Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Màu da và người Việt




http://www.racismnoway.com.au/teaching-resources/images/PuzzleStimulus.jpgHôm qua, nhân đọc câu phát biểu của Bs Philipp Rösler, tôi có cảm hứng kể vài kinh nghiệm cá nhân ở Úc. Có vài bạn tỏ vẻ ngạc nhiên rằng Úc là xứ sở thân thiện mà cũng có kì thị ư. Lại có bạn nói rằng Việt Nam chúng ta cũng là “chúa kì thị”. Nhưng có một bạn (Huỳnh Mai) bày tỏ suy nghĩ một cách có hệ thống và tôi muốn giới thiệu ở đây.
Nhưng tôi cũng muốn nhân cơ hội này để nói thêm vài điều cho … đầy đủ hơn. Tôi nghĩ rằng xã hội nào cũng có kì thị chủng tộc; nếu không có kì thị chủng tộc thì cũng có phân biệt thành phần và giai cấp. Có lẽ khác nhau là ở mức độ kì thị và biểu hiện. Tôi có cái may mắn đã sống và làm việc qua vài xã hội phương Tây (và dĩ nhiên là Việt Nam) nên có cái cảm nhận chung trên. Ở Mĩ, rất ít ai hỏi tôi câu Where are you from (ông đến từ đâu) theo kiểu tìm hiểu sắc dân nào, nhưng ở Úc thì câu đó rất phổ biến. Dĩ nhiên, tôi không có vấn đề gì về câu đó, nhưng sự hiện diện của câu đó tự nó phản ảnh sự trưởng thành của một xã hội. Ở Mĩ, có lẽ mọi người nhập cư được đảm bảo bình đẳng và xem Mĩ là quê hương, nên câu hỏi đó không có ý nghĩa gì; còn ở Úc, nơi mà người ta còn phân biệt họ và tôi thì câu hỏi đó vẫn tồn tại. Nếu tôi làm gì sai và nếu tôi trả lời tôi đến từ Việt Nam, thì chắc chắn nhiều người Úc sẽ nghĩ À, đúng rồi, nó là thằng Việt Nam mà (như một sự mặc định). Cách hỏi đó cũng giống như Việt Nam ta hay phân biệt người đến từ vùng nông thôn hay thành thị, Nam hay Bắc hay Trung. Nếu tôi làm gì tỏ ra lượm thượm và quê mùa, thì chắc chắn người Sài Gòn sẽ nói hèn gì, nó là Hai Lúa mà. Một sự rập khuông! Do đó, tôi đồng ý là người mình cũng kì thị lắm. 
Úc cũng không nằm ngoài cái “qui luật” đó. Thật ra, Úc từng khét tiếng trên thế giới về kì thị chủng tộc, vì họ có chính sách hẳn hoi. Chính sách đó có tên là White Australia Policy (Chính sách Nước Úc Da Trắng). Theo tinh thần của chính sách này, Úc hạn chế di dân người da màu (kể cả Á châu). Chính sách này chỉ mới được (hay bị) bãi bỏ vào năm 1973 mà thôi. Một chính sách hiện diện lâu dài như thế trong lịch sử thì những di sản của nó còn tồn tại mãi đến ngày nay là điều không ngạc nhiên. Bởi thế mới có những Pauline Hanson, Geoffrey Blainey, Alan Jones, v.v. những người khét tiếng là không ưa di dân, đặc biệt là di dân Á châu và đặc biệt hơn là người Việt Nam. Blainey là một nhà sử học bảo thủ lừng danh của Đại học Melbourne từng phát biểu những câu rất xúc phạm đến người Việt. Ngay cả cựu thủ tướng John Howard cũng có thể được liệt vào nhóm không ưa Á châu này (tôi tự hào là chưa bao giờ bầu cho ông này một lá phiếu nào cả). Kì thị người tị nạn Việt Nam đã trở thành một đề tài nghiên cứu xã hội khá phong phú. Các bạn có thể đọc bài tổng quan này để biết vấn đề nghiêm trọng ra sao.
Mấy năm đầu khi tôi mới qua đây và còn làm trong nhà bếp Bệnh viện St Vincent, các bạn đồng môn tôi hay nói mày may mắn quá, chứ ngày xưa chúng tao bị kì thị dữ lắm. Nên nhớ các bạn đồng môn này là người da trắng (Ý, Hi Lạp, Ba Lan, v.v.) Họ kể rằng thời đó (thập niên 1970) họ không được vào uống bia ở các pub bia dành cho người Úc! Ngay từ những năm đầu thập niên 1980, người Việt tị nạn cũng bị kì thị ghê gớm. Tôi có một anh bạn bị đám Úc da trắng đánh rất nặng, và với anh thì “mối thù” đó được ghi tâm khắc dạ. Đó cũng chính là bối cảnh ra đời của các băng đảng gốc Việt Nam. Những băng đảng này tuy đứng ngoài vòng pháp luật, nhưng ở một khía cạnh nào đó, cũng góp phần làm cho những kẻ kì thị phải kiêng nể người Việt. Nếu những tên kì thị muốn hành hung người Việt, chúng phải suy nghĩ 9 lần trước khi hành động, chứ không dám ngông nghênh như trước đây. Ngày nay, con cháu tôi nghe chuyện đó cứ như là chuyện hoang đường, nhưng hoàn toàn có thật. Do đó, bây giờ những người thuộc thế hệ tôi cũng có thể nói với các bạn mới qua: các bạn may mắn hơn chúng tôi ngày xưa nhiều lắm, vì Úc đã khác xưa rồi và văn minh hơn nhiều :-).
Úc ngày nay quả thật đã khác xưa. Có phần tiến bộ hơn. Bây giờ thì Úc là một xã hội đa văn hoá, với hàng trăm sắc dân sống và làm việc. Cũng như Mĩ (và sau Mĩ), bây giờ Úc có chính sách chống kì thị chủng tộc rất nghiêm ngặt và minh bạch. Do đó, những hành động kì thị chủng tộc có thể ra toà như bỡn. Điều đó không có nghĩa là không còn kì thị, nhưng tình trạng kì thị giảm rất đáng kể. Nếu có kì thị thì cũng chỉ là ngầm mà thôi.
Hôm nọ, tôi nói họ kì thị có bài bản là có bằng chứng chứ không phải suy luận. Cách đây khoảng 15 năm, khi trào lưu học sinh Á châu (kể cả Việt Nam) thi đậu các trường tuyển (trung học), và trúng tuyển các ngành danh giá trong đại học như y khoa, luật khoa, và thương mại, người Úc có phản ứng. Thoạt đầu, phụ huynh người Úc phàn nàn rằng học sinh Á châu chỉ lo học, mà không chơi thể thao, nên làm cho trường của họ bị mất tiếng! Thế là họ yêu cầu học sinh không chỉ trúng tuyển dựa vào khả năng học mà còn thể thao, mà thể thao là điểm yếu của "phe ta". Khi thấy nhiều học sinh Á châu vào các ngành danh giá, họ "nóng mặt" và tìm cách hạn chế. Họ đòi hỏi phải thi tiếng Anh, vì muốn làm bác sĩ thì phải biết nói tiếng Anh (ai cãi được lí lẽ này?), mà tiếng Anh cũng là điểm yếu của "phe ta". Có thể xem đó là kì thị? Có người không xem đó là kì thị, mà là "nâng cao trình độ và khả năng", nhưng cách nâng cao đó hạn chế học sinh gốc Á châu. Tuy nhiên, đến thế hệ thứ hai (tức con cháu chúng tôi) thì tiếng Anh không thành vấn đề nữa.  
Người Việt có quyền tự hào vì đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của Úc. Tôi còn nhớ 30 năm về trước, những vùng như Cabramatta là một vùng bán nông thôn, nhưng nhờ vào người Việt, vùng này đã trở thành một khu đô thị rất vivant và rất … Việt Nam. Trong khoa học và giáo dục, người Việt cũng có đóng góp tuy không to lớn gì, nhưng cũng nổi trội nếu so với số người Việt ở Úc. Các chính khách Úc, không biết vì muốn nịnh (để lấy phiếu) hay nói thật lòng, thường phát biểu rằng sự thành công của cộng đồng người Việt ở đây là một tấm gương cho các sắc dân thiểu số khác. Bởi vậy, người Việt có quyền gọi nước Úc là quê hương.
Thú thật, nói ra thì đụng chạm, nhưng tôi phải thú nhận một điều là tôi cảm thấy thoải mái với xã hội Úc này hơn là Việt Nam. Ở Việt Nam, theo tôi biết thì người ta vẫn còn phân biệt người trong và ngoài đảng, vẫn còn dựa vào lí lịch (kiểu có công với cách mạng hay tương tự), vẫn còn xem gốc gác “con ông này, cháu bà kia”. Còn ở Úc, tuy vẫn còn kì thị ngầm, nhưng không ai dám hỏi tôi theo trường phái chính trị nào (theo đảng Lao Động hay “Tự Do”), không ai dám hỏi tôi là người Việt Nam hay người Úc, và hoàn toàn không có chuyện chủ nghĩa lí lịch (kiểu tôi là con của ai, và Ba Má tôi làm gì), vì những câu hỏi này được xem là irrelevant và quan trọng hơn là vi phạm luật pháp. Ở Úc cũng không (hay rất rất ít) những qui định lắt léo như bên Việt Nam. Qui định lắt léo hiểu theo nghĩa muốn diễn giải thế nào là tuỳ ý người có quyền. Ở Úc, tôi không thấy có sự đố kị giữa đồng nghiệp, vì tiêu chuẩn minh bạch, đâu ra đó, người được bổ nhiệm thường đúng người đúng việc. Nhìn như vậy để thấy rằng xã hội Việt Nam còn phải tiến hoá một thời gian dài mới được công bằng như xã hội Úc.
Nếu có thì giờ tôi sẽ tìm đọc những nghiên cứu xã hội về kì thị chủng tộc. Nhưng tôi có một giả thuyết là cường độ kì thị tỉ lệ nghịch với kiến thức văn hoá. Hình như Einstein từng nói rằng cái ego (cái tôi) của một cá nhân càng lớn khi kiến thức của cá nhân đó càng thấp (tương đường với câu thùng rỗng kêu to của người Việt?). Viết theo công thức là ego = 1/knowledge. Tương tự, có thể viết rằng discrimination = 1/education. Quan sát của tôi là kì thị thường xảy ra trong môi trường khó khăn, và người có văn hoá thấp (hiểu theo nghĩa thiếu cơ hội học hành đến nơi đến chốn, hoặc thiếu thông tin), hoặc sống trong môi trường cô lập không tiếp xúc với người ngoại quốc, v.v. là những người hay bày tỏ thái độ kì thị. Vì sống trong môi trường cô lập, nên họ nhìn người ngoài hay khác văn hoá với thái độ nghi ngờ. Họ cảm thấy bị đe doạ bởi một nền văn hoá khác. Điều này giải thích tại sao người Úc ở vùng nông thôn thường có xu hướng rất ghét người di dân. Nhưng khi họ được đi đây đi đó, tiếp xúc với các nền văn hoá khác, thì họ cởi mở hơn. Nếu giả thuyết này đúng thì biện pháp giảm kì thị chính là giáo dục.
Với những bày tỏ mang tính dẫn nhập trên, bây giờ các bạn có thể đọc bài viết của chị Huỳnh Mai ở đây:http://huynhmai.org/2012/09/15/142.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét