nào để làm chuẩn mực. Chỉ có những tính chất trí tuệ và triết lý của Nho học là mang tính giáo dục lưu truyền phổ thông với tác dụng thực tiễn cao nhất, đặc biệt là về bản chất và phong cách sống của con người - đây là lĩnh vực mà cổ nhân đưa ra nhiều triết lý vô cùng sâu sắc:
5
Sai lầm lớn nhất của con người là tự đánh mất mình. Ta chỉ là một cá thể nhỏ, một hạt cát trong vũ trụ bao la và trên hành tinh có 7 tỷ cá nhân khác nhưng điểm khác biệt duy nhất khiến ta làm chủ được cuộc sống riêng không phải là cái tên khai sinh mà chính là sự khẳng định khác biệt với những người khác trong cá tính nhân cách, năng lực và tư duy phát triển vươn lên đa dạng. Ai cũng muốn tự khẳng định mình và càng muốn những người khác công nhận mình trong một hoặc nhiều lĩnh vực trong cuộc sống theo phương châm hiện đại: giỏi một - biết nhiều. Nhưng cũng nhiều người đã không tự chứng minh được mình mà còn đánh mất luôn cả bản thân vì những tác động khách quan bất ngờ và chủ quan không may mắn! Thường thì khách quan bị cột vào việc mất phẩm chất hoặc danh dự như vì nghèo quá hóa liều. Nhưng Lã Khôn cho rằng: Nghèo không xấu, nghèo mà không có chí mới là xấu, hèn không đáng ghét, hèn mà không có tài mới đáng ghét, già không nên than thở, già mà sống thừa mới đáng than thở, chết không nên bi ai, chết mà vô bổ mới đáng bi ai. Nhưng tội lỗi quả là sinh ra chỗ giàu sang vì sức mạnh của đồng tiền rất đáng kinh ngạc. Cho dù chưa phải là Tiên, Phật hay chân lý, nhưng đồng tiền cũng, làm hắc nhân tâm, xét từ cổ chí kim thì: Người ngồi trên đống cát ai cũng có thể là quân tử hiền nhân, nhưng ngồi trên đống vàng thật khó thay, đã có ai là hiền nhân quân tử đâu?
6
Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu. Nếu như không có cha mẹ thì làm sao mình có thể hiện diện trên cõi đời này? Tại sao lại có thể quên đi người đã sinh ra mình?
Những người con bất hiếu này chỉ nhìn thấy cái trước mắt và họ không hiểu được nguồn gốc và tình cảm của cha mẹ họ. Sau này, nếu con cháu họ đối xử cũng như vậy thì họ sẽ cảm nhận được thế nào là tội lỗi. Gieo nhân nào gặt quả nấy!
"Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha.Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Trong mỗi người Việt chúng ta, người được đi học tử tế đến những người vì hoàn cảnh khó khăn mà thất học, từ bé đều được nghe 4 câu ca dao đầy ý nghĩa này. Nó là bài học căn bản đầu tiên của mỗi con người.
7
Cuộc đời nhiều nỗi thương cảm xót xa nhưng có lẽ con người đáng thương nhất là tự ti. Đây là cách suy nghĩ, biểu hiện, hành động không đúng với bản chất và khả năng của mình. Biểu hiện tích cực của tự ti là thu nhỏ lại không va chạm, không bon chen, ngại đưa ý kiến, sợ phản đối trong mọi hoàn cảnh. Biểu hiện tiêu cực thì tệ hơn là luôn khúm núm, xun xoe, bợ đỡ, xu nịnh, tâng bốc ai đó để lấy chỗ dựa bởi mặc cảm: phải có bờ rào thì dây leo mới có chỗ dựa! Chuyện xưa kể. Có một tay nhà giàu nứt đố đổ vách được nhiều người trong làng tâng bốc, nịnh hót nhưng anh nông dân nghèo rớt mồng tơi bên cạnh nhà lại dửng dưng, không cần biết. Tay nhà giàu gặng hỏi, anh nông dân trả lời: ông giàu kệ ông, tôi nghèo kệ tôi cớ gì phải xu nịnh? Tay nhà giàu hào phóng: Nếu tôi cho anh 1/2 tài sản thì anh có nịnh tôi không? Anh nông dân vẫn đáp: Nếu thế hai bên ngang hàng nhau, cần gì nịnh ai? Tay nhà giàu tức khí: Nếu cho anh tất cả tài sản thì anh có nịnh tôi không? Anh nông dân thản nhiên: Lúc ấy ông phải xu nịnh tôi mới đúng! Thực tế bây giờ cũng chứng minh rằng: tiền bạc và địa vị tác động ghê gớm đến suy nghĩ tự ti, nếu ai không đủ cứng rắn để giải thoát khỏi nỗi ám ảnh này thật vô cùng đáng thương. Đường đời vốn không bao giờ bằng phẳng, chuyện vấp ngã hoặc trượt chân rất bình thường. Triết lý cho rằng: mỗi lần ngã là một lần bớt dại. Điển tích thơ, ca ngợi tài ứng khẩu của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương khi ngã cơ học vần giải thích kiểu triết học: Giơ tay với thử trời cao thấp - Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài? Trong cuộc sống không đơn giản như thế có những cú ngã vô hình tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và làm suy sụp ý chí quyết tâm gượng dậy. Có thể nói từ vị trí ngã cho đến lúc đứng dậy được phải trải qua động tác trung gian là quỳ gối - khom lưng đây cũng chính là thời điểm quan trọng nhất nếu không đủ bản lĩnh để vươn lên thì không những chẳng đáng khâm phục mà còn vĩnh viễn tình nguyện gia nhập đội ngũ những kẻ không tiên hóa được chỉ đi bằng đầu gối. Bởi thế, Chu Hy mới dặn rằng: Đời suy, đạo vi, lòng ham muốn loài người đầy rẫy, không phải người cương nghị thì đứng vững sao được?
8
Có một câu châm ngôn sống dạy rằng: Mất xiềng xích thì được tự do, mất tiền sẽ được kinh nghiệm, mất sức thì được sung sướng nhưng đừng bao giờ mất hy vọng, mất hy vọng là mất tất cả! Đây đúng là chân lý thực dụng kiểu phương Tây nhưng có một ý chính trùng với người phương Đông. Sự mất mát lớn nhất của con người là tuyệt vọng.
Không được tuyệt vọng tức là phải luôn luôn có hy vọng để sống và sống vì hy vọng. Khi ta có hy vọng vào mốt con người, sự việc, hoàn cảnh nào đó cũng đồng nghĩa với việc ta đặt trọn mềm tin vào đấy để có động lực sống, do đó sự phấn đấu vươn lên sẽ mạnh mẽ và đạt hiệu quả thiết thực. Tình cảm bị tuyệt vọng sẽ tạo nên trạng thái tâm lý dở khùng, hoang mang, không biết sắp xếp mọi mặt của cuộc sống ra sao. Nếu sự nghiệp bị tuyệt vọng sẽ gây ra sự phẫn uất, chây ì với bản thân, còn nếu tuyệt vọng với cả hai điều này thì dẫn đến kết cục bi thảm: một kẻ trắng tay thường tự kết thúc cuộc sống của mình rất nhanh. Vậy muốn giữ được hy vọng, không sa vào tuyệt vọng thì mỗi con người phải có ý chí, nghị lực như Vương Dương Minh nhận định: Người không có ý chí như thuyền không lái, như ngựa không cương, trối giạt lông bông, không ra thế nào cả.
9
Các cụ xưa cũng nhấn mạnh rằng: Tài sản lớn nhất của con người là sức khỏe.Người bình thường không ai nghĩ đến sức khỏe của mình, chỉ khi nào bị tác động của bệnh tật hoặc tuổi già mới giật mình nghĩ lại, chủ yếu là cảm giác nuối tiếc. BãoPhác Tử nói: Ai cũng muốn sống lâu mà không biết cách dưỡng sinh. Ai cũng biết ăn uống quá độ thì ốm đau mà không biết giữ miệng. Ai cũng biết tình dục quá độ thì khô héo mà không biết phòng thân? Mạnh Tử thì cho rằng: Dường sinh không gì hay bằng ít lòng ham muốn, say mê.   Thiên cũng nhận xét: Tinh thần dùng quá thời kiệt, hình thể làm quá thời mệt. Đúng là khi đã ốm đau bệnh tật rồi thì có tặng, biếu ham muốn cũng không còn cảm hứng đón nhận nữa. Tuân Sinh Tiên lại có ý sâu xa: Muốn cho thân không có bệnh, trước hết phải để tâm không có bệnh. Nên ít sắc dục để nuôi tinh, ít ngôn ngữ để nuôi khí, ít tư lự đế nuôi thần. Còn danh y Tuệ Tĩnh luôn nhắn nhủ: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình (ý là: giữ tinh, dưỡng khí, bảo tồn thần, giữ cho lòng thanh thản, hạn chế dục vọng, giữ chân khí, luyện tập thân thể).
10
Trong cuộc sống còn nhiều mối liên quan, tác động đến nhau về cả vật chất và tinh thần, những món nợ tiền còn có thể trả được nhưng nợ tình thì khó khăn hơn nhiều, cho nên món nợ lớn nhất cuộc đời con người là tình cảm. Kinh Lễ đặt câu hỏi: Thế nào là tình cảm con người? Mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét muốn. Bảy loại tình cảm đó chẳng cần học ai cũng biết. Thế nhưng, bảy sắc tình đó chẳng phải mang đến đã cho con người ta mọi điều tốt đẹp, như sách Khuyết giới toàn thư nhận định: Bể tình dục lấp mãi không đầy thành sầu khổ phá mãi không tan, vì vậy món nợ tình cảm ở đây cần hiểu là món nợ của thương yêu, quý mến, gia ân. Nếu có điều kiện, thời gian, hoàn cảnh cũng có thể trang trải tượng trưng để lưu lại chữ tình, nhưng cũng có nhiều tình thế khó xử không thể cân, đong, đo đếm được, đành để kiếp sau. Một tích cổ kể câu chuyện vua muốn thử tài trí tân Trạng Nguyên nên đưa ra tình huống khó xử: Trên một con thuyền bị đắm có ba người là đức vua, thày dạy và cha đẻ đều gặp nguy hiểm đến tính mạng, vậy sẽ cứu ai trước? Nếu chủ định cứu một trong ba người thì Trạng Nguyên sẽ mắc một trong ba tội lớn: bất trung, bất hiếu hoặc bất nghĩa. Nhưng Trạng trả lời nhanh và dứt khoát là, cứ nhảy xuống sông, quờ được ai trước thì cứu trước. Tuy cách ứng phó ngẫu nhiên rất thông minh nhưng giả thiết có chuyện này thật thì món nợ dưới sông với hai người còn lại biết bao giờ trả xong? Chắc cũng khó khăn, trắc ẩn như chuyện của Trương Chi và Mỹ Châu: Nợ tình chưa trả cho ai? Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!
11
Thế giới có thể đại đồng về mặt lý thuyết, nhưng thực tế trên đời người không tránh khỏi va chạm, xích mích gây ân oán to nhỏ trên dưới, xa gần nhằng nhịt như dây leo không thể giũ bỏ triệt để được, vì thế tha thứ là báu vật của mọi quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời. Đức Thích Ca dạy: Oán trả oán, oán ấy chồng chất, lấy ân trả oán, oán ấy tiêu tan Sách Luận ngữ cũng viết: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Phương pháp luận của Lão Tử cụ thể hơn: Với kẻ lành, lấy lành mà ở, với kẻ chẳng lành, vẫn lấy lành mà ở. Với kẻ thành tín, lấy thành tín mà đãi, với kẻ không thành tín vẫn lấy thành tín mà đãi. Nghĩ kỹ thêm mới thấy, hai chữ khoan dung thốt ra nhẹ nhàng biết bao nhiêu mà thực hành lại nặng nề bấy nhiêu, bởi nếu lòng dạ hẹp hòi không chứa nổi hai chữ ấy. Cách tốt nhất là chủ động: không nên lấy cái hay của mình mà trách cái không hay của người. Không nên lấy cái sở trường của mình mà trách cái sở đoản của người. Khi trách người, thì đừng nên khoe mình. Tuy vậy, sách Minh Tâm Bảo Giám viết: ở đời chẳng việc gì khó Không xong việc là do lòng mình không chú trọng. Thà kết ơn làm nghĩa với nhiều người, chớ nên gây oán với một người. Nên nhịn những việc khó nhịn, tha thứ những người không sáng suốt. Lòng khoan dung không những cởi mọi ân oán tạo nên cách sống cao thượng, mà còn chính là nguồn phúc để lại cho đời sau vì: Chứa vàng để lại cho con cháu chưa chắc đã giữ được, chứa sách để lại cho con cháu chưa chắc đã học được, cách để lại lâu dài cho con cháu không gì bằng chứa âm đức ở trong chỗ minh minh!
12
Khổng Tử là một bậc thầy của giáo dục. Ngài cho rằng: có được học vấn không phải là việc một sớm một chiểu, cần phải có nhiều năm thu lượm, tích lũy. Giành được học vấn như đắp hòn núi cao, từng sọt đất mà đắp ngày lại ngày bền bỉ mới thành núi, cho nên thành bại của học vấn trước hết là tự mình chế ngự được bản thân, phải biết cách tránh mọi diều cám đỗ trên đời vì nếu người đọc sách còn mơ tưởng an nhàn thì không thể coi là người học chân chính. Và nếu không hoặc có học không đúng đắn thì dẫn đến kém hiểu biết, đó chính là khiếm khuyết lớn nhất của con người, không gì bổ sung, thay thế được. Đại dương kiến thức thật mênh mông, vốn hiểu biết như giọt nước dưới ánh nắng mặt trời, long lanh đấy nhưng rồi sẽ bay hơi nhanh chóng, vì thế phải tranh thủ và tiếp nhận tích cực vốn tri thức, hiểu biết của cuộc sống, không nên phân biệt, cân nhắc cao thấp.
Khổng Tử dạy: Ba người cùng đi tất có một người làm thầy ta được. Khổng phu tử cũng viết: kẻ ngốc than phiền là mọi người không hiểu hắn. Kẻ thông thái than phiền là mình không hiểu mọi người. Như vậy có nghĩa chỉ cần lắng nghe cũng có thể thu nạp được kiến thức rồi và nguồn kiến thức như vậy vô cùng quan trọng như Vương Dương Minh nói: Kiến thức là sự bắt nguồn của hành động. hành động là thành tựu của kiến thức. Sự học của thánh nhân chỉ có công phu là kiến thức và hành động không tách rời nhau. Vậy nên Trần My Công cho rằng: Người ta sống trong một ngày, có được nghe một câu phải, trông thấy một điều phải, làm một việc phải, ngày ấy mới không uổng. Danh ngôn phương Đông cho rằng: Hoàng kim cũng có giá của nó, nhưng kiến thức học được thì vô giá và nếu như ruộng của bạn không được cày bừa thì kho vựa của bạn sẽ trống rỗng, nếu sách của bạn không được đọc thì con cháu bạn sẽ dốt nát. Như thế đủ thấy kiến thức còn hữu dụng đến bao đời.
13
Cuộc đời cũng còn có nhiều niềm vui và nỗi buồn, nhưng niềm vui lớn nhất của con người chính là làm phúc. Chúng ta nên chia sẻ cảnh ngộ, lòng thương cảm để giúp đỡ tinh thần hoặc vật chất cho mọi người. Làm được điều thiện cũng là một cách tích đức để lại cho con cháu, như Tử Thần ông nói: Bình sinh làm điều lành thì trời ban thêm phúc cho mình, ví bằng ngây dại mà làm điều dữ thì phải mắc tai họa. Còn ý tưởng của Thái Thượng Công là: Điều họa phúc vốn không có cửa ngõ, chỉ có ta mời nó đến thôi. Sự đền đáp việc lành dữ cũng như bóng với hình. chỉ tùy theo lòng người. Chuyện làm phúc cũng còn lấy kết quả, có thể người làm phúc không vui vẻ gì mà phải làm, cũng có khi người được làm phúc không thỏa mãn mà vẫn phải nhận, ấy là do phụ thuộc vào thái độ và cách thức thể hiện nữa. Làm phúc vì chân tâm thì cả hai bên cùng thoải mái, nhẹ lòng, hạnh phúc còn nhón tay vì điều kiện hay mưu tính thì không hề có thiện ý, tất cả những điều này phần lớn do tâm tính, hoàn cảnh sống và địa vị xã hội tạo ra. Vì thế Đông Nhạc Thánh Đế viết rằng: Phàm người có quyền thế, không nên cậy vào quyền thế của mình, người có phúc đức may mắn không nên tận hưởng hết cái phúc ấy, cũng như thấy kẻ nghèo hèn chớ có khinh miệt người ta quá mức. Một ngày mình làm điều thiện, phúc tuy chưa đến nhưng cái họa đã tự bỏ đi xa, một ngày làm điều ác, cái họa dẫu chưa đến nhưng cái phúc đã tự bỏ đi xa mình rồi. Người ở dời sau mà làm điều lành thì giống như cỏ trong vườn xuân, tuy không thấy lớn nhưng ngày một dày thêm, người làm điều ác giống như viên đá mài dao, không thấy hao mòn nhưng ngày càng khuyết dần.
14
Nỗi đau đớn và dằn vặt trên đường đời cũng rất nhiều và đa dạng do những nguyên nhân khác nhau, nhưng có lẽ đau khổ lớn nhất là sự trống rỗng. Đó là một trạng thái vô cảm, không còn cảm nhận về buồn vui sướng khổ yêu ghét hay dở. Đời sống tinh thần lúc ấy không còn gì là ham muốn nữa, thật sự giống một hòn đá lăn. đám mây trôi chứ chưa so sánh bằng thực vật động vật vì cây cỏ muông thú còn có cảm xúc riêng của mình. Người rơi vào trạng thái này thường bị hụt hẫng, thất vọng hoặc tan vỡ một dự tính quan trọng hay chịu một mất mát không gì bù đắp được. Cần phải hiểu rằng mưu tính sự việc là do con người, nhưng việc thành bại là do may rủi. Người muốn như vậy, mà trời lại không cho là như thế, do đó, đành phải chấp nhận cái đã có hay vốn có, thế mới là người hiểu cái đạo sống giữa cuộc đời: lý trí phải mạnh mẽ - hành động phải linh hoạt, như Gia Cát Khổng Minh nói cách trừ bỏ sự trống rỗng này: Nên giữ chí thật cao xa, mến chuộng bậc hiền tài, dứt hẳn tình dục, phá tan sự ngưng trệ, khiến cho lòng mong muốn có chỗ tồn tại rõ ràng, có chỗ cảm động mà sinh ra thương mến. Giận lắm thì cũng nên duỗi, bỏ qua sự nhỏ nhặt. Rộng thăm dò học hỏi, trừ bỏ tính nghi ngờ bủn xỉn. Sao lại để tổn hại về sắc đẹp? Sao lại lo buồn về việc không thành? Nếu chí không mạnh mẽ, ý không ngoan cường khảng khái sẽ bị chìm đắm vào chỗ phàm tục, suốt đời bị trói buộc vào cõi vô hình.
Dù sao đi nữa, tội lỗi đến đâu cũng cần phải giữ một chút nhân tính và lương tâm, chỉ có kẻ vô liêm sỉ nhất mới bán cả lương tâm và tâm hồn mình. Nên nhớ rằng: Trước nghĩa rồi sau lợi là vinh, trước lợi rồi sau nghĩa là nhục. Vinh ấy thường thông, nhục ấy thường cùng. Kẻ thông ấy thường trị được người.
Kẻ cùng ấy thường bị người trị. Biết được những điều khuyên răn của cổ nhân để ứng xử trên đời và sống tốt về lý thuyết thì dễ, nhưng sử dụng những lời khuyên này thế nào cho hữu ích chỉ phụ thuộc vào bản thân mỗi người như sách Minh Tâm Bảo Giám dạy: Ngàn vàng tốt chưa phải là quý. Được lời nói hay của một người còn quý hơn ngàn vàng, vì ngàn vàng dễ được lời hay khó tìm. Tìm ở người không bằng tìm ở mình, hay chịu nghe người không bằng hay suy xét. Biết việc ít thì phiền não cũng ít. Biết người nhiều thì chuyện phải trái cũng nhiều. Và như thế mới cần bàn đến những lời răn của cổ nhân...

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Thế giới sách và tri thức

Lần đầu tiên mua hai cuốn sách dày dặn  "Vượt qua những giới hạn" (2 tập). Hẹn anh Bùi Quang Minh sang lấy tận nơi lấy sách sau khi đã đặt sách vào chiều ngày hôm qua.
Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào cửa phòng đó là sách. Sách có mặt ở khắp nơi, trên giá sách, trên bàn, xếp chồng dưới đất. Lần đầu tiên mình vào một phòng riêng có nhiều sách đến thế. Nghĩ lại thấy cái giá sách ở nhà mình thật là nhỏ bé. Nơi đây chứa đựng những đầu sách về tất cả các thể loại. Mong ước của mình sau này là trong nhà có một thư viện riêng giống như thế này.
Quang Minh ngồi gọn gàng ở bàn làm việc đặt ở giữa phòng, đang hí hoáy dùng máy tính (chắc là đang viết bài cho chungta hoặc onl facebook viết status, trả lời bạn bè. Hình ảnh ngoài đời và ảnh trên facebook không khác nhau là mấy. Ánh mắt trìu mến, phong cách giản dị và gần gũi. Với một người đang mang sứ mệnh truyền bá những tri thức để cho dòng chảy tri thức không bị tắc nghẹn trong một xã hội tràn ngập những thông tin như bây giờ thì chắc hẳn kiến thức của anh rất rộng. Và qua những câu chuyện ngắn, tiếp xúc ban đầu đã chứng minh được điều này. Hiểu biết càng rộng, con người càng tự do.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đã gợi mở cho mình khá nhiều điều bổ ích.
Muốn vươn xa thì nền tảng phải vững vàng. Nhà muốn xây cao thì nền móng phải chắc. Trên con đường tri thức cũng thế, trước hết cần phải có những kiến thức nền tảng trước, định hình được thế giới quan. Sau đó mới tiếp thu được những kiến thức ở tầm cao khác và vươn xa hơn.

Được giới thiệu những cuốn sách hay đáng dành thời gian để đọc.
Sách người Việt viết về những chủ đề nóng bỏng không nhiều, lại càng khó có thông tin để kiểm chứng về trình độ của người viết nếu chỉ dựa vào lời của nhà xuất bản. Nguyễn Trần Bạt, Alan Phan là một trong số ít những người viết về những chủ đề nóng bỏng của cuộc sống như thế. Thế nên có cuốn sách nào hay cần phải lùng và mua ngay, trước khi nó có thể bị cấm xuất bản.
Thích cuốn sách nào thì nên mua ngay, sau này đỡ mất thời gian đi tìm lại.
Cần có cái nhìn tổng thể trước, sau đó mới đi vào những vấn đề chi tiết. Có như thế mới tránh được nhưngx cái nhìn phiến diện.
Một bữa tiệc thịnh soạn cho tâm hồn đang được bày ra trước mắt.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Có rủi ro mới thành đạt

Can đảm, biết chấp nhận rủi ro và mạo hiểm là những đức tính vô cùng cần thiết cho những người có tham vọng trở thành một doanh nhân thành đạt, trong một thế giới đầy thử thách và biến động như ngày nay.
Nếu bạn còn cảm thấy chùn bước trước sự mạo hiểm, hãy thử làm theo 5 lời mách nhỏ dưới đây. Có thể chúng sẽ giúp bạn khơi dậy trong mình ý chí dám xông lên và giành thắng lợi.
1. Biết ước mơ và theo đuổi đến cùng
Biết ước mơ là một điều đáng quý, nhưng biết theo đuổi ước mơ đó mới thực sự đem lại cho ta thành công trong đường đời. Hãy đừng để ai cướp đi ước mơ của mình một cách phi lý và đáng tiếc. Chắc hẳn bạn đã từng gặp những bậc "lão làng" từng trải trong nghề, kinh nghiệm đầy mình. Lúc nào họ cũng có thể đưa ra hàng trăm ngàn lý do khuyên bạn không nên làm một công việc mà bạn đang định thực hiện. Những dự định tốt đẹp trở nên tiêu tan khi những bậc "tiền bối" đưa ra những lời khuyên chân tình: đã từng có những người thực hiện công việc đó và gặp thất bại thảm hại; tiến hành dự định đó chỉ tốn thời gian và công sức một cách vô ích.
Giám đốc một công ty in ấn lớn ở Mỹ nhớ lại lần trò chuyện với một cô kế toán trong công ty. Ước mơ của cô ta là trở thành kế toán trưởng hoặc có thể mở công ty riêng. Mặc dù chưa tốt nghiệp trung học, tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, nhưng cô ta vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Ông giám đốc đã cảnh tỉnh cô: "Đúng là cô có kĩ năng làm kế toán rất tốt, nhưng với trình độ học vấn của cô, theo tôi nên có cái nhìn thực tế hơn". Tức trí vì câu nói này, cô kế toán lập tức xin bỏ việc và theo đuổi ước mơ của mình. Cô thành lập một dịch vụ kế toán mà đối tác là chủ của những công ty nhỏ, họ sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Giờ đây, cô đã là chủ của 5 văn phòng kế toán có uy tín ở Mỹ.
Thực ra, không ai có thể biết được hết khả năng của người khác. Đặc biệt khi những khả năng đó được chắp cánh bởi niềm đam mê và những ước mơ cháy bỏng, nó giúp họ không chùn bước trước những khó khăn, trở ngại.
Balbala Glogan, Chủ tịch một công ty xây dựng và tư vấn, khuyến cáo: "Điều quan trọng nhất đối với bạn khi khởi đầu một công việc là đừng để những người khác đánh cắp mất ước mơ của mình. Thế giới đầy rẫy những kẻ bi quan và nhụt chí. Họ có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ, nhưng những kinh nghiệm đó chỉ làm cho ta trở nên giống họ. Bạn hãy chỉ nên tin tưởng vào khả năng của mình và biến những ước mơ thành hiện thực".
2. Chớ nóng vội, hãy làm từng bước!
Ông Robent J.Rriegel, huấn luyện viên trượt tuyết đã nhận ra những giá trị quý báu từ kinh nghiệm dạy mọi người tập trượt trên những đoạn dốc khó. Khi đến bên dốc, học viên thường nhìn xuống, dán mắt nhìn theo các hố tuyết nối dài tới cuối chân núi. Vì thế họ cảm thấy sợ, không dám lao xuống. Để giúp học viên, Robent khuyên họ chỉ nên nhìn hố tuyết trong tầm mắt, không nên nhìn xuống tới chân núi. Vượt qua hết hố tuyết này rồi đến hố khác. Cứ như vậy mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng. Và lời chỉ dẫn tỏ ra hiệu quả. Học viên đã chỉ tập trung vào cái mà họ có thể làm được trước mắt: vượt qua những hố tuyết nhỏ để rồi chinh phục cả một đoạn dốc núi cheo leo. Tương tự như vậy, khi bắt tay vào việc, bạn đừng nên tập trung vào toàn bộ công việc. Hãy chia nó thành những công đoạn nhỏ, rồi thực hiện từng bước một. Sau khi hoàn thành một công đoạn, bạn sẽ có thêm say mê trong công việc và vững tin vào thành công.
3. Đừng bao giờ nói "không"
Đôi lúc, khi đối mặt với một tình huống mới người ta thường bỏ quá nhiều thời gian và công sức để đề phòng tình huống xấu xảy ra. Có lần, một nữ luật sư trẻ tuổi tỏ ra lo lắng và hồi hộp. Cô ta không biết nên hành động ra sao trong phiên tòa đầu tiên của mình. Một người hỏi cô đã tạo ấn tượng gì với các thành viên bồi thẩm. Cô ta trả lời: "Tôi không muốn tỏ ra thiếu kinh nghiệm, quá trẻ hoặc còn ít từng trải. Tôi không muốn họ nghi ngờ rằng đây là phiên tòa đầu tiên của tôi".
Cô luật sư đã rơi vào cái bẫy của những ý nghĩ bi quan. Điệp khúc "không" lặp đi lặp lại là một dạng của việc đặt mục tiêu sai lầm. Những từ "không" sẽ làm bạn cảm thấy tự bằng lòng và chệch hướng. Khoa học đã chứng minh rằng hình ảnh hiện lên trong não sẽ tác động lên hệ thống thần kinh, khiến ta sẽ hành động đúng như trong suy nghĩ. Ví dụ như khi một người chơi golf tự nhủ: "Đừng đánh bóng xuống nước''. Hình ảnh quả bóng rơi xuống nước sẽ hiện lên trong đầu anh ta. Khi anh ta thực hiện cú đánh, quả bóng sẽ lăn xuống nước thật.
Vì thế, trước khi đối mặt với một tình huống căng thẳng, bạn hãy tập trung suy nghĩ tới những điều bạn muốn, chứ không phải là những điều bạn không muốn. Sau đó, cô luật sư nói: "Tôi muốn mình tỏ ra lành nghề và tự tin". Cô ta suy nghĩ về diễn biến của phiên tòa sắp tới. Cô nói: "Tôi sẽ đi lại một cách tự tin trong phòng xét xử. Tự tin trong ánh mắt khi nhìn nhân chứng và bồi thẩm đoàn; tự tin trong lời nói và cử chỉ khi diễn thuyết". Cô ta cũng liên tưởng tới hình ảnh chiến thắng trong phiên tòa. Kết quả thật đúng như mong muốn. Vài tuần sau, cô đã thắng trong phiên tòa đầu tiên của mình.
4. Đặt những nguyên tắc cho riêng mình
Phần lớn những người thành đạt thường có cách suy nghĩ vượt ra khỏi những quy phạm thông thường. Thay vì "xào nấu" lại những công thức cũ kỹ, họ sáng tạo nên những điều mới lạ. Khi được tham gia đội tuyển trượt tuyết quốc gia Pháp vào đầu những năm 60, Jean - Claude Killy đã hạ quyết tâm phải luyện tập hết sức mình để trở thành người giỏi nhất. Sáng tinh mơ, anh đã thức dậy và chạy lên những dốc núi với đôi bàn trượt. Tối đến, anh tập cử tạ, chạy, làm mọi việc để có thể đạt phong độ tốt nhất. Nhưng rồi Killy chợt nhận ra rằng luyện tập không thôi vẫn là chưa đủ. Anh bắt đầu nghĩ tới việc thay đổi kỹ thuật trượt để rút ngắn thành tích.
Sau hàng tuần thử nghiệm, anh đã thành công với kỹ thuật trượt mới. Nó dường như đối ngược hoàn toàn với kỹ thuật truyền thống. Lối sử dụng que trượt của Killy cũng khác lạ. Nhờ có những kĩ thuật mới này, thành tích của anh được rút ngắn đáng kể. Vào hai năm 1996 - 1997, Killy đã giành được dường như trọn vẹn các danh hiệu cao quý nhất trong làng trượt tuyết tốc độ. Năm 1998, anh giành 3 huy chương vàng tại Đại hội Olympic mùa đông, một kỷ lục vẫn chưa ai phá nổi. Điều mà Killy đúc rút cũng chính là bí quyết của những người thành đạt: sự sáng tạo không đòi hỏi tố chất thiên tài.
5. Biết rút ra bài học từ sai lầm bản thân
Dù bạn có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, một điều chắc chắn là khi bắt tay vào công việc mới, bạn sẽ phạm sai lầm. Vấn đề không phải ở đó, mà là bạn có đúc rút được gì sau những sai sót đó không. Valter Wriston, cựu Chủ tịch Hãng Citicorp danh tiếng, đã nói: "Mắc lỗi không phải là điều đáng xấu hổ. Đáng xấu hổ là không rút ra được bài học từ những sai lầm đó".
Khi Jim Burke trở thành trưởng phòng quản lý sản phẩm mới của hãng Johnson & Johnson, một trong những dự án của anh ta là phát triển sản phẩm phấn xoa ngực cho trẻ em. Sản phẩm bán không chạy, dự án bị sụp đổ hoàn toàn. Jim Burke chờ đợi điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với anh. Nhưng khi gặp Chủ tịch Hãng, Jim đã ngạc nhiên trước sự đón tiếp nồng hậu. "Có phải anh chính là người vừa tiêu tốn của công ty một lượng tiền lớn đó không?'' - Chủ tịch Robert Wood Johnson hỏi và nói tiếp: "Tôi lại muốn chúc mừng anh . Việc anh phạm sai lầm chứng tỏ anh dám mạo hiểm. Chúng ta không thể phát triển nếu không mạo hiểm". Vài năm sau, Jim Burke trở thành người kế vị xứng đáng của Robert. Anh ta vẫn thường nhắc lại câu nói đó với nhân viên của mình.
Nguồn:  Thời báo Kinh tế Việt Nam

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

10 bước để trở thành giai đểu

Đây là phiên bản Việt của “How to be a Bad boy in 10 steps @WikiHow”, em dịch ra để các cụ tham khảo và….bắt chước để tránh trường hợp ngửa mặt lên than: Tại sao em luôn là người…..đến sau hi hi
(nguồn: http://www.wikihow.com/Be-a-Bad-Boy)

Toàn bộ anh em đàn ông chúng ta đều nghe đến cụm từ Bad Boy, tạm dịch là “sát thủ tình trường”. Thằng ku Sát thủ tình trường hay “giai đểu” có vẻ đã vợt hầu hết các loại gái xinh, gái ngoan và đa số giai ngoan, giai tử tế đều đi đến một chấp nhận là “đàn ông tử tế thường phải…đi đổ vỏ” cho tụi này. Nhưng trên thực tế, sự mô tả này tạo nên một suy nghĩ rất sai về thế nào là Badboy. Thực tế là lý do mà các anh em thuộc loại “giai ngoan” thất bại trong việc chinh phục phụ nữ không phải bởi sự tử tế của họ, mà bởi vì tất cả cái gì mà các cụ “tử tế” có chỉ là là sự an toàn và sự bình an. Rất nhiều các cụ thuộc phân loại “giai tốt” thường tỏ ra mình rất nhạy cảm, mong manh, dễ tổn thương và đồng cảm với mọi người. Họ đối xử với mọi người rất tốt, thậm chí với những người không tử tế với họ và bất nhất trong mối quan hệ giữa họ và người ấy. Họ cần mọi người thừa nhận rằng họ giống, họ theo phe của tất cả mọi người khác, và họ cố gắng đạt các mục đích trong cuộc sống bằng cách cố làm sao sống cho vừa lòng tất cả mọi người. Những giai ngoan này sẽ đối xử với những gái xinh một cách nhẹ nhàng, tình cảm nhưng họ thiếu đi một sự mạnh mẽ trong cá tính và thể hiện ra cho đối phương nhân diện họ là ai. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ con đường trở thành badboy, con đường trở thành sát thủ tình trường, và con đường trở thành bọn mà các cụ vẫn quen mồm gọi: BỌN ĐỂU

Bước 1: Hãy sống như một thằng đàn ông đích thực


Để trở thành “Giai đểu” trước hết các cụ phải….sống như một thằng đàn ông đã Các cụ có khoảng thời gian của các cụ, các cụ có các giấc mơ của chính mình, những kế hoạch cho chính mình và quan trọng nhất, khi đã định ra kế hoạch, các cụ hãy tuân thủ theo kế hoạch mà các cụ đã đặt ra. Nếu các cụ đóe thích một cái gì đó, đóe thích một ai đó thì cứ thản nhiên thể hiện và thản nhiên nói ra là: “Em đóe thích! Có sao không?”. Các cụ không nhất thiết phải thay đổi bản thân mình chỉ vì các cụ sợ rằng phụ nữ họ không thích vậy. Có một thực tế là hầu hết đàn ông đều miệt mài chứng tỏ và cưa cẩm các gái xinh, gái ngoan mà quên mẹ đi bản thân họ. Lý do đóe nào hấp dẫn một gái xinh, gái ngoan về một thằng đàn ông mà chả có tí chính kiến, ý kiến và một điểm gì nổi bật? Các cụ phải tự tạo và duy trì cho mình một con người, một nhân dạng với cá tính mạnh mẽ. Hãy chấp nhận các điểm yếu, những điểm chưa hoàn hảo của mình để tập trung hoàn thiện mình tốt hơn. Làm đóe gì có ai hoàn hảo, và sẽ có vài thằng, vài con nó sẽ đóe thích cụ, đơn giản là nó đóe thích vậy thôi. Đây là một bước quan trọng trong vấn đề nhận thức, và một khi các cụ có thể kiểm soát và vượt lên việc này. Gái nó sẽ bu đến các cụ một cách rất tự nhiên

Bước 2: Đặt bản thân và lợi ích cá nhân vào trung tâm


Để đặt mình vào trung tâm của thế giới của chính mình, các cụ phải đi đứng có mục đích, nói năng cũng phải có chủ đích đoàng hoàng, chậm dãi từ tốn để thực hiện cả bước đi trong đời. Đóe dễ đâu, vì dễ thì anh em nó thành mẹ giai đểu hết rồi, dưng điều này rất có ích trong suốt cả cuộc đời của các cụ. Chính các cụ phải đặt bản thân các cụ, cuộc đời các cụ và thời gian của các cụ là ưu tiên số một trên cuộc đời này. Bọn giai tử tế trên đời này thường coi nhẹ bản thân mình và thường đặt người khác cao hơn cả bản thân họ. Bọn họ thường có thói quen lượn lờ loanh quanh và làm vui lòng người này, hài lòng người kia, và đảm bảo rằng nguời khác vui vẻ; kể cả việc này làm chính bản thân họ tổn thương và đau đớn (kiểu dành hàng giờ ngồi khuyên con người yêu cũ đừng nên cãi nhau với thằng người yêu mới). Họ thường để cho một đứa con gái xinh xinh tin tin hoặc một thằng bạn bỏ mẹ nào đó hành hạ và đảo lộn cuộc sống của chính mình và tự gặm nhấm sự thất bại, thất vọng khi bị phản bội. Bọn giai tử tế thường luôn đặt mong muốn của người khác cao hơn, lớn hơn rất nhiều so với hạnh phúc của cá nhân họ. Lắm thằng rảnh đến mức còn cảm thấy có lỗi nếu bọn nó thấy ân hận và có lỗi khi đặt lợi ích mình lên trước người khác. Họ thể hiện ra là họ là những người rất tử tế và sống trong một hoài bão rằng rồi “ở hiền gặp lành” và rằng người khác sẽ nhận ra họ tốt và tử tế biết bao. nhưng thực tế họ chỉ bị người khác lợi dụng và cuộc đời xô đẩy. Tử tế với bản thân mình thôi, vì các cụ, xứng đáng được hưởng điều đó!

Bước 3: Đóe cần thiết phải tỏ ra quá quan tâm

Một trong những sai lầm lớn nhất của tất cả các loại giai tử tế trên thế giới này là họ quan tâm một cách thái quá. Họ quá rách việc trong việc quan tâm đến những việc như người khác nghĩ gì, không hiểu bọn con gái nó có thích họ hay không, không biết họ có làm cho người khác buồn không, hay đơn giản là ngồi ngẫm nghĩ xem mình có làm gì không phải. Quan tâm là tốt. nhưng nó chính là một loại virus nếu các cụ quan tâm trong một thời gian quá dài. Ở đây em khuyên các cụ là kệ mẹ nó, và đừng cố gắng bón thúc bằng mồm, đừng cố gắng sửa chữa những cái gì vượt quá tầm kiểm soát của các cụ. Kệ mẹ mọi người. Kệ mẹ bọn nó nghĩ gì và bọn nó muốn gì. Kệ mẹ cho bọn nó gây rối hoặc phạm sai lầm và tự đứng lên từ những sai lầm đấy (ví dụ con người yêu bảo, “anh không sang bây giờ là em sẽ nhịn ăn tối nay”, hay “nếu anh không trả lời điện thoại, em sẽ ra khỏi đời anh vĩnh viễn”. Kệ mẹ bọn nó. Cụ cứ ngồi nhậu tiếp, hoặc đi ngủ mẹ đi. Mai tính tiếp). Đừng có cố ôm đồm mọi việc về mình. Hãy học cách coi nhẹ mọi việc, bình tĩnh trước mọi thứ và giữ trên môi nụ cười. Em nói trước, cái này đóe dễ, giống như bước 2 trên, nhưng cái này là một “tiêu chuẩn” hết sức quan trọng để trở thành Giai đểu. Thực tế là gái xinh, gái đẹp, gái teen bọn chúng yêu lũ đàn ông, con trai giữ được bình tĩnh và thái độ bàng quan trước mọi việc. Đơn giản, hãy dành thời gian của cụ vào những việc cụ thực sự cần quan tâm trong cuộc đời, còn các việc khác, vứt mẹ nó đi!

Bước 4: Đóe phải xin xỏ hoặc chờ bật đèn xanh
Đa phần các chú giai tử tế, giai ngoan đều chờ đợi những tín hiệu và cái gật đầu để làm một việc gì đó. Chính điều này khiến họ trở nên bị động và rụt rè. Quan điểm của em là đóe bao giờ cần phải xin “giấy phép” để làm một điều gì đó (đặc biệt là với phụ nữ) và thản nhiên chờ đợi sự phán kháng để ứng biến một cách tự nhiên. Ngừng ngay việc ngó quanh để tìm sự đồng thuận hay những ánh mắt khuyến khích hay phản đối để xác định mình làm đúng hay làm sai. Nếu cụ thích hôn, hôn mẹ đi, đừng mất thời gian hỏi: “Em ơi, mình hôn nhau nhá”. Cụ thích cấu mông gấu hoặc “sì tơ” gấu, múc mẹ luôn, khỏi cần phải làm mặt cầu cạnh và hỏi: “Này em, anh có được cấu mông em?”. Cụ đừng báo giờ phải lo lắng về phản ứng và sự đồng thuận của mọi người về cái mà nghĩ cụ cho rằng như thế là phải. Cụ cứ thản nhiên áp dụng nguyên tắc sau: “Cụ sẽ nhận ra rằng cụ luôn luôn có quyền làm bất cứ cái gì cụ muốn!”
Phải giữ được trong tâm thế mình là mình MUỐN gì chứ không bao giờ đặt mình trong hoàn cảnh phải xin ai cho phép mình làm cái thứ mà mình MUỐN

Bước 5: Một thủ lĩnh thực thụ

Đã là đàn ông, thì các cụ phải luôn luôn ở tư thế lãnh đạo, tư thế của một con đầu đàn. Đừng bao giờ chờ đợi ai nói xem cụ nên đi đâu hay nên làm cái gì. Hãy đứng lên và nhận trách nhiệm lãnh đạo. Để làm một thủ lĩnh, một cách rất tự nhiên, cụ phải bỏ qua việc việc lo lắng xem mọi người ra sao, và tập trung và quan tâm vào việc cụ đang đi đâu, đang làm cái việc gì mà cụ cho rằng phải làm. Đây không phải là ích kỷ, mà thực sự đây là cách mà cụ đang lo lắng và tập trung làm việc cho bản thân cuộc đời các cụ theo cách của chính mình.
Hãy trở thành thủ lĩnh trong cuộc đời các cụ trong mọi tình huống. Nếu cụ thấy cụ muốn nói chuyện với một em bé xinh xinh trước mặt, hay muốn nhận trách nhiệm làm một việc gì đó, thì cứ đứng lên và tiến tới chỗ đó. Hãy làm cái gì mà cụ cảm thấy đúng cho cuộc đời cụ, vì thực tế, sẽ đóe ai làm điều này cho cụ hay thay cụ cả. Can đảm lên!

Bước 6: Quyết đoán


Luôn luôn chắc chắn rằng cụ muốn gì, và làm thế nào để đạt được nó. Xác định được bản thân cụ muốn gì trong mọi tình huống, bất kể với gái hay việc gì trong cuộc đời nói chung. Khi đã xác định được mục tiêu, hãy theo đuổi nó đến cùng. Một cụ rón rén hay có bộ dạng không chắc chắn trông yếu đuối và nhục bỏ mẹ. Dám có ý kiến và sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình trong mọi vấn đề, mọi lúc, mọi nơi bất kể tại nhà hàng cụ đang ăn hay chỗ đi chơi tăng tiếp theo. Sẵn sàng theo đuổi và hành động theo cách các cụ muôn; điều này sẽ giải phóng cụ khỏi nỗi sợ hãi và lo lắng khi cụ quyết định theo đuổi một mục tiêu mà cụ thực sự muốn. Mình chỉ được sống một lần trong cuộc đời này và hãy đảm bảo rằng cụ sẽ đánh vô lăng để theo đuổi con đường sẽ làm cụ hạnh phúc.
Hãy nhớ rằng, nếu cụ không biết rằng cụ muốn cái gì thì làm sao cụ biết được bao giờ cụ có nó?????

Bước 7: Hãy chân thật với người khác đặc biệt với chính bản thân mình

Một điều đặc biệt đó là giai đểu thường rất tốt trong việc là một người trung thực và nhận trách nhiệm trong việc gì đó. Và điều này thường đối nghịch hoàn toàn với những gì giai ngoan thường làm. Nếu cụ giai đểu thích một bé gái nào đó, thường các cụ ý thể hiện mẹ luôn cho em gái đó là “anh kết em lòi mắt” trong khi đấy các cụ “giai tử tế” thường lại có xu hướng dấu đi cảm xúc thật của mình. Các cụ giai ngoan thường cố gắng trở thành người bạn tốt với những người con gái mà anh ta thích và không bao giờ thể hiện rằng họ thích cô gái đó, và cuối cùng, hành vi ngu xuấn này là đưa cụ này vào nhóm những người bạn bình thường của em gái kia. Nói thẳng mẹ cho nó vuông, đó là chị em phụ nữ thường nhạy cảm gấp mười mấy hai chục lần, thậm chí hàng trăm lần các cụ trong việc xác định thằng nào thích mình và khi nào chúng nó thích mình. Điều này chả ý nghĩa mẹ gì đối với giai đểu vì họ chả có vấn đề gì khi nói với các em “anh thích em” còn giai ngoan thì lại cố che dấu nó, thậm chí còn tỏ ra rằng: “tớ không quan tâm lắm”. Do vậy một cách đơn giản, để trở thành giai đểu, các cụ phải sống thật và chân thành với phụ nữ, vì thực tế là họ đã đi guốc trong bụng cụ là cụ muốn cái gì rồi.
Cụ giai đểu có thể thản nhiên nhìn thẳng vào ngực của chị em phụ nữ còn trong khi đó các giai ngoan thì chỉ dám len lén nhòm mặc dù thích bỏ mẹ. Phụ nữ thường thích thú khi các cụ thể hiện cho cô ấy một cách vừa phải sở thích và thái độ của mình hơn là vờ vờ vệt vệt giấu đi cảm xúc thật của các cụ mặc dù vẫn dí mắt liếc theo cặp mông của họ khi họ vừa quay mặt đi.

Phần thứ hai của bước này là chân thật với bản thân mình, chân thật với con người của chính bản thân các cụ. Tất cả chúng ta đều có trong đầu mình một câu truyện để giải thích tôi là ai, tại sao tôi lại làm chuyện đó, tại sao đúng, tại sao sai và muôn và lý do cho mọi việc. Hãy học cách bỏ qua những câu truyện, những lý do bạn có trong đầu để lừa dối bản thân và che đi sự thật. Chả có gì và chả có ai hoàn hảo. Hãy cứ chân thật với cuộc đời, với mình!

Bước 8: Trưởng thành một cách độc lập

Hãy học cách tự hạnh phúc với chính bản thân mình và những thứ mình có. Các cụ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, khi các cụ càng ít phụ thuộc vào người khác, thì càng nhiều người sẽ cần và sẽ tìm đến các cụ. Hãy luôn nhớ tạo ra những thú vui và những trò giải trí cho bản thân mình, tìm cho mình một niềm đam mê nào đó và tìm cho mình cho mình những thú vui mà các cụ sẽ muốn dành thời gian cho nó.
Cuộc đời chỉ vui vẻ và thú vị khi chính các cụ muốn có và tạo ra được một cuộc đời như vậy. Đừng bao giờ vì buồn mà đi tới một mối quan hệ, gắn bó với một người phụ nữ hay phải lệ thuộc vào một thú vui duy nhất nào đó. Đừng tìm kiếm những thứ giải khuây, đặc biệt là phụ nữ, để làm cho bản thân cụ hạnh phúc, vì thực sự cụ không cần nó. Đàn ông trên khắp thế giới này cứ mãi miết đi tìm hạnh phúc ở khắp mọi nơi khác mà họ quên đi tìm hạnh phúc từ bản thân mình. Khi các cụ học được cách tìm nguồn vui từ mình, lúc đó cụ sẽ có một hấp lực hút tất cả mọi thứ về mình và lúc đó, các cụ sẽ trở thành những người thực sự độc lập. Không có gì có thể hạ gục được cụ.
Giống như đừng biến OS hay OX là thú vui duy nhất của cụ để cụ sợ vãi cứt ra khi có thằng nào dọa ban nick đừng biến con người yêu của mình là một người bạn duy nhất cụ tâm sự vì khi nó đi rồi, cụ sẽ hoảng loạn không biết bấu víu vào đâu. Hãy thản nhiên sống, thản nhiên cười và coi nhẹ mọi thứ. Hãy độc lập và hãy tự tạo cho mình những thứ vui

Bước 9: Biết tự trọng và nâng cao giá trị bản thân

Giai đểu thường bị coi là….đểu vì những cụ này thường biết rõ giá trị bản thân mình, quan tâm đến giá trị bản thân mình và biết tự mãn với giá trị bản thân một cách cân bằng và đáng tôn trọng. Điều này càng khiến bọn “giai ngoan” uất ức vì càng so mình với giai đểu càng thấy mình….kém. Một cụ được cho là giai đểu là người nhận ra hai thực tế rất quan trọng nhất đối với đời mình. Đó là, cụ biết rằng cụ ngon hơn bất cứ thằng nào khác, do vậy, quan điểm của cụ hiển nhiên sẽ đúng đắn hơn quan điểm khác và đóe có ai trên đời này ngon hơn, cao hơn cụ ả. Tất cả đưa đến việc cụ có tự trọng, và tôn trọng bản thân mình. Trước khi tìm kiếm được sự tôn trọng của người khác, đặc biệt là phụ nữ, lên mình thì trước hết cụ phải có tự trọng và tự tôn trọng bản thân mình đầu tiên.
Làm thế nào để cụ có được tự trọng?
 Trước hết, cụ phải tạo được ranh giới tiêu chuẩn nào cụ chấp nhận, tiêu chuẩn nào cụ không chấp nhận từ người khác và hãy dùng nó như một kim chỉ nam cho mình. Điều quan trọng nhất của phần xây dựng lòng tự trọng cho mình đó là đừng đặt mình ngang hàng với bất kể loại người nào thiếu tôn trọng cụ, gia đình của cụ và bạn bè của cụ
Vấn đề với các “giai ngoan” là họ quá tử tế với tất cả mọi người, kể cả những người không tử tế ngược lại với họ. Chúng ta được dạy rằng phải đưa má trái ra khi bị tát vào má phải nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cách làm này chỉ khiến sự việc tồi tệ đị. Khi các cụ đối xử với những người coi cụ như cục cứt một cách tử tế; điều này chính là phần thưởng tưởng thưởng cho những hành vi tồi của họ. Hãy tôn trọng và tử tế với những người tốt bụng và đáng yêu. Tử tế với người khác không hề có nghĩa sẽ làm nguời ta quý mến cụ. Trên thế giới này thiếu đóe gì bọn khốn nạn, nhưng cũng có rất nhiều người tốt ở xung quanh cụ ở trên thế giới này. Hãy nhìn xung quanh và hãy tử tế, tôn trọng những người mà cụ cho rằng họ xứng đáng với điều đó


Bước 10: Khỏe mạnh về thể chất, vững vàng về tinh thần

Là một người đàn ông, cụ phải có một thể trạng vững mạnh cho gia đình, bạn bè, người thân và đặc biệt là phụ nữ để họ có thể yên tâm dựa vào. Hãy sống để gạt bỏ những lời than vãn, kêu ca và rên rỉ đi. Các cụ đi ra đường và luôn nhìn thấy khắp nơi, rất nhiều thể loại người đóe bao giờ biết làm gì ngoài việc than vãn hết thứ này đến thứ khác xảy ra cho bản thân họ. Con người hay giở cái trò than vãn và kêu khóc để chơi cái trò biến mình thành nạn nhân để nhận được lòng thương cảm và sự chú ý của mọi người (cái này, bọn kêu đường trên Facebook chơi suốt. Suốt ngày post ảnh trẻ con tàn tật hay các ông cụ bà cụ trên vỉa hè để câu view! Tởm đến lợm giọng).
Hãy nhận ra rằng, dù kêu ca nhiều đến thế nào thì các cụ cũng đóe thay đổi được tình hình thực tế. Đời đóe có chỗ cho sự công bằng, và nó luôn luôn là thế. Đàn ông đóe than phiền, đàn ông đóe bù lu bù loa lên. Cứ im lặng mà giải quyết nó. Khi có gì không đúng, các cụ xắn tay vào làm một cách tốt nhất để cải tạo nó. Trách nhiệm của đàn ông là đảm bảo những người quan trọng đối với cuộc đời các cụ được chăm sóc một cách cẩn thận nhất. Đương nhiên, khi một điều gì không hay xảy ra, chúng ta có thể suy sụp nhưng các cụ hãy nhớ, với vai trò của một thằng đàn ông, các cụ sẽ giải quyết được nó.
(st)
(nguồn: http://www.wikihow.com/Be-a-Bad-Boy)