Xác định khái niệm Đối tượng chúng tôi muốn nói tới trong bài này, không phải là một vài người Việt đặc tuyển, mà là người Việt nhìn bao quát, người Việt nói chung; - Hành động “đọc” không đơn giản là việc ngồi vào bàn, mà là cả văn hóa đọc với cơ cấu phức tạp của nó; - Sự say mê không phải sự bốc đồng lửa rơm chốc lát mà là biểu hiện của một hoạt động tinh thần vững chắc được trí tuệ bảo đảm rồi thăng hoa; Sau nữa, “sách” nói ở đây không phải là một vài tác phẩm văn chương mùi mẫn gây cười hoặc ít ra cũng du dương êm ái dễ đọc dễ bỏ mà bao gồm - nếu không chủ yếu là - cả các công trình nghiên cứu, các loại chuyên khảo, được viết đạt đến những chuẩn mực của tư duy. Xét như thế thì chắc chẳng ai phải còn một chút phân vân gì nữa mà có thể thẳng thắn nói không, khi đối diện với câu hỏi “Người Việt có mê đọc sách ?” Nhưng còn vì sao có hiện tượng đó? Xin tạm nêu ra mấy lý do: - Ở ta không có văn hóa làm sách; các hoạt động xuất bản trước kia gần như chưa có. - Con người nặng về tình mà nhẹ về lý, thường thích sống trong đám đông hơn là đơn độc với chính mình – tức là thiếu những phẩm chất mà việc đọc sách đòi hỏi. - Xã hội không coi trọng kiến thức, người trí thức không được đánh giá đúng mức. Khi bản thân người làm nghề trí thức cũng đang còn lười đọc sách, thì đông đảo người dân có xa lạ với sách cũng là dễ hiểu. Lấy đâu ra sách mà ham? Có một khái niệm chưa thông dụng lắm, nhưng có lẽ trước sau chúng ta phải dùng tới là văn hóa sách của một dân tộc. Ở nhiều nước, người ta biên soạn cả những bộ Bách khoa toàn thư về sách để ghi nhận mảng văn hóa sách này. Tức là họ thường xuyên tổng kết về công nghệ làm sách ở dân tộc mình: sách bắt đầu có từ thời nào, quan niệm về sách thay đổi ra sao, các dạng tồn tại của sách phong phú tới đâu vv… Giả sử lúc này đây ở ta có ai muốn làm một cuốn sách như thế cũng không biết xoay xỏa thế nào. Tài liệu nghèo nàn, ngay tài liệu lưu trữ tối thiểu cũng không có. Và cái chính là số lượng sách in ra quá thấp, quan niệm về sách của chúng ta thì đơn sơ cổ lỗ. Để làm ra sách cho cả xã hội, các nước cũng đã hình thành nên hoạt động xuất bản và thị trường sách. Ở ta, các ngành này - theo đúng nghĩa của nó - chỉ có từ thế kỷ XX, do sự du nhập từ nước ngoài. Còn trước đó, tất cả ở dạng sơ khai, sách ra đời theo cách thức tự phát, và việc nhân bản hết sức hạn chế, sách gần như chưa biến thành hàng hóa. Một chỉ số nữa, cần tính tới mỗi khi định đánh giá một ngành văn hóa phát triển đến đâu, đó là khả năng của ngành đó trong việc vượt ra biên giới và giao lưu với các hoạt động cùng loại ở nước ngoài. Có lần tôi còn đọc thấy là thời trung đại, giữa Nhật và Trung Hoa có cả một con đường sách, tương tự như con đường tơ lụa nối Trung Hoa với thế giới A rập. Trong khi đó thì đọc lịch sử ta, chỉ thấy nói là những ông quan đi sứ mang về vài quyển sách loại ngẫu nhiên được tặng. Sách đã in ra lại còn phải được tổ chức để đưa đến với người cần. Các tập Lịch sử văn hóa Trung Quốc tôi đọc gần đây thường có một phần nói về thư viện, Đường Tống thế này Minh Thanh thế kia. Bảo rằng ở chỗ này các nhà nghiên cứu làm công việc trở về văn hóa VN sẽ không có việc gì để làm cũng không hẳn đã đúng, song như chỗ tôi đọc được, trong một bộ sử cổ như Đại Việt sử ký toàn thư, số lần hai chữ thư viện xuất hiện chưa được một chục. Cho đến đầu thế kỷ XXI, trong hoạt động văn hóa nói chung ở ta, thư viện vẫn là một hoạt động kém cỏi bậc nhất - ở vào một tình trạng suy thoái chứ không chỉ lạc hậu. Những yếu tố trên, khi tổng hợp lại làm thành một hoàn cảnh bất lợi cho văn hóa đọc phát triển. Giá có ai đó bẩm sinh ham đọc sách chăng nữa, cũng không có sách để đọc, có không khí để bàn luận. Xa lạ với lý trí và thói quen nghiên cứu Chữ viết là một chỉ số của văn hóa. Trong xã hội ta, từ ngàn năm nay, tồn tại một tình trạng nước đôi dang dở. Chữ Hán vẫn là công cụ giao tiếp giữa nhà nước và người dân. Các cuộc thi cử sử dụng chữ Hán, sách vở quan trọng (ví dụ lịch sử) viết bằng chữ Hán. Một cách tổng quát, thứ chữ ngoại nhập này lại là công cụ để người ta nghĩ những điều nghiêm chỉnh. Còn chữ Nôm chỉ để ghi cái đời sống tình cảm hàng ngày, hoặc kêu than, hoặc đùa bỡn. Vả chăng chữ Nôm chưa hình thành như một hệ thống chặt chẽ hợp lý. Nó khó học do đó không phổ biến. Tình trạng chữ viết ở Việt Nam như trên níu kéo văn hóa đọc với hai nghĩa: Thứ nhất, ở dạng trực tiếp, nó làm cho sách vở khó viết, viết xong khó xuất bản, xuất bản xong khó đến với người đọc. Thứ hai, ở dạng gián tiếp, nó ảnh hưởng tới tư duy của con người. Với một thứ chữ thuận tiện, người ta có thể ghi chép và hoàn thiện dần những suy nghĩ của mình và giao lưu với nhau làm cho tri thức ngày càng phong phú. Ngược lại, như ở ta, do thiếu phương tiện (chữ và sách) hợp lý để ghi lại những vận động trong đầu óc, sự suy nghĩ của người ta dễ dừng lại ở tình trạng manh mún rời rạc. Gần đây nhiều người đã công nhận là dân ta làm việc gì thường theo lối chụp giật, mà thiếu thói quen nghiên cứu sự vật; sự nghĩ ngợi hay chắp vá nửa vời, đầu óc người ta không chăm chú theo đuổi cái gì tới cùng. Trong một cá nhân cũng như trong một tập thể, hành động được đề cao hơn suy nghĩ. Ta sống tùy tiện dễ dãi, “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Tất cả những bệnh trạng đó trong tư duy bắt nguồn một phần từ một văn hóa đọc lom đom, một đời sống tinh thần thiếu sách. Đến lượt mình, kiểu tư duy này lại quay trở lại, cản trở người Việt đọc sách. Đứng ở góc độ tâm lý học cá nhân mà xét, với sự đọc sách, con người phải trưởng thành như một nhân cách. Khi đọc sách, người ta phải có thói quen đơn độc trong suy nghĩ và làm việc. Sự hình thành loại người này đòi hỏi bệ đỡ của một nền văn hóa chắc chắn. Tác động của việc kiếm sống Ca dao tục ngữ truyện cười ở ta thường có thái độ chế giễu với người đọc sách. Dưới những con mắt thế tục, việc đọc sách có vẻ như là một cái gì vô bổ của loại người “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Đấy là hình ảnh người đọc sách trong tâm thức dân gian từ thời trung đại tới nay. Cố nhiên trong thực tế, lại có một tình trạng tế nhị khác, là các làng xã thường đánh giá nhau bằng số lượng kẻ cắm đầu vào sách. Có gì mâu thuẫn ở đây chăng? Không. Học trò xưa ham học để có ngày lều chõng đi thi và trở thành quan chức (từ đây khái quát lên người ta vẫn tự hào người Việt ham học). Nhưng không thể bảo họ, - đám người “nghiền” sách cốt đi thi kia - là những người đọc sách với đúng nghĩa của nó. Người học để đi thi tự giới hạn trong kiến thức của người chấm cho họ đỗ. Ngược lại đặc trưng chủ yếu của người đọc sách là một tư duy độc lập và một khao khát bất tận với sự hiểu biết. Loại sau ở xã hội ta quá hiếm, lại còm cõi ít ỏi và chưa thành một lớp người ổn định. Giải thích sao về hiện tượng này? Suy cho cùng ở xã hội nghèo, mọi việc vẫn do miếng cơm manh áo quyết định . Khi có thể dùng sách để lập thân thì người ta đọc sách. Khi có nhiều con đường khác lập thân mà ít tốn sức lực hơn – kể cả lối giả vờ đọc sách, gian lận thi cử - thì người ta bỏ sách khá dễ dàng. Và đó chính là tình trạng của xã hội hôm nay . Tốn công tốn của để đọc mà thu nhập chả hơn là bao so với người không đọc, thì cha bảo con vợ bảo chồng từ giã sách vở, ngồi xem tivi cho nhẹ thân. Sách không còn là nhân tố tất yếu trên đường mưu sinh, và việc đọc sách thường ngả sang một thứ trò chơi, - lý tưởng làm người có vì vậy mà có vẻ bị hạ thấp thì người ta cũng chẳng lấy làm hối tiếc.Một giải pháp lâu dài Mục đích của cuộc hội thảo này là thúc đẩy mọi người mọi tầng lớp công chúng hôm nay đọc sách, tôi tin nhiều sáng kiến rất hay đã được nhiều người đề xuất. Về phần mình, tôi cho rằng cần lùi xa một chút, nhìn rõ một thực trạng kéo dài, nó cũng là tiền đề để có những biện pháp tổng quát hơn có ý nghĩa lâu dài hơn. Vì thế nên có nghiêng nhiều về việc đọc sách của tầng lớp trí thức. Chính họ, theo tôi, là đầu tầu để thúc đẩy một xã hội hợp lý mà chúng ta phải xây dựng, ở đó sách là động lực thúc đẩy mọi tiến bộ, nên sự ham đọc sách không còn bị rẻ rúng . Hồi nhà đạo diễn Nguyễn Đình Nghi còn sống, ông hay nói với tôi về công chúng của sân khấu. Là con trai và người kế nghiệp Thế Lữ, ông Nghi khá thạo sân khấu trước 1945 và trong kháng chiến chống Pháp. Ông bảo, qua sự sa sút của công chúng thời nay, càng thấy công chúng thời trước rất nghiêm chỉnh. Họ đến với sân khấu thiêng liêng như đến với nhà thờ. Và Nguyễn Đình Nghi cắt nghĩa, sở dĩ trước 1945 người đến với sân khấu nói chung khá tốt, mặt bằng khá cao, vì hồi đó, có một lớp công chúng chọn lọc là các trí thức xuất thân từ các nhà trường Pháp - Việt. Họ tạo nên những chuẩn mực trong thưởng thức và lôi cuốn công chúng rộng rãi nói chung. Tình hình đọc sách gần đây cũng có nhiều nét tương tự như bên sân khấu, nên cách giải thích sự sa sút là gần nhau, từ đó cách tổ chức lại công chúng cũng không thể khác. Phải trở lại với cái đúng cái tốt đã có trong quá khứ./. chúng ta
Source: vuongtrinhan.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét